Ngày 5.7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có công điện gửi các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trong tỉnh về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước và trong mùa mưa lũ.
Hiểm họa sạt lở vẫn đang rình rập nhiều nơi ở Đà Lạt
Kiên quyết đình chỉ công trình không bảo đảm an toàn
Theo công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn đối với toàn bộ các công trình đang xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc, khu vực có độ chênh ta luy âm/dương lớn; kiên quyết đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.
Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng (nhà cửa, công trình) ven sông, suối, sườn dốc, khu vực có độ chênh ta luy âm/dương lớn... nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, giảm nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; đồng thời, chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn.
Theo đó, kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng; đồng thời, chuẩn bị phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Đà Lạt nóng lên, sạt lở, lũ lụt: 'Lỗi không chỉ của quy hoạch kiến trúc'
Nhiều công trình nguy cơ sạt lở cao
Ngày 5.7, PV Thanh Niên quan sát một số khu vực trong phạm vi P.3 và P.10 TP. Đà Lạt, ghi nhận nhiều công trình xây dựng, nhà cửa đang bị đe dọa.
Có những công trình được xây dựng kiên cố, bài bản; bên cạnh đó cũng có những công trình nhà tạm nằm cheo leo bên triền núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, nhất là khi mưa lũ.
Tại đường Khe Sanh, P.10 có công trình xây dựng cạnh đường Mimosa, dù có phép nhưng từng xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Trên địa bàn P.10, ngoài vụ sạt lở kinh hoàng ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám làm chết 2 người, 5 người bị thương, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản…, còn xảy ra nhiều vị trí sạt lở đất, ta luy làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Còn tại Khu hầm đá, P.10, nhiều nhà dân nằm cheo leo ở triền đồi. Đêm 29.6 vừa qua, nước từ khu Dinh 1, đường Trần Quang Diệu chảy như thác làm sạt lở ta luy, đường đi và đe dọa nhà cửa có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Tại khu dân cư tự phát dưới thung lũng đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, đất sạt lở đe dọa nhà dân, đến ngày 5.7 vẫn chưa thu dọn xong đất sạt lở.
Theo Phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, cơn mưa lớn đêm 28.6 kéo dài qua rạng sáng 29.6 vừa qua trên địa bàn P.3 (Đà Lạt) gây ra hơn 10 điểm sạt lở, trong đó có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đến các công trình nhà dân.
Riêng tại đường Đặng Thái Thân có 6 điểm sạt lở, trong đó, một căn nhà đã bị sập, rất may là đã cứu được 3 người trong nhà, và một căn nhà khác bị hổng chân có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào. Cũng tại đây, nước mưa còn gây sạt lở ta luy, uy hiếp đến 3 căn nhà của người dân dưới thấp, trong đó có một căn đã bị sập một phần.
Xem nhanh 12h ngày 6.7: Hiểm họa sạt lở rình rập Đà Lạt | Chân tướng giang hồ khét tiếng ở Phú Quốc
Chưa hết, trên đường đường Đống Đa có một căn nhà bị sập hoàn toàn và tại đường An Bình cũng có một căn nhà cấp 4 bị sập.
Theo Phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, nguyên nhân sạt lở do lượng mưa rất lớn, trong thời gian dài; các công trình đã xây dựng, đang xây dựng trên và dưới mái ta luy có độ cao lớn nên khi mưa lớn gây ảnh hưởng đến kết cấu ta luy gây sạt trượt.
Bình luận (0)