Cảnh báo này vừa được đưa ra tại buổi phát động Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc, tổ chức tại Bệnh viện Trung ương Huế chiều 22.11.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên buổi lễ đã được tổ chức trực tuyến |
T.H |
Theo Tổ chức Chống đề kháng kháng sinh toàn cầu (GARP), qua nghiên cứu và ghi nhận, tại Việt Nam phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. Nguyên nhân tự ý dùng kháng sinh chủ yếu để điều trị ho và sốt.
Đáng chú ý, tỷ lệ vi khuẩn gram âm đa đề kháng được ghi nhận tăng cao ngay cả ở những người khỏe mạnh trong cộng đồng.
Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý trong điều trị là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình đề kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, các vấn đề như quá tải y tế, không phân tầng nguy cơ hay không đánh giá dấu hiệu nhiễm khuẩn của người bệnh khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh tăng lên và làm tốc độ kháng kháng sinh xảy ra nhanh hơn.
Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng, thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi; càng đáng báo động khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của con người.
Tiến tới không sử dụng kháng sinh đa đề kháng
Theo bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trong nhiều năm qua với sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên, bệnh viện đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận.
Số lượng người bệnh mang vi khuẩn đa kháng thuốc giảm từ 10-15% hằng năm và chủ yếu các chủng đa kháng thuốc có mặt trong cộng đồng. Hầu hết các bệnh nhân được phát hiện sớm ngay từ khi vào viện, tỷ lệ cho nuôi cấy vi khuẩn đúng chỉ định và thời điểm nhằm phát hiện sớm các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc tăng khoảng 20%.
Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng kháng sinh đa đề kháng giảm 31% từ năm 2019 và tiến tới không còn tình trạng này trong bệnh viện. Qua kết quả đánh giá cho thấy các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc thường gặp như Acinetobacter baumannii, Klebsiella pneumoniae, Ecoli… giảm rõ rệt từ 10 - 30%.
Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, phát biểu khẳng định bệnh viện sẽ tiến tới không sử dụng kháng sinh đa đề kháng |
T.H |
GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, yêu cầu toàn thể cán bộ, nhân viên cần nâng cao hơn nữa nhận thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế.
Đồng thời, chung tay góp sức ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh… nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, góp phần giảm gánh nặng về kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với cộng đồng.
Bình luận (0)