|
Cỏ Mỹ, hay còn gọi là cỏ voi tím, cỏ đuôi voi, cỏ đuôi chồn có tên khoa học là Cenchrus setaceus (tên đồng danh là Pennisetum setaceum) thuộc họ hòa thảo - Poaceae, là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại trên thế giới đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cảnh báo. Không biết nó đã được đưa vào VN từ lúc nào, nhưng hiện nay ở nhiều tỉnh Nam bộ, đặc biệt là ở Bình Phước nó đã trở thành loài xâm hại bất trị.
Theo TS Đỗ Xuân Cẩm, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế, cỏ Mỹ (cỏ voi tím) là đối tượng xâm hại nguy hiểm do có phổ thích nghi rộng, hệ số nhân giống cao (bình quân 100 hạt/cây x 100 cây/m2), có khả năng phát tán hạt rất mạnh nhờ nhiều phương tiện (gió, nước, động vật và con người), hạt của nó có khả năng lưu cữu trong đất 5-10 năm mà không mất khả năng nảy mầm.
Vẻ đẹp hoang sơ và hút hồn của cỏ Mỹ khiến nhiều bạn trẻ tạo cảnh chụp ảnh, quay video đám cưới bên những bụi cỏ Mỹ. Tuy nhiên ít ai biết rằng đây là một loài thực vật xâm lấn nguy hiểm |
||
Vào mùa cỏ voi tím chín hạt, mỗi cơn gió là phương tiện hữu hiệu thổi bạt hàng ngàn hạt giống gieo rắc khắp sườn núi, bìa rừng. Từ đó chúng sẽ âm thầm lặng lẽ xâm lấn, phát triển thành quần thể dày đặc, dần dần gây suy thoái đa dạng sinh học khu vực. Ngoài ra, quần thể cỏ voi tím ra hoa vào mùa khô, lúc này thân lá rất khan nước, có khả năng bắt lửa rất mạnh, sẽ là mồi lửa gây hiểm họa khôn lường cho cả rừng trồng và rừng tự nhiên.
Ông Trần Văn Công, một nông dân trồng điều ở xã Thiện Hưng (H.Bù Đốp), cho biết: “Cỏ Mỹ sinh sôi, phát triển mạnh ngay cả ở những vùng đất khô cằn. Chúng phát tán trên diện rộng, vì hạt có lông nên dễ dàng di chuyển nhờ gió. Tùy vào từng chất đất mà thân cỏ có thể cao 0,5-1,5 m. Nếu mọc trên đất đỏ bazan màu mỡ, thân cỏ có thể to bằng ngón tay út”.
Theo phản ánh của nhiều nông dân trong tỉnh, những nơi có cỏ Mỹ mọc thường không có sự phát triển của các loài cỏ dại khác. Khi chết, thân cỏ khó phân hủy, vì cứng như thân cây ngô, cây lau. Đặc biệt, loài cỏ này dù còn sống hay chết đều tiếp tay cho “giặc lửa”, gây cháy rất mạnh và khả năng phát tán ngọn lửa rộng. “Đặc biệt, loài cỏ này dù còn sống hay chết đều tiếp tay cho giặc lửa, gây cháy rất mạnh và khả năng phát tán ngọn lửa rộng. “Vào mùa khô, nếu vườn điều chưa kịp dọn dẹp, vô tình đánh rơi tàn thuốc lên bụi cỏ Mỹ là có thể gây cháy rừng dữ dội”, ông Nguyễn Văn Tại một người dân ở xã Long Hưng (H.Bù Gia Mập) nói.
Ông Đỗ Văn Trường, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 1 (xã Long Hưng, H.Bù Gia Mập) khẳng định: “Đi đâu trên đất Bình Phước cũng dễ dàng bắt gặp loài cỏ dại này. Nó mọc dày đặc trên những quả đồi, nhất là ở những vườn điều, rừng lồ ô, tre, nứa…Người dân thường dùng dao phát (một loại dao có cán dài khoảng 1,5 m để phát cỏ), nhưng chỉ sau 1-2 tháng, cỏ lại mọc trở lại”.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 28.12, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước Phan Văn Đon cho biết: Để có kết luận chính thức về những thiệt hại do cỏ Mỹ gây ra cho ngành nông nghiệp phải chờ các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và làm rõ. Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyến cáo người dân và đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ giúp người dân tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của cỏ Mỹ”. Ông Đon nói.
Nhật Văn
Bình luận (0)