Ngày 16.2, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, từ ngày 11 - 20.2, tình hình xâm nhập mặn khu vực tỉnh này ở mức xấp xỉ đến cao hơn cùng kỳ năm 2024 (ranh mặn 4‰).
Ranh mặn 4‰ trên các sông chính như Gành Hào, Ông Đốc và kênh xáng Chắc Băng có thể xâm nhập sâu từ 60 - 70 km. Độ mặn tại các điểm đo dự kiến tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến vùng ngọt hóa của tỉnh.

Tình hình xâm nhập mặn tại Cà Mau ở mức xấp xỉ đến cao hơn cùng kỳ năm 2024
ẢNH: G.B
Cũng theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Cà Mau, từ tháng 3 đến tháng 5.2025, khu vực này có thể đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong đó, nửa cuối tháng 2 và tháng 3 sẽ có 2 - 3 đợt mưa trái mùa. Đến tháng 4 và nửa đầu tháng 5, tình trạng nắng nóng cục bộ có thể xuất hiện với nhiệt độ cao nhất từ 34 - 36 độ C.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Sở NN-PTNT được giao nhiệm vụ xác định cụ thể các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để tham mưu giải pháp phù hợp. Công tác cấp nước được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt và bảo vệ vùng ngọt hóa trước nguy cơ xâm nhập mặn.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết nhằm giảm thiểu thiệt hại. Công tác PCCC rừng cũng được tăng cường, đảm bảo an toàn trong mùa khô.
Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thời tiết trong thời gian tới.
Bình luận (0)