Cảnh báo nguy cơ sức khỏe từ 'trào lưu nấu ăn không cần nồi' trên TikTok

20/02/2023 16:31 GMT+7

Trên mạng xã hội TikTok nhiều ngày qua đang nổi lên trào lưu nấu ăn không cần nồi hay chảo, mà đun chín thức ăn trực tiếp trong giấy bạc. Vậy liệu cách nấu này có an toàn cho sức khỏe?

Nhiều người dùng TikTok lan truyền các đoạn video hướng dẫn nấu ăn mà không cần dùng đến dụng cụ chuyên dụng như nồi hay chảo. Họ gói thức ăn (có thể kèm theo một lượng dầu ăn hoặc sốt ướp) lại trong giấy bạc (hay còn gọi là giấy nhôm) và đun trực tiếp trên bếp gas hoặc bếp điện. Tạp chí Reader's Digest nhận định đây là việc làm có thể gây nguy hiểm.

Cảnh báo nguy cơ sức khỏe từ trào lưu 'nấu ăn không cần nồi' trên TikTok - Ảnh 1.

Cà chua có tính axit dễ khiến giấy bạc bị hỏng và ngấm nhiều hơn vào thức ăn

SHUTTERSTOCK

Cụ thể, theo thông tin từ Thư viện y khoa quốc gia Mỹ, Trung tâm thông tin công nghệ sinh học quốc gia Mỹ và một số nghiên cứu đã được công bố trước đây, giấy bạc sẽ có nguy cơ ngấm vào thức ăn khi bị tác động nhiệt quá cao. 

Các nghiên cứu cũng phát hiện ra nếu con người hấp thụ lượng nhôm cao trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Nghiên cứu công bố hồi năm 2011 do các chuyên gia thuộc Đại học Tokyo và Đại học Y tế Phúc lợi Kyushu (đều ở Nhật Bản) phối hợp thực hiện đã tìm thấy nồng độ nhôm cao trong mô não của bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer.

Các nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng hấp thụ lượng nhôm cao trong lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ ức chế tốc độ tăng trưởng của tế bào và gây hại cho bệnh nhân mắc bệnh về xương hoặc thận.

Theo chuyên trang Science Direct, nhiệt độ trung bình khi tiếp xúc trực tiếp một ngọn lửa là trên 800 độ C. Do đó, việc bọc thức ăn bằng giấy bạc và nấu ngay trên bếp lửa hay bếp điện ở nhiệt độ cao có thể mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe.

Ngoài ra, trả lời Reader's Digest, bà Amber Adams - chuyên gia tư vấn đồ dùng gia đình tại Mỹ, cho biết độ axit trong thực phẩm cũng là một nguy cơ khác.

"Nếu bạn nấu các loại thực phẩm có tính axit cao như cà chua hoặc nước xốt làm từ giấm ở nhiệt độ quá cao, điều này có thể khiến giấy bạc dễ hỏng, thậm chí còn khiến nhiều nhôm hơn ngấm vào thức ăn", bà Adams nói.

Chuyên gia người Mỹ cũng lưu ý dù lượng nhôm giải phóng vào thức ăn trong một lần nấu là không quá nhiều, tuy nhiên với những người nhạy cảm hoặc có nguy cơ mắc Alzheimer cao thì nên cẩn thận.

Bà Adams cũng cho biết có nhiều lựa chọn an toàn hơn để nấu ăn, đơn giản như cách mọi người vẫn thường làm là nấu chín thực phẩm trong các dụng cụ bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ.

Mọi người cũng nên sử dụng giấy bạc theo đúng hướng dẫn từ nhà sản xuất và hoàn toàn không nên quá lo lắng nếu thỉnh thoảng mới sử dụng chúng để nấu ăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.