Cảnh báo nguy cơ mua bán tạng trong hiến và ghép tạng tại Việt Nam

22/03/2021 18:09 GMT+7

Chính vì nhu cầu ghép tạng cao nhưng nguồn cung tạng quá ít đã dẫn đến tình trạng mua bán tạng. Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam GS Trần Ngọc Sinh cảnh báo về nguy cơ này.

 Ngày 22.3, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia ghép tạng đầu ngành trong nước và quốc tế

Mua bán tạng từ bí mật tới công khai

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết từ năm 1992 đến nay, VN có 20 trung tâm ghép tạng. Đã ghép hơn 5.000 ca ghép tạng, mô, bộ phận cơ thể và có hơn 40.000 người đăng ký hiến mô tạng. Ngành ghép tạng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, làm chủ nhiều kỹ thuật lớn, khó như gan, tim, phổi…

Mua bán tạng công khai trên mạng xã hội.

ẢNH: DUY TÍNH

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, vẫn còn những vấn đề tồn tại nhất định. Nhiều đơn vị chưa thành lập hội đồng chết não; ghép tạng nhưng chưa có giấy phép; ghép tạng cho bệnh nhân chưa có tên trên danh sách chờ ghép quốc gia; chưa có đơn vị điều phối ghép tạng tại các cơ sở ghép; chưa tiếp nhận đăng ký hiến môn tạng; không báo cáo các ca ghép và kết quả về cho Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia. Do đó, những vấn đề này cần phải điều chỉnh.
Không chỉ những tồn tại trong cơ chế chính sách mà còn những có sự giả mạo giấy tờ, giả chữ ký, giả con dấu của cơ quan có thẩm quyền.
Một thực trạng đáng lo ngại mà theo GS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam cảnh báo tại hội thảo là nguy cơ mua bán tạng trong hiến và ghép tạng tại Việt Nam và nguy cơ làm hại những thành tựu có được trong ghép tạng.
Theo GS Sinh, số trung tâm tôn trọng quy tắc không trao đổi tài chính giữa người cho và nhận, hoặc dưới hình thức trá hình là rất ít, chỉ 1-2 nhiều nhất là 3. Còn có những trung tâm lãnh đạo giương cao ngọn cờ nhân đạo trong ghép tạng nhưng nhân viên thì luôn tìm cách này, cách khác và có sự mâu thuẫn này nọ….
GS Sinh cũng đáng tiếc "có một số cá nhân có vai trò trong ngành, bán công khai hay dưới hình thức kín đáo khác, đồng thuận với việc buôn bán tạng để ghép, thậm chí ra giải pháp để luồn lách luật. Hiện có những trung tâm làm ăn lớn, ai cũng biết…"
Đại diện Vụ pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng việc có hay không sự tiếp tay còn liên quan đến nhiều khía cạnh như pháp lý, vô tình để lọt hồ sơ giả hoặc bị các đối tượng lừa đảo… nhưng cũng có trường hợp biết nhưng nhắm mắt cho qua. Đây là mối quan hệ tay ba giữa người mua, người bán và các cơ sở y tế.

Tạng hiến là tài sản quốc gia

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, cần có trung tâm điều phối ghép tạng vùng bắc, trung, nam để thúc đẩy hoạt động điều phối; hoạt động lấy, ghép hiến mô tạng; tôn vinh người hiến mô tạng. Thành lập hội đồng đánh giá chết não của tất các trung tâm ghép tạng và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; đưa các quy định này vào luật Lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và cả luật Khám bệnh, chữa bệnh. Nó không chỉ đánh giá chính xác tình trạng chết não hay chưa mà còn là cơ hội tiếp cận nguồn tạng hiến…
“Phải xác định rõ nguyên tắc tạng hiến là tài sản Quốc gia. Có như vậy mới điều phối một cách công khai, minh bạch và hiệu quả. Hiện nay, nhiều cơ sở vẫn còn nghĩ tạng hiến là do mình vận động được, nên tự quyết định mọi câu chuyện. Phải biết là để có nguồn tạng là cả một hệ thống chính sách, như Quốc hộ ban hành luật, cả ngành y tế tổ chức từ chuyên môn đến truyền thông…. Tạng hiến là tài sản Quốc gia để người làm công tác ghép an tâm, cơ sở ghép và hoạt động điều phối cũng an tâm và người dân cảm thấy thoải mái”, ông Hoàng nói.

Tận dụng nguồn tạng từ người chết não

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người dân được hưởng lời nhiều từ chính sách hiến, ghép tạng. Giờ nhìn nhận đánh giá lại sau 14 năm luật Lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thi hành thì còn những vấn đề cần giải quyết là sửa đổi, tạo hành lang, cánh cửa mở ra cho công tác hiến và ghép tạng, mô, bộ phận cơ thể người thông thoáng. Đó là xem lại độ tuổi hiến tạng, quan trọng nhất là tạo hành lang pháp lý thông thoáng để có thể tận dụng cơ hội với chết não.
Tại Điều 5 luật Lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, quy định người từ đủ 18 trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Để tăng cường người hiến mô, bộ phận cơ thể người thì Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi, bổ sung: Không giới hạn về độ tuổi với người chết não (người dưới 18 tuổi phải có đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ). Người hiến sống cùng huyết thống từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Người hiến sống không cùng huyết thống phải từ 30 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Theo thứ trưởng Sơn, thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn, số người được ghép từ người cho sống là chủ yếu, từ người cho chết não mỗi tháng được 1 - 2 lần, dù đã tận dụng tốt lấy nhiều cơ quan nhưng vẫn chưa đủ.
Thực tế là tai nạn giao thông khiến 10.000 người tử vong mỗi năm, như vậy lượng người tiềm năng hiến tạng chết não vẫn còn rất nhiều. Chưa tận dụng tốt những đối tượng này là do luật chưa quy định, chưa có cơ chế chẩn đoán chết não mở hơn (hiện muốn chẩn đoán chết não phải có 3 bác sĩ pháp y, nội thần kinh và bác sĩ chăm sóc). Sửa đổi luật mở hơn, từ đối tượng hiến, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tài chính cho người được hiến tạng, tài chính về ghép tạng.
“10.000 người tai nạn giao thông tử vong mỗi năm sẽ là nguồn tạng cho hàng ngàn người đang chờ ghép thận, gan… Đây là nguồn tạng sạch đúng nghĩa. Sử dụng nguồn tạng sách là đúng với công ước Istanbul về chống buôn lậu, mua bán tạng và chống du lịch ghép tạng, đó bằng cách nguồn hiến ghép từ người chết não”. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.