Ngay sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương ứng phó xâm nhập mặn.

Người dân miền Tây trữ nước ngọt để tưới cho các vườn cây ăn quả trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn
ẢNH: CÔNG HÂN
Theo Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở một số cửa sông đã xuất hiện cao hơn trung bình nhiều năm, thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015 - 2016, 2019 - 2020 và năm 2023 - 2024.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn những ngày tới tiếp tục tăng cao, xâm nhập sâu trong các kỳ triều cường.
Các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở vùng cửa sông Cửu Long khả năng xuất hiện trong các ngày từ 24.2 - 4.3, từ 11 - 15.3; từ 30.3 - 2.4; ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ 24.2 - 4.3, từ 11 - 15.3; từ 30.3 - 2.4 và từ 10 - 13.4.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khẩn trương chỉ đạo tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025.
Các địa phương tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.
Ngoài ra, các địa phương tăng cường việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao, hồ phân tán, khu trũng; đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu cho các vùng cây ăn quả trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh ĐBSCL khẩn trương xác định cụ thể khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng; chủ động sử dụng các nguồn kinh phí do địa phương quản lý để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Trước đó, ngày 17.2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 15/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở ĐBSCL và TP.HCM.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là khu vực ven biển ĐBSCL và TP.HCM tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
Các địa phương tập trung triển khai phương án bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục thiếu nước ngọt.
Bình luận (0)