Cảnh báo tình trạng 'loạn chuẩn' trong văn học nghệ thuật

20/12/2022 06:59 GMT+7

Nhiều văn nghệ sĩ đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về tình hình hoạt động văn hóa nghệ thuật trong hội thảo Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới ngày 19.12, tại Hà Nam.

Tổng phổ mối xông, lịch sử bị nhà văn phá

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) nuối tiếc vô cùng vì nhiều tư liệu tại Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Lương Ngọc Trác, Trần Văn Khê, Phạm Duy, Văn Dung, Phó Đức Phương mãi không số hóa hết. Ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tình trạng tư liệu cũng không khá hơn. “Họ hàng nhà mối xơi mất tủ tài liệu văn phòng hội. Trong đó có không ít sách nhạc, hồ sơ và tổng phổ tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh… khiến kho tài liệu đã nghèo càng thêm nghèo”, bà Châu tiếc nuối.

Các phim điện ảnh do nhà nước sản xuất khi ra rạp không thu hút đông người xem

T.L

Trong khi đó, các kho nhạc online ngày càng phát triển. “Nhìn sang các kho nhạc trên mạng mà thèm, nào là YouTube, Zing, Nhaccuatui, Spotify…; nào là Google đầy ắp thông tin liên quan đến tác phẩm, tác giả hoặc kiến thức và sự kiện âm nhạc. Đành mơ tiếp ước mơ bách khoa toàn thư âm nhạc trên nền tảng số”, bà Châu chia sẻ.

Trong tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải lại lo lắng về việc nhà văn không đọc được lịch sử một cách chính xác, chỉ viết theo phỏng đoán hoặc viết theo cách nhận dạng lịch sử qua kiến văn của người khác. Theo ông Hải, trận đánh quân Tống (Trung Quốc) trên sông Như Nguyệt, Lê Văn Thịnh sát cánh cùng Lý Thường Kiệt, bộc lộ rõ một tài năng lớn. Trong khi đó, thái sư Lê Văn Thịnh bị xây dựng hình ảnh văn học là một tay sai cho nhà Tống. “Nước Đại Việt khi đó là một quốc gia hùng mạnh, không có lý do gì Lê Văn Thịnh lại làm tay sai cho nhà Tống đang ngắc ngoải. Có nhiều trường hợp bi hài, chính nhà văn là thủ phạm làm rối tung lịch sử”, ông Hải phân tích.

Thường thì mỗi năm mỗi hãng được giao làm một phim. Dù chỉ có một phim nhưng nhiều hãng không đủ nhân lực, vẫn phải đi thuê ngoài. Cùng lúc, bộ phận vận hành theo cơ chế thị trường lại theo kiểu ai có tiền thì làm được phim, bất kể kiến thức điện ảnh.

Nhà nghiên cứu điện ảnh ĐOÀN TUẤN

Nhà nghiên cứu điện ảnh Đoàn Tuấn nhận định một phần của ngành điện ảnh vẫn ở lại trong chế độ bao cấp, không hề liên quan đến nền kinh tế thị trường. Còn một phần kia của điện ảnh hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng đó là thị trường ốm yếu và nhỏ hẹp. Về hãng phim nhà nước, ông Tuấn nhận xét: “Thường thì mỗi năm mỗi hãng được giao làm một phim. Dù chỉ có một phim nhưng nhiều hãng không đủ nhân lực, vẫn phải đi thuê ngoài. Cùng lúc, bộ phận vận hành theo cơ chế thị trường lại theo kiểu ai có tiền thì làm được phim, bất kể kiến thức điện ảnh”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương tập trung phân tích về bất cập của phê bình văn học nghệ thuật. Với thơ, ông cho biết xuất hiện nhiều nhóm, hội làm thơ mang tính phong trào phát triển mạnh mẽ với nhiều chi nhánh ở khắp các tỉnh, thành phố. Thậm chí, các nhóm hội còn làm những huy hiệu, giấy chứng nhận đẹp đẽ để tặng cho những hội viên tham gia dù nhiều tác phẩm mới dừng ở thơ phong trào. “Thẳng thắn nhìn nhận giờ chúng ta đang chung sống với sự loạn chuẩn. Nhiều nhà phê bình hạ mình xuống, hạ tiêu chí để ca ngợi những tập thơ nửa vời ấy cũng góp phần làm méo mó nền văn học”, ông Phương nói.

Cần thành lập “Ban kiểm soát đặc biệt”

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá có nhiều điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hóa để phát triển văn học nghệ thuật. Đầu tiên chính là nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ. “Chúng ta ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc… là yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn học nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong khẳng định giá trị hàng hóa của mình. Chúng ta cần khẳng định sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng là sản phẩm hàng hóa, song có logic đặc biệt. Khi khẳng định tính chất hàng hóa của sản phẩm văn học, nghệ thuật, chúng ta mới chú ý nhiều hơn tới thị trường, phát triển khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu”, ông Sơn nói.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp thực tiễn; huy động nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Cũng theo ông Nghĩa, cần tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật; cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, định hướng, bồi đắp lý tưởng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ.

Đồng thời, cần tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ văn học, nghệ thuật, tạo cơ sở vững chắc xây dựng thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật phát triển đồng bộ, hiện đại trong bối cảnh mới.

TS Vũ Thị Thu Hà (Viện Nghiên cứu văn học) đặt vấn đề về việc “tẩy chay”, “phạt”, “phong sát” với các tác phẩm và nghệ sĩ có vi phạm pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục, có nguy cơ tạo ra các tiền lệ xấu. Theo TS Hà, cần thiết xây dựng các quy chuẩn, thành lập “Ban kiểm soát đặc biệt” gồm những người có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi, chịu trách nhiệm trước pháp luật, xây dựng các phương án và tổ chức phù hợp. Ban này thường xuyên giám sát các hoạt động trực tuyến, có quyền tự quyết, xử lý tức thì, điều phối vấn đề nóng liên quan đến các sai phạm trong hoạt động nghệ thuật sau khi có sự bàn thảo thống nhất trong ban.

Nhà văn Ngô Thảo cho rằng điều vẫn giữ nguyên tính thời sự từ khi Nghị quyết 23 ra đời đến nay là: “Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp”.

Theo ông Ngô Thảo, cần xem lại việc cứng nhắc tiêu chuẩn về bằng cấp chính trị và hành chính mà xem nhẹ tiêu chuẩn về các kiến thức văn hóa và văn học nghệ thuật. Ông Thảo cũng cảnh báo việc hội viên các hội văn học nghệ thuật trung ương và địa phương hiện nay quá nửa là người cao tuổi. “Hội Nhà văn Việt Nam có số hội viên trên 60 tuổi, thậm chí trên 70 tuổi vẫn quá bán; chưa tập hợp được lớp trẻ là số đang sáng tác sung sức”, ông Thảo nói.

Cũng theo ông Thảo: “Không khẩn trương và quyết liệt, cụ thể trong công tác tổ chức lực lượng này thì tất cả sự phát triển của các phương tiện và kênh truyền tải hiện có sẽ là những con đường rộng thênh thang cho cuộc “xâm lăng” về văn hóa. Không gian văn hóa nước ta hiện nay đang tràn ngập và chiếm ưu thế cả về thời lượng lẫn công chúng là những sản phẩm văn hóa nước ngoài”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.