Lãi suất (LS) huy động đã hạ từ 14% xuống 9%/năm trong một thời gian ngắn nhưng mục tiêu giảm lãi vay cũng như tiếp cận vốn ngân hàng (NH) của các doanh nghiệp (DN) hầu như không thay đổi. Lý do là ở mỗi lần điều chỉnh, bằng cách này cách kia, vẫn luôn có một "cánh cửa lợi ích" dành cho các NH.
"Cánh cửa lợi ích" ở lần giảm trần huy động xuống 9% vừa rồi là động thái thả nổi lãi vay dài hạn của NHNN khi cho phép thỏa thuận LS giữa người gửi tiền và NH. Chỉ vài ngày sau khi cơ chế thả nổi được mở ra, cuộc chạy đua giữa các NH khiến LS đầu vào bị đẩy lên mức cao nhất là 14%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Nhìn bề ngoài thì chỉ có LS huy động kỳ hạn dài tăng nhưng thực chất, mặt bằng LS huy động nói chung, không những không giảm mà hoàn toàn có thể được đẩy cao thêm một bậc. Bởi các NH không khó để có thể vượt trần, lách trần. Đơn cử như việc cho phép rút vốn trước kỳ hạn mà không điều chỉnh LS. Nghĩa là người gửi tiền kỳ hạn 13 tháng với LS 14% nhưng 1, 2 hay 3 tháng sau khóa sổ, rút tiền, LS vẫn được tính 12 - 13% hay giữ nguyên 14%. Đầu vào tăng, đầu ra tất nhiên không thể giảm. Đó là lý do DN vẫn khó và gần như không thể tiếp cận được vốn rẻ.
Chúng ta đều biết, việc giảm LS huy động nếu làm chặt sẽ dẫn đến 2 yếu tố gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của các NH là lãi vay giảm và khả năng người dân rút tiền tiết kiệm chuyển sang các kênh đầu tư khác. Nhưng chỉ với việc thả nổi lãi vay dài hạn, các NH đã hóa giải 2 yếu tố trên, bảo đảm phần lợi nhuận "khủng" mà họ vẫn luôn đạt được.
Trên thực tế, "cánh cửa lợi ích" cho các NH đã và đang có mặt ở hầu hết các chính sách tiền tệ của ta trong suốt thời gian qua. Chúng ta thường thắc mắc, tại sao kinh tế khó khăn mà NH lãi lớn? Tại sao LS giảm mà DN không thể tiếp cận vốn rẻ? Tại sao lại có ý tưởng dùng vốn ngân sách để mua nợ xấu cho những NH đã và đang lãi lớn... Như phân tích trên, nếu vẫn còn những "cánh cửa lợi ích" như thế, không đơn giản để DN tiếp cận được vốn rẻ, chưa thể giải quyết căn cơ chuyện đình đốn sản xuất hay giảm phát...
Chỉ khi thu hẹp dần “cánh cửa lợi ích” này, vốn mới thông thoáng chảy tới DN, chảy tới sản xuất và vực dậy nền kinh tế.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)