Cảnh báo về bong bóng bất động sản

05/04/2018 19:02 GMT+7

Ngày 5.4, tại sự kiện 'Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM quý 1 năm 2018' với chủ đề 'Thị trường bất động sản năm 2018 - Sóng về đâu?' do Công ty cổ phần DKRA Việt Nam tổ chức, cho thấy năm 2018 thị trường đất nền vùng ven TP.HCM sẽ tạo cơn sóng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chủ đầu tư và người mua.

Theo ghi nhận của DKRA Việt Nam, dù vừa trải qua kỳ nghỉ tết nguyên đán, song ngay từ những ngày đầu năm 2018, thị trường đất nền vùng ven TP.HCM và các tỉnh giáp ranh vô cùng sôi động với hàng loạt dự án mở bán/công bố ra thị trường và giao dịch tấp nập, chủ yếu tập trung tại khu vực Long An, Đồng Nai, Bình Dương.
Đa số là khách hàng đầu tư (chiếm khoảng 70 - 80%) vì kỳ vọng tính tiềm năng tăng trưởng của loại hình đất nền. Mức giá đến cuối năm có thể tiếp tục tăng dù không đột biến như quý 1/2017.
DKRA Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp tác động đến việc tạo sóng của thị trường đất nền vùng ven. Đầu tiên là tư duy tâm lý “đất là vĩnh viễn” vẫn còn ảnh hưởng đến khách mua. Thứ hai, thường sau tết là thời điểm sử dụng các thành quả/lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sản xuất của năm trước (được thể hiện bằng việc tái đầu tư, kinh doanh). Thứ ba, tỷ lệ lợi nhuận của phân khúc đất nền luôn cao hơn so với các phân khúc khác. Thứ tư thị trường đất nền tại khu vực TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới và giá đã tăng khá cao, hạn chế đối tượng khách đầu tư trong khi các tỉnh giáp ranh với điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển mạnh của hạ tầng giao thông thì giá đất nền phân lô đang thấp, đa dạng về giá trị đầu tư, tiềm năng tăng trưởng cao. Điều đó tạo động lực để khách mua tìm kiếm đầu tư vào thị trường đất nền vùng ven. Thứ năm, các thông tin quy hoạch vùng, sự phát triển hạ tầng giao thông từ TP.HCM tới các tỉnh vùng ven cũng là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường này thêm khởi sắc.
Tuy nhiên ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, đưa ra cảnh báo cơn sốt này sẽ có những tác động nguy hiểm nếu cứ tiếp tục kéo dài và mức tăng không được kiểm soát. Điển hình là khi khách hàng liên tục đầu tư vào đất nền đẩy mức giá tăng lên quá cao so với giá trị thực, giá tăng không kiểm soát có thể sẽ đưa thị trường lặp lại tình trạng bong bóng. Việc tập trung đầu tư vào đất nền sẽ làm mất cân bằng thị trường, các giao dịch và nguồn tài chính dành cho các phân khúc khác có thể sẽ bị chia sẻ. Việc giao dịch nhiều lần sẽ làm cho thị trường mất cân đối, tiến trình đô thị hóa đình trệ.
Để cơn sốt đất có những tác động tích cực thì cần phải có sự quan sát và phản ứng kịp thời của cơ quan chức năng nhà nước, có sự minh bạch của tất cả các thành phần tham gia thị trường, sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như của các chủ đầu tư, sự thận trọng và thông minh của người đầu tư.
Một điểm nữa đáng chú ý về sóng đầu tư theo vị trí là khu vực giáp ranh với TP.HCM như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Cần Giuộc, Bến Lức (Long An), Lái Thiêu (Bình Dương). Làn sóng khu vực giáp ranh TP.HCM, không chỉ đất nền mà phân khúc nhà phố biệt thự cũng đang hấp dẫn khách mua cả để ở và đầu tư.
Trong khi đó, tại TP.HCM, DKRA Việt Nam, cho rằng năm 2018 sóng sẽ dồn về khu nam khi mà nguồn cung khu này đang có dấu hiệu tăng khi quý 1/2018 tăng 10% so với quý 4/2017. Dự kiến nguồn cung của khu nam trong 2018 sẽ khoảng 12.000 - 15.000 căn hộ và khoảng hơn 1.000 căn nhà phố/biệt thự. Đây là một lượng cung khá dồi dào, đưa khu nam trở thành khu vực sôi động nhất thị trường TP.HCM trong năm nay.
Theo DKRA Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tạo sóng, đưa khu nam trở thành khu vực thu hút mạnh mẽ chủ đầu tư và người mua phải kể đến tác động của các thông tin hạ tầng giao thông sắp được triển khai tại khu vực này. Quan sát cho thấy, thời điểm khu đông tạo sóng rơi vào thời gian các công trình giao thông khu này bắt đầu hoặc có chủ trương khởi công. Điều này có thể sẽ tiếp tục lặp lại tại khu nam khi mà nơi đây đang và sắp triển khai nhiều dự án giao thông quy mô lớn như nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, mở rộng đường Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát, cầu Nguyễn Khoái - Bến Vân Đồn, cầu Thủ Thiêm 4 nối Q.7 với Q.2, thi công gói thầu cuối của cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua khu nam như Nhà Bè…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.