Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cảnh báo Nga sẵn sàng đưa ra phản ứng quyết liệt nhất nếu bất kỳ bên nào mạo hiểm can thiệp vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Khó lường căng thẳng Nga - NATO
Bình luận về khả năng đụng độ trực tiếp Nga - NATO, ông Peskov nói rằng “tất cả đều muốn tránh” viễn cảnh này, trong đó có Nga, NATO và chính phủ Mỹ với tuyên bố của Tổng thống Joe Biden, theo TASS. Cùng ngày, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo: “Việc các nước NATO bơm cho Ukraine vũ khí, huấn luyện binh sĩ sử dụng thiết bị phương Tây, điều lính đánh thuê và tiến hành tập trận bởi các nước trong liên minh gần biên giới chúng tôi làm gia tăng khả năng xung đột trực tiếp và công khai giữa NATO và Nga, thay vì chiến tranh ủy nhiệm của họ. Xung đột như thế luôn có nguy cơ biến thành chiến tranh hạt nhân toàn diện. Đây là viễn cảnh thảm họa cho tất cả mọi người”.
Xem nhanh: Ngày 78 chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine có diễn biến gì nóng? |
Trong một diễn biến gây chú ý trong hôm qua, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ngày 12.5 ra tuyên bố chung ủng hộ việc gia nhập NATO. “Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức. Việc trở thành thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan. Là một thành viên của NATO, Phần Lan sẽ củng cố toàn bộ liên minh”, theo AFP dẫn tuyên bố. Dự kiến một ủy ban đặc biệt của Phần Lan sẽ chính thức công bố quyết định nộp đơn gia nhập NATO vào ngày 15.5.
Một tòa nhà bị thiệt hại tại vùng Cherkaske, miền đông Ukraine vào ngày 11.5 |
AFP |
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg “nồng nhiệt chào đón” Phần Lan gia nhập và hứa rằng quy trình sẽ “suôn sẻ và nhanh chóng”. AFP dẫn lời ông cho rằng việc Phần Lan gia nhập sẽ tăng cường an ninh cho nước này lẫn liên minh. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết nước này sẽ tính đến động thái của Phần Lan khi quyết định có nộp đơn gia nhập NATO hay không, theo Reuters. Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov ngay sau đó nhấn mạnh động thái mới của Phần Lan “rõ ràng” là mối đe dọa đối với Nga và việc mở rộng liên minh không khiến châu Âu hay thế giới ổn định hơn. Ông cho biết động thái của Phần Lan là đáng tiếc và lý do để Nga có phản ứng tương xứng, theo TASS.
Cũng liên quan căng thẳng Nga - phương Tây, Moscow vừa áp lệnh cấm vận lên một loạt công ty khí đốt trong đó có Gazprom Germania - từng là công ty con tại Đức của nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom. Theo Reuters, các công ty được nêu tên trên trang web của chính phủ Nga ngày 11.5 phần lớn có trụ sở tại những nước đã áp đặt cấm vận lên Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Thủ tướng Đức: Chiến sự ở Ukraine sẽ để lại hậu quả đến trăm năm |
Dồn dập diễn biến mới
Trong khi đó, chiến sự tiếp tục diễn biến nóng ở miền đông Ukraine. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 11.5 cho biết vũ khí nước ngoài viện trợ, bao gồm từ Mỹ và những nước khác, đã được triển khai ở các tiền tuyến. Đài CNN ngày 12.5 đưa tin quân đội Ukraine thừa nhận rằng Nga đạt tiến triển tại một số khu vực ở miền đông, dù khó đánh giá chính xác về mức độ cụ thể. Thông tin được đưa ra sau khi quân đội Nga tuyên bố đã tiến đến ranh giới giữa vùng Donetsk và Luhansk.
Trong cập nhật hằng ngày, Bộ Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine cho hay các binh sĩ Nga đã vượt sông Severskyi Donets từ hướng Lyman thuộc vùng Donetsk. Lyman là thị trấn ở đông bắc Sloviansk, một trong những mục tiêu chiến lược của Nga. Nhiều cây cầu bắc qua sông đã bị phá hủy trong các đợt giao tranh trước đó. Quân Nga cũng đang tập hợp để tấn công Barvinkove và Sloviansk, với nhóm tiểu đoàn chiến thuật được điều động củng cố cho các đơn vị tiền phương.
Xa hơn về phía đông, lực lượng Nga đang tiến về hướng Kudriashivka và thành công một phần. Kudriashivka là một ngôi làng gần Severodonetsk và Rubizhne, nơi lực lượng Ukraine ngăn chặn quân Nga trong nhiều tuần qua.
Tại vùng Chernihiv, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã oanh kích 2 kho đạn của Ukraine. Ở Kharkiv, Ukraine tiếp tục kháng cự, trong khi Nga đang củng cố lực lượng gần biên giới. Trong khi đó ở Mariupol, phía Ukraine cho biết còn khoảng 1.000 binh sĩ đang cố thủ tại các đường hầm bên dưới nhà máy luyện kim Azovstal, trong đó có hàng trăm người bị thương nặng cần sơ tán khẩn cấp.
Cụ bà Ukraine cảm động về nhà sau 2 tháng 'hủy diệt' |
Lo khủng hoảng lương thực toàn cầu
Giữa những xung đột và căng thẳng mới, nhiều bên cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Trang Arab News dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) Cindy McCain kêu gọi các nước cùng nhau đối phó khủng hoảng lương thực trầm trọng nhất kể từ Thế chiến 2. Theo bà McCain, chiến sự ở Ukraine đã làm vấn đề an ninh lương thực tồi tệ hơn, còn những nước khác như Yemen và nhiều nơi ở châu Phi, châu Mỹ Latin, cũng đang đối diện tình trạng thiếu hụt lương thực do hạn hán, xung đột và bất ổn chính trị.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ trích Mỹ đã “đảo lộn” sự thật khi cho rằng khủng hoảng chuỗi lương thực toàn cầu là hậu quả từ hành động của Nga ở Ukraine, đặc biệt là tại biển Đen và biển Azov. Ông cho biết Moscow quan ngại sâu sắc về tình hình thị trường lương thực thế giới hiện nay và dự định tiếp tục tuân thủ các điều khoản trong những hợp đồng xuất khẩu nông sản và phân bón.
Bình luận (0)