Một ngày rát bỏng gió Lào, tôi đội nắng đến xóm Ngũ Phúc, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh tìm ông. Ông lần giở cho xem những tờ công văn ngả vàng, mép răng cưa và cả những tấm ảnh đen trắng chụp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng kiểm tra cây cọ dầu đang phát triển tốt ở Trại thí nghiệm Hương Sơn vào năm 1979, rồi ông say sưa giãi bày tâm sự về những ngày "ăn ngủ" và những nỗi canh cánh của mình về một thời với cây cọ dầu.
Dang dở ước mơ về "cây cọ dầu"...
Ông là Mai Xuân Tạnh - một trong ba cán bộ đầu tiên tham gia chương trình nghiên cứu quốc gia về cây cọ dầu được Bộ Nông nghiệp cử đi nghiên cứu ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch về cây cọ dầu vào năm 1965.
Trải qua nhiều đơn vị công tác trong ngành nông nghiệp từ bộ rồi về hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, nay ông Tạnh đã về nghỉ hưu. Đã ở tuổi ngoại "thất thập" rồi mà ông vẫn canh cánh về phát triển cây cọ dầu, dự định một loại cây có hiệu quả kinh tế cao cho nước nhà mà Bác Hồ mong muốn.
Tài liệu nghiên cứu mà ông Tạnh còn lưu giữ cho biết: Cây cọ dầu tên khoa học là Elaeis guineensis-Jacq, có nguồn gốc ở miền tây Châu Phi. Năm 1910, cây cọ dầu được khám phá và chăm sóc ở vùng nguyên sản Cônggô, sau đó người ta đưa trồng tập trung một số diện tích ở đông Sumatra. Từ năm 1912, cây cọ dầu từng bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt sau Đại chiến thế giới lần thứ hai trở đi.
Cọ dầu được trồng để lấy các buồng quả của nó, mỗi buồng quả có thể cân nặng tới 40-50kg. Sau khi thu hoạch, toàn bộ quả (cùi thịt, hạt) đều được dùng để sản xuất xàphòng và dầu thực vật dùng trong nấu ăn.
Gần đây, nhiều quốc gia quan tâm đến loại cây này vì nó thích nghi tốt với các vùng đất khô cằn, khó trồng trọt, được trồng để tránh xói mòn đất, đồng thời dầu của loại cây này có thể được chế biến làm nhiêu liệu diesel.
Năm 1971, kỹ sư nông nghiệp Mai Xuân Tạnh được Bộ Nông nghiệp quyết định cử về làm Trưởng trại thí nghiệm cây cọ dầu ở huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ Tĩnh. Ông nhớ lại những ngày "ăn ngủ" với cây cọ dầu ở Trại thí nghiệm Hương Sơn.
Ông cho biết rằng, cây cọ dầu ở Việt Nam được người Pháp đưa vào năm 1878 có tính chất làm cảnh ở các vườn hoa và công sở (theo Ch.Grevost et Ch.Lemaria 1922). Năm 1962, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NNPTNT) tổ chức nghiên cứu và phát triển cây cọ dầu.
Từ năm 1964 đến 1968, năm nào Bác Hồ cũng nhắc Bộ Nông nghiệp về việc nghiên cứu cây cọ dầu ở nước ta. Vào ngày 23.11.1968, Bộ Nông nghiệp mới có công văn "Báo cáo về cây cọ dầu kính trình Hồ Chủ tịch" do Vụ phó Vụ Trồng trọt Lã Xuân Đỉnh ký.
Cuối năm 1967, nước ta nhập giống cọ dầu Dura của Trung Quốc, tháng 5.1968 mới đưa về ươm tại ba trại ở Thanh Hoá, Hưng Yên và Nghệ An. Tháng 3.1971, bắt đầu đưa về trồng thí nghiệm cây cọ dầu ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Trại thí nghiệm Hương Sơn đã cùng khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Vinh hồi đó nghiên cứu và thấy cây cọ dầu ở Hương Sơn, mặc dù khi trồng giống đã quá già, khí hậu mỗi năm mất 5 tháng nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C, thậm chí có nhiều ngày nhiệt độ dưới 15 độ C làm cho cọ dầu sinh trưởng kém và không thụ phấn được, nhưng cây cọ dầu vẫn phát triển được và cho năng suất trung bình hơn 6 tấn/buồng quả/năm.
Trong ba ngày 17 đến 19.11.1980, Bộ Nông nghiệp tổ chức hội nghị chuyên đề về cây cọ dầu tại Hà Tĩnh và kết luận cây cọ dầu có thể phát triển được từ nam Hà Tĩnh trở vào. Kết quả hội nghị chuyên đề trên được Bộ Nông nghiệp báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Võ Chí Công vào năm 1981 và các đồng chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng đều đã cho chỉ thị đưa cây cọ dầu vào sản xuất.
|
Nên quan tâm phát triển cây cọ dầu
Ông Mai Xuân Tạnh đưa cho tôi xem bức thư của đồng chí Tố Hữu - gửi đề ngày 18.9.1982, nội dung bức thư viết:
"Kính gửi đồng chí Mai Xuân Tạnh.
Tôi đã nhận được thư của đồng chí về phát triển cây cọ dầu. Tôi rất ủng hộ việc nghiên cứu về kỹ thuật trồng cây cọ dầu trong nước ta và xây dựng một kế hoạch phát triển tích cực và vững chắc cây cọ dầu, nhất là ở các tỉnh miền Trung từ Nghệ Tĩnh trở vào cho đến miền Đông Nam Bộ và có thể cả Tây Nguyên. Việc nhập giống ở nước ngoài, tôi đã giao cho Bộ Ngoại thương giải quyết tích cực; kết quả thế nào sẽ báo cho các đồng chí biết".
Khi ông đang cùng các đồng sự mừng vui trước những cụm hoa cọ dầu xòe nở cho nhiều triển vọng, thì năm 1982 tỉnh Nghệ Tĩnh cho sáp nhập Trại chăn nuôi hươu vào Trại thí nghiệm cây cọ dầu lấy tên là Xí nghiệp hươu Hương Sơn. Từ đây, chương trình thí nghiệm cây cọ dầu bị hươu lấn át và không còn ai nhắc việc thí nghiệm, phát triển cây cọ dầu nữa. Biết công trình thí nghiệm của mình bị dang dở, ông Tạnh xin vào Đồng Nai để được tiếp tục nghiên cứu và phát triển cây cọ dầu.
Ông Nguyễn Văn Chữ - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ty Nông nghiệp Huỳnh Văn Bình (tỉnh Đồng Nai) hồi đó cũng gửi công văn xin ông Tạnh vào, nhưng tỉnh Nghệ Tĩnh không đồng ý. Nhiều lần đề xuất, nhưng không còn ai nhắc đến cây cọ dầu cho đến ngày về hưu mà trong lòng vẫn canh cánh chưa nguôi với cọ dầu.
Ông Tạnh cho biết, nguyên nhân một số nơi như Bố Trạch (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị), Vân Cách (Bình Định) và Sông Ray, tỉnh Đồng Nai trồng cây cọ dầu không kết quả là vì: Cây cọ dầu cần có kỹ thuật chăm sóc cẩn thận như các loại cây công nghiệp khác, những năm đầu cọ dầu chưa ra hoa cái, hoặc rất ít, mà chủ yếu là ra hoa đực đến năm thứ ba, thứ năm cọ mới ra hoa cái nhiều. Vì cây có dầu ra hoa cái và đực riêng biệt trên một cây, lại khác nhau về thời gian nên phải thụ phấn. Nhưng việc này các trại không làm đúng quy trình, đã vội vàng kết luận không có quả; cây cọ dầu cần phải có quy trình trồng và chăm sóc cải tạo đất thụ phấn, phòng trừ sâu bệnh...
Theo ông Tạnh, qua khảo sát từ thời Pháp thuộc đến năm 1976 ở các vườn hoa Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hương Sơn (Hà Tĩnh), Biên Hoà (Đồng Nai) thấy cây cọ dầu ở miền Nam phát triển tốt hơn ở miền Bắc. Ơ nước ta có thể phát triển cây cọ dầu từ nam phần Trung Bộ và Nam Bộ.
Cuối cùng, ông nói: "Thời gian đó do một số tỉnh trồng thử cọ dầu, nhưng chưa được chuyển giao kỹ thuật nên không biết chăm sóc, vội vàng kết luận cây không có quả. Ở Nghệ Tĩnh năm 1982 do sáp nhập Trại thí nghiệm cây cọ dầu thành Xí nghiệp hươu Hương Sơn, bỏ công tác nghiên cứu cây cọ dầu là một sai lầm, vì giai đoạn này đang nghiên cứu giống Téréra mới nhập nội của Malaysia. Tôi nghĩ, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc cây cọ dầu theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, vì chắc chắn đây sẽ là cây chủ lực cho sản lượng dầu ở nước ta".
Tôi hiểu những lời tâm huyết của ông Mai Xuân Tạnh và ngỏ rằng qua bài viết này, trong ngành nông nghiệp vẫn còn ai đó lưu tâm tới vấn đề này như ông. Biết đâu cây cọ dầu lại tiếp tục được nghiên cứu, phát triển ở Việt Nam như Bác Hồ đã từng quan tâm!
"Trồng cây cọ dầu để chống bão ven biển - một dự án khả thi" Đó là bản tin đăng trên website của Bộ Tài nguyên - Môi trường ngày 28.7.2007, tỉnh Quảng Trị đã có dự án trồng cây cọ dầu để chống bão ven biển. Bản tin có đoạn viết: Trong Dự án "Trồng cây chống bão, giảm nhẹ thiên tai, tạo cảnh quan môi trường phục vụ đời sống nhân dân và du lịch vùng biển" của tỉnh Quảng Trị dọc theo 70km bờ biển, nếu được trồng bằng cây cọ dầu sâu vào đất liền khoảng 1km sẽ phát huy hiệu quả trong phòng, chống bão. Cây cọ dầu nếu được trồng tốt, sau 5 năm sẽ có trái, mỗi buồng có từ 1.000 đến 2.000 quả, năng suất ép dầu từ 2,5 tấn 4 tấn/ha. Dầu cọ là một loại dầu thực phẩm có chất lượng cao. Do vậy, ngoài tác dụng chống bão, giảm nhẹ thiên tai, cây cọ dầu còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân. |
Theo La Minh / Lao Động
Bình luận (0)