Cảnh báo trước giờ mở cửa hàng không EU

30/06/2021 09:00 GMT+7

Đại diện các hãng hàng không và sân bay lớn EU lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra hỗn loạn tại các phi trường trước giờ áp dụng chứng chỉ thông hành điện tử Covid-19 .

Từ ngày 1.7, EU chính thức áp dụng chứng chỉ thông hành điện tử Covid-19 (DCC). Theo AFP, chứng chỉ là kết quả sau nhiều tháng phối hợp thực hiện giữa các thành viên EU, theo đó xác nhận tình trạng tiêm vắc xin, mới xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc vừa khỏi bệnh Covid-19 của đối tượng được cấp. Dựa trên mã QR trên ứng dụng điện thoại di động hoặc bản in bằng giấy, chứng chỉ cho phép tự do di chuyển giữa các quốc gia EU mà không cần cách ly hoặc xét nghiệm bổ sung vào thời điểm nhập cảnh.

Nguy cơ hỗn loạn

Trước giờ triển khai, đại diện các hãng hàng không và những sân bay lớn nhất châu Âu đã gửi thư cảnh báo giới lãnh đạo EU về nguy cơ xảy ra hỗn loạn và tắc nghẽn sân bay. “Trong bối cảnh lưu lượng hành khách gia tăng trong những tuần tới, nguy cơ hỗn loạn tại các sân bay EU là điều không thể tránh khỏi”, theo Reuters hôm qua dẫn nội dung bức thư.

Hộ chiếu COVID sẽ gây hỗn loạn ở các sân bay?

Để tránh xếp hàng kéo dài và xảy ra tình trạng bị hoãn chuyến vào thời gian cao điểm trong hè, các nước cần triển khai hệ thống cho phép xử lý từ xa chứng chỉ tiêm vắc xin và tờ khai vị trí hành khách trước khi họ đến sân bay. Những khâu kiểm tra bổ sung chỉ được thực hiện ở nước khởi hành và các chính phủ phải là bên quản lý dữ liệu về tình trạng sức khỏe của người dân cũng như cung cấp thiết bị quét mã QR cho các phi trường, theo thư.
Một trong những người ký đơn là ông Olivier Jankovec, Tổng giám đốc Tổ chức Hội đồng các sân bay quốc tế châu Âu (ACI châu Âu). Ông gọi đây là thách thức chưa từng có và các thành viên ACI đang vô cùng quan ngại khi nhiều sân bay vẫn thực hiện việc xác minh theo phương thức thủ công.
Bên cạnh đó, ông Rafael Schvartzman, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ở châu Âu, cho hay thời gian trung bình ở sân bay của hành khách đã tăng gấp đôi, từ khoảng 1 giờ rưỡi trước dịch Covid-19 lên 3 giờ như hiện nay. Nếu không thay đổi, thời lượng này có thể tăng lên 5 - 8 giờ trong giai đoạn cao điểm ở EU.

EU chấp nhận vắc xin nào ?

Tính đến ngày 28.6, 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã phát hành và công nhận DCC. Về vắc xin, hiện EU mới chấp nhận các vắc xin ngừa Covid-19 của liên danh BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson.

90% máy bay AirAsia "xếp cánh" vì dịch COVID-19

Tuy nhiên, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa phê chuẩn vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và lấy tên Covishield. Vì thế, hành khách tiêm vắc xin này hiện vẫn chưa được phép đi lại tự do trong khối EU, theo trang SchengenVisaInfo.com.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của biến chủng Delta đang mang đến thách thức mới trước giờ áp dụng DCC. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Olivier Véran của Pháp thông tin hiện biến chủng Delta chiếm 20% tổng số ca Covid-19 ở nước này, tăng gấp đôi so với ước tính trước đó. Biến chủng Delta cũng tăng mạnh tại Bồ Đào Nha, buộc Đức tạm thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước này, trừ thường trú nhân hoặc công dân Đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.