Tía trầm ngâm, giọng nghiêm trang: "Bạn bây thì tía cũng kể như con, đã là người nhà với nhau mà tính già tính non làm gì. Tỉ như mấy lần bây đi thực địa, có bận ba bốn tháng dài, nếu không phải hai ông bà già này nhớ, thay phiên nhau gọi thì được lúc nào bây chủ động hỏi thăm đâu. Rồi không lẽ tía tính với bây?".
Diên bất giác thấy nghẹn ngào. Cổ họng như bị khóa. Hơi thở theo đó cũng không hắt được ra. Nó giật mình vỡ ra một lẽ: Mình đang đánh đổi nhiều thứ quá. Bàn tay xương gầy của nó siết chặt cần kéo của chiếc vali thêm chút nữa, sợ bốn cái bánh xe lăn tròn trên chiếc xuồng lúc lắc hay sợ mối quyết tâm như đồng như sắt sẽ chùng xuống phút giây này?
Diên học bốn năm nhạc viện trên phố thì cũng theo suốt những chuyến đi dài ngày. Có đợt lên cao nguyên, ở miết hai tháng trong buôn để làm cho xong bài luận văn về đàn đá. Ra trường, công tác cho một tổ chức văn hóa, nay nam mai bắc; mới tuần trước lên thôn lên thung mà tuần này đã ở trong phum sóc hát múa ì xèo rồi. Được cái Diên ham, càng học càng hiểu về nhạc khí, lại càng hăng say tìm hiểu không biết chán. Diên có thể nhớ răm rắp hàng bao thể loại đờn trống, đổi lại thường hay quên thăm hỏi người nhà.
*
Máy bay hạ cánh vào một buổi chiều. Trên cao mây đùn mây rồi ứ nghẹn lại giữa khoảng không kết thành một dải lụa xám màu bàng bạc. Mưa tí tách những vụn như sương làm mờ tấm kính che cửa sổ. Nhưng khi nhìn qua đó người ta vẫn thấy những chuyến bay cất cánh rõ mồn một, to rồi nhỏ, sau dần chỉ còn như một xác chuồn chuồn treo lơ lửng rồi mất hút vào khoảng tù mù.
Không giống tất cả các lần chen chúc để sớm nhất có thể xuống cửa máy bay rồi nhanh chân chạy ù ra sảnh nơi mà Bình luôn kiên nhẫn đứng trông. Lần này, Diên thong thả với ý nghĩ khoái trá rằng: Bình vẫn đang theo dõi từng chuyến bay vừa đáp trên bảng điện tử, nhìn từng lượt người uể oải có, hăng hái có lướt qua rồi mất hút sau cửa xe taxi, nhưng người mà anh sốt ruột ngóng chờ mỏi mòn vẫn chưa bước ra cửa.
Khi vị hành khách cuối cùng chầm chậm đi xuống, chỉ còn những băng ghế trống thật dài, Diên mới lững thững kéo vali ra ngoài. Tạt qua nhà vệ sinh, Diên chỉnh trang lại đầu tóc, soi ngắm mình vẫn còn giữ được nét tươi tắn vừa phải sau chuỗi ngày dài bôn ba, và chuyến bay hơn hai giờ trong thời tiết xấu. Xong đâu đấy, cô điềm nhiên trở ra, lơ đễnh như không, dù rằng đôi mắt xa xăm đã trông thấy Bình đứng khoanh tay dõi mắt vào lối khách xuôi ra sảnh đón.
"Mừng em đến thành phố!"
Sau vòng ôm chào đón, Bình đặt hai bàn tay lớn vỗ nhẹ trên vai Diên đầy khích lệ, dù Diên không chắc anh đang muốn khích lệ điều gì. Về mọi lẽ. Cô nghĩ vậy.
Mưa sương. Giọt mưa hiền nhưng hơi mưa lạnh tanh. Bình khoác thêm cho Diên chiếc áo mà anh đã chu đáo chuẩn bị trước. Diên chưa kịp hỏi anh đã tự trả lời: "Áo của chị Quỳnh. Chị bảo mang cho em mặc, vừa gọn nhẹ lại không ướt". Diên nhoẻn cười, bâng khuâng mường tượng gương mặt của một người con gái, đẹp như một đóa hoa thuần khiết chỉ nở về đêm, mà hương thơm quấn quýt khiến người lưu luyến mãi.
Bình đưa Diên qua những ngã tư xao xác bóng người...
Ngày trước, cách nay cũng chưa lâu đâu, mỗi lần Diên ra học nhạc hay tập tục người bản sở là Bình đều thu xếp để đưa đi. Bình bận lắm chứ, kỹ sư sáng tạo chính của nhóm cơ điện năng lượng mà. Quanh năm bù đầu trong phòng thí nghiệm, sáng chế ra những sản phẩm ưu việt luôn rất khó cạnh tranh với giá cả rẻ như cho của hàng lậu; chưa kể vừa bán ra thị trường hôm trước, hôm sau đã xuất hiện hằng hà sa số thể loại chị em bạn dì bán đầy phố cổ. Bình giận thiếu điều muốn cho không thành quả lao động của mình rồi trở lại làm công ăn lương cho khỏe đầu. Nhưng mỗi lần thấy người mình đổ xô mua hàng Nhật với giá gấp mười trong khi nước nhà thừa năng lực để cho ra đời sản phẩm giá phải chăng mà chất lượng tương đương là Bình xé nháp, lại quần quật ngày đêm nghiên cứu, mày mò. Đó là Bình tự trọng. Tự ái là cách gọi của số đông. Thì cũng tốt thôi. Đấy là dấu hiệu cho thấy một người chưa đặt mình ra ngoài cuộc. Bình bảo: Dễ có khi phải đấu tranh cả đời.
Ngày trước, mỗi lần ngồi sau Bình là Diên lại bá cằm lên vai anh kể hàng bao nhiêu chuyện trên đời. Tưởng những câu chuyện về nghề của hai người chẳng ăn nhập gì vào nhau, đâu dè Bình lại hứng thú với những khám phá của Diên. Diên như chuyên mục "Thế giới đó đây" dành cho người bận rộn. Nhờ có Diên mà Bình thấy mình chưa bị bứt lìa khỏi thế giới bên ngoài.
Khi xe về đến phố thì màu đêm đã sẫm như nhung. Từ xa Diên đã thấy tháp đứng chơ vơ giữa lòng hồ. Đèn đã được thắp lên. Dọc phố đi bộ, những đội ca múa nhạc đang biểu diễn trước đám đông, mặc đường sau mưa ẩm ướt.
Bình hỏi: "Em có nhớ nơi mình gặp lần đầu?". Diên giật mình. Hình như, cả hai vừa đi qua. Làm sao mà Diên quên, cái thời khắc tuổi trẻ sau này luôn được Diên cất giữ như một món quà vô giá. Nhận ra mình biết rung động là điều gì đó thật ý nghĩa và tuyệt vời.
Diên và Bình gặp nhau ba năm trước ở viện bảo tàng. Hồi ấy, Diên còn là cô sinh viên nhạc cụ dân tộc, lên đường ra bắc diện kiến trống đồng Ngọc Lũ. Bình lúc đó là kỹ sư cơ điện. Một ngày, anh cùng đồng nghiệp đến Bảo tàng Lịch sử tìm hiểu hoa văn hình chim trên mặt trống để vẽ lên vỏ pin loại cao cấp đặc biệt mà nhóm anh đã dày công nghiên cứu cả năm trời.
Sau này, khi đã bên nhau một thời gian rồi, Bình bảo: Hồi đó trông em lơ đãng và thờ ơ chi lạ. Đi ngắm hiện vật mà tâm hồn như đang đặt ở đâu ấy, chẳng ngước lên nhìn gã trai đang chăm chú nhìn em lấy một lần. Nếu không nhờ cơn mưa, chắc anh không có cơ hội nhường em chiếc áo để từ đó mà mình quen biết.
Diên cười. Lúc đó em đang mường tượng liệu đây có phải là chiếc trống đồng mà bà Trưng Trắc đã gióng lên phất cờ khởi nghĩa hay không. Giọng Bình đầy cảm thông: Hóa ra mỗi chúng ta đều chưa bao giờ quên nguồn gốc của mình.
*
Ra thủ đô thì ăn gì? Phở. Diên tếu táo. Cô bảo, sao ăn đến cả trăm lần em cũng không biết ngán luôn là sao vầy nè. Bình véo mũi Diên khoe: Chị Quỳnh em nấu phở cũng ngon đáo để.
Diên đọc được trong ánh mắt Bình sự mãn nguyện tuyệt đối. Bất giác, cô hỏi: Anh chị định làm đám cưới khi nào?
Bình ngưng đũa. Tháng tám. Chắc em không ra dự được nhỉ? Diên chống cằm: Tuần sau em bay rồi.
Im lặng. Câu chuyện rơi vào mặt nước hồ đang tĩnh lặng, chìm xuống tận đáy, không còn dấu vết gì.
Chuyện tình cảm của Diên người khác nghĩ thật cũng khó tin. Bữa nọ Diên biểu cuối tuần này ra thăm Bình trước khi qua bển theo giáo sư Trần học việc, má cứ tưởng Diên đùa. Chừng thấy con nhỏ lúi húi ngồi xếp đồ, gói ghém quà cáp, bà mới chưng hửng. Diên mở gói, chìa trước mặt má hai chiếc đồng hồ đôi sáng loáng hỏi: Đẹp hôn má? Con mua làm quà cưới sớm cho anh Bình. Đồ xịn đàng hoàng, hổng rẻ đâu má. Đi tong hai tháng lương nhà nước của con, ít gì.
Diên làm bộ ngắm nghía hai chiếc đồng hồ, tỏ vẻ hài lòng. Ánh mắt má chênh chao, hẳn là má thấy lạ. Lạ nhứt từ trước đến giờ. Độ từ sau cái ngày Diên tuyên bố sẽ gác lại tất cả để đi châu Âu, chắc má đã đinh ninh: Cô con gái rượu của bà và Bình sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Má ngồi xuống mép giường, chép miệng: Hổng biết có cặp nào chia tay nhau rồi mà còn làm bạn được như hai đứa này. Diên cười, mắt không nhìn má, đáp tỉnh rụi: Chứ không lẽ chia tay xong người ta thành kẻ thù hết hay sao má? Con với anh Bình thành bạn, cũng vui mà.
Cũng vui mà. Nói xong câu đó Diên không cách gì ngẩng được mặt lên để nhìn thẳng má. Là nỗi xấu hổ nếu má bắt tại trận lời nói dối đầu đời còn vụng, hay là nỗi sợ nếu để má phát hiện ra những vụn vỡ của tuổi lớn khôn khi một ngày phải đứng giữa hai sự lựa chọn ngược chiều.
Má tần ngần. Muốn nói mà như cảm thấy không nên. Vài lần, người ta tự thấy bất lực khi không thể nghĩ được ra mình phải làm gì trước bi kịch của người đối diện.
Mà thằng Bình, nó không thể chờ bây à?
Chắc phải nghĩ nhiều đêm lắm, má mới đắn đo rồi bật ra câu hỏi này. Câu hỏi nhẹ hều, tưởng có thể rớt vào thinh không, hòa loãng rồi lãng quên, hóa ngờ lại khiến lòng người nặng oằn, kỳ cục. Cái chính đâu phải là trả lời được hay không được cho xong chuyện má. Hứa hồi nào mà hổng dễ hơn làm.
Diên cầm tay má, thật mà như bỡn, như đùa: Tỉ dụ anh Bình là con trai má, má có chịu để ảnh chờ đứa con dâu mới ra trường, sống rày đây mai đó, có khi sáu bảy tuần liền ở trong buôn làng heo hút không điện đài mạng miếc chỉ để chuyên tâm nghiên cứu một loại đờn lạ quắc tên Trơ-bon; hay mấy tháng ròng tự quy định tạm gác việc yêu đương, vùi mình trong mớ nhạc khí, phục dựng tuồng cổ, lại còn mang tham vọng ra ngoài kia thế giới quảng bá âm nhạc cổ truyền? Đặt má vào thế khó biết là không phải, nhưng phải chờ đợi làm sao đây, một cánh chim bay không chắc ngày trở về, hả má?
Nên thôi má à. Anh Bình đâu còn trẻ trung gì, không thể đợi, cũng không có nghĩa vụ phải đợi ai. Con cũng đâu có chịu đánh đổi cơ hội của mình để an phận làm vợ ảnh. Bề nào cũng không thuận thì phải tôn trọng nhau. Anh Bình tôn trọng mơ ước của con. Con cũng tôn trọng trọng trách của anh Bình. Nếu mình chịu hiểu và bao dung cho người ta thì thương nhau hổng hết chứ có gì mà trở mặt thù hận nhau, tụi con đều nghĩ vậy đó má.
Bây đã nói vậy, thì thôi... má để bây tự quyết. Má nói dứt câu, lắc đầu đứng dậy ra khỏi phòng. Cửa vẫn khép hờ. Ngoài hàng ba, tía xách cây đờn kìm ra. Chà, bữa nay tía lên dây nghe gì mà thê thiết quá vậy tía. Diên đi theo tiếng đờn của tía ra hàng ba ngồi...
*
Lần này gặp nhau, em không biết lần sau là bao giờ? Diên ngồi dưới buổi chiều, đung đưa câu nói đầy ưu tư sau đúng hai mươi bốn giờ ở phố. Bình lại đặt bàn tay lên vai Diên: "Được theo giáo sư Trần để kế tục sự nghiệp nghiên cứu là điều em luôn ao ước, nhưng đó là con đường quá dài phải không?". Diên không ngẩng mặt. Cô thấy buồn. Vinh quang nào cũng mang theo một gánh nặng. Bình kéo tay Diên: Anh đưa em đến chỗ này.
Bình đưa Diên đến nhà hát. Mua hai tấm vé, anh kéo Diên vào ngồi. Vừa kịp lúc mở màn tiết mục múa rối nước.
Anh nông dân từ cổng làng lùa trâu đi ra. Tấm áo mỏng để lộ thiên từng khoảnh da thịt. Thế mà người nông dân vẫn chăm chỉ đi những đường cày.
"Em học về âm nhạc dân tộc chắc hiểu: Trong lòng nước là máy sào. Nước bí ẩn và phóng khoáng nhưng nhờ sức mạnh của nước mà người ta đỡ nâng được tất cả. Em yếu mềm như nước nhưng cũng mạnh mẽ như nước. Đừng sợ không đủ sức. Hãy tin vào mình".
Diên chăm chú uống từng lời Bình. Trong phút giây yếu đuối, Diên xúc động không nói nên lời.
Sáng ấy, có đôi nam nữ tiễn một người con gái ra sân bay. Trước lúc vào khu soi chiếu, người ta thấy cô gái thận trọng đeo từng chiếc đồng hồ lên tay cặp đôi kia, khuôn miệng mỉm cười: "Em chúc anh chị trăm năm hạnh phúc".
Và tận khi cô gái bước vào cổng an ninh không còn quay đầu lại, có hai cánh tay vẫn vẫy giữa những đám hành khách chen lấn sắp trễ giờ.
Chừng biết chắc người con gái đã vào cửa soát vé cuối cùng để bước lên khoang, họ mới âu yếm nhìn nhau, cùng bước về một phía.
Thể lệ:
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng;
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)