Cánh diều vàng vắng bóng phim độc lập

09/04/2017 06:37 GMT+7

Giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh VN để tôn vinh nghề nghiệp nhưng quá thiếu vắng dòng phim độc lập, những tác phẩm nghệ thuật phản ánh dòng chảy của đời sống và thân phận con người thời hiện tại.

Sân chơi của dòng phim giải trí
Giải thưởng của Hội Điện ảnh VN bắt đầu được tổ chức trao giải thường niên vào năm 2003. Cánh diều vàng thời đó chỉ là sân chơi của các bộ phim nhà nước. Một vài bộ phim đoạt giải thời đầu như Người đàn bà mộng du (2003), Thời xa vắng (2004), Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi (2005) dù được đánh giá cao về tay nghề, nhưng lại gặp khó khăn khi tiếp cận khán giả và thậm chí không thể chiếu thương mại. Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh, bộ phim đầu tiên của hãng phim tư nhân đoạt giải Cánh diều vàng vào năm 2006, mở ra hướng đi mới cho những nhà làm phim và hãng phim tư nhân khi vừa được Hội Điện ảnh VN công nhận, vừa chinh phục được khán giả.
Hơn 10 năm sau, phim thị trường ồ ạt tràn vào, số lượng năm sau vượt qua năm trước, kỷ lục phòng vé thi nhau thiết lập, số lượng đạo diễn tăng lên. Rất nhiều bộ phim đoạt giải Cánh diều đồng thời cũng là những bộ phim ăn khách tại phòng vé, như một số bộ phim của các đạo diễn Việt kiều (Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Hàm Trần, Dustin Nguyễn), các đạo diễn trẻ trong nước (Nguyễn Quang Huy)... Trong khi đó, phim do nhà nước đặt hàng tiếp tục thể hiện sự yếu kém và lỗi thời của mình trong việc tiếp cận và chinh phục khán giả, cho đến khi vắng bóng hoàn toàn tại danh sách phim dự thi tại giải Cánh diều vàng năm nay. Điều này, một mặt thể hiện xu hướng và bộ mặt của điện ảnh Việt, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự thiên lệch và thiếu sự định hướng của những nhà quản lý điện ảnh.
19 bộ phim tranh giải Cánh diều vàng năm nay cho thấy điều đó khi tất cả chúng đều là những bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất. Trừ Cha cõng con với tham vọng thể hiện dấu ấn nghề nghiệp và tìm tòi về đề tài, 18 bộ phim còn lại đều được làm ra với mục tiêu giải trí, nhắm đến doanh thu phòng vé. Tất nhiên, điều này không có gì sai nhưng không ít bộ phim trong số đó là những sản phẩm quá yếu kém và thậm chí ấu trĩ về mặt nghề nghiệp, tại sao chúng lại có mặt trong danh sách dự thi giải thưởng của hội nghề nghiệp? Phải chăng cứ có phim là có quyền dự thi? Phải chăng, Hội Điện ảnh VN không có những ban giám khảo chuyên môn để loại trừ những bộ phim quá yếu kém và ít nhất công bố được một danh sách những bộ phim xứng đáng được đề cử?
Quan trọng hơn, nếu những bộ phim nhà nước vắng bóng thì những bộ phim độc lập, những bộ phim thể nghiệm của các đạo diễn trẻ, những người phải đi tìm tài trợ quốc tế, nguồn vốn từ bên ngoài... cũng hoàn toàn vắng bóng tại giải thưởng điện ảnh của hội nghề nghiệp. Bên cạnh sự phát triển rầm rộ của dòng phim tư nhân thì vài năm gần đây, điện ảnh Việt cũng cho thấy một dòng chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ của những bộ phim độc lập mang dấu ấn nghệ thuật của các đạo diễn trẻ, cho dù con đường của họ có phần đơn độc và khó khăn.
Xu thế tôn vinh những bộ phim độc lập giàu thể nghiệm nghệ thuật cũng là hướng đi của điện ảnh quốc tế. Một quốc gia có nền điện ảnh phát triển hùng hậu và chinh phục cả thế giới như Mỹ, nhưng Oscar lại thường trao giải phim hay nhất và các giải cá nhân quan trọng khác cho những bộ phim độc lập kinh phí thấp chứ không phải là những bộ phim bom tấn giải trí. Đơn cử như The hurt locker, bộ phim chiến tranh có kinh phí rất thấp được trao giải thay vì Avatar, bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại; trao giải cho Spotlight, phim độc lập về một nhóm nhà báo phanh phui về nạn ấu dâm trong các nhà thờ Công giáo thay vì The revenant, một bộ phim về đề tài báo thù ăn khách. Và năm nay Oscar tiếp tục xu hướng tôn vinh những tác phẩm độc lập khi trao giải cho Moonlight thay vì La La Land rầm rộ và chinh phục được thị hiếu khán giả.
Cảnh trong phim độc lập Đập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
Tiếng nói của nhà làm phim trẻ
Đạo diễn Phan Đăng Di, tác giả của bộ phim độc lập Cha và con và... dù được Liên hoan phim (LHP) Berlin, một trong ba LHP quốc tế lớn nhất thế giới chọn vào danh sách 20 phim để tranh giải Gấu vàng từ hàng ngàn bộ phim khắp thế giới gửi về tranh giải, nhưng hai năm liên tiếp vẫn vắng bóng tại giải thưởng của Hội Điện ảnh VN. Phan Đăng Di nói anh vẫn nhận được thư mời của Hội Điện ảnh VN hằng năm nhưng việc quyết định tham dự một LHP hay giải thưởng nào đó không phải do anh quyết định mà phải do những nhà sản xuất; bởi Cha và con và... là một bộ phim hợp tác quốc tế và do nhiều nước góp vốn sản xuất nên việc quan tâm dự các LHP quốc tế là đương nhiên!
Phan Đăng Di cho rằng giải thưởng của Hội Điện ảnh VN nhằm tôn vinh nghề nghiệp và những bộ phim giải trí chất lượng tốt hoàn toàn xứng đáng được tham dự và nhận giải thưởng, nhưng Cánh diều đang thiếu sự đa dạng và giọng điệu của những nhà làm phim trẻ, những người đang đi tìm ngôn ngữ, cách kể chuyện mới cho điện ảnh Việt.
Phan Đăng Di nhận định gần đây Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh VN chủ động hơn trong việc đa dạng hóa điện ảnh, hợp tác với các nền điện ảnh quốc tế mạnh (như Hàn Quốc) để học hỏi và tìm hướng đi, hỗ trợ các dự án điện ảnh của các đạo diễn trẻ... nhưng theo anh, vẫn chậm một nhịp, vẫn thiếu sự chủ động để tạo một quỹ hỗ trợ điện ảnh lâu dài cho những nhà làm phim trẻ. Trong việc hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, Hội Điện ảnh VN nên nhìn ở cấp độ rộng hơn, tìm ra những tài năng thực sự và phải tôn trọng, hỗ trợ họ từ rất sớm. Hai dự án điện ảnh của hai đạo diễn trẻ (Lê Bảo và Phạm Ngọc Lân) được chọn đến LHP Cannes mùa hè năm nay (trong hạng mục The Cinefondation’s Atelier) xứng đáng nhận được sự đầu tư và hỗ trợ của Hội Điện ảnh VN thay vì để họ phải tự bơi một mình. Bởi nếu không theo họ từ đầu, và họ phải tự chật vật để làm xong phim thì khi hoàn thành nhờ sự hỗ trợ của các quỹ điện ảnh bên ngoài, họ không còn nhu cầu tham dự các giải thưởng trong nước nữa. Phan Đăng Di nói thêm, một mối quan hệ hợp tác hay sự hỗ trợ điện ảnh cũng giống như một cuộc hôn nhân vậy, phải cùng hội cùng thuyền từ đầu, phải đi với nhau từ đầu thì mới đồng hành và gắn bó lâu dài với nhau được. “Và quan trọng nhất, là phải bắt đầu từ trái tim!”, anh kết luận.
Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2016 sẽ diễn ra vào 19 giờ 30 ngày 9.4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía nam, TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Mong có quỹ điện ảnh hỗ trợ
Đạo diễn - NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, Trưởng ban tổ chức giải Cánh diều, giải thích về sự vắng mặt những phim độc lập: “Chúng tôi đã ra thông báo, ai muốn gửi phim thì họ gửi đến thôi”. Nói về việc hỗ trợ cho các nhà làm phim độc lập tham gia giải thưởng Cánh diều, ông Hải khẳng định: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ”.
Tuy nhiên, quan trọng hơn việc phim độc lập vắng bóng tại giải thưởng Cánh diều vàng hay LHP VN năm nay là làm sao để hỗ trợ, thúc đẩy để dòng phim này phát triển, “nuôi” nguồn phim cho các liên hoan tiếp theo. “Bình thường nhìn ở các LHP trên thế giới bao giờ họ cũng chủ động nguồn phim tham gia. Họ có những quỹ dành cho các nhà làm phim trẻ, hỗ trợ cho các tác phẩm đầu tay, hay những tác phẩm tiếp theo”, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận. Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, hầu hết các nhà làm phim đều phải tự vận động tìm nguồn kinh phí, nhưng chính phủ lại có những hỗ trợ cho các nhà làm phim tài năng, trong đó có các nhà làm phim trẻ cùng những dự án điện ảnh xuất sắc. Năm ngoái, thủ tướng Campuchia cũng đã quyết định thành lập Quỹ văn hóa Khmer để hỗ trợ các nhà làm phim tài năng và điện ảnh trong nước.
Cách đây 10 năm, luật Điện ảnh đã quy định thành lập quỹ điện ảnh mà một trong những mục tiêu là hỗ trợ cho các nhà làm phim độc lập, các tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim tác giả, phim nghệ thuật. Nhưng từ khi có luật cho đến nay, quỹ này vẫn chưa được thành lập. Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Không có nguồn tiền thì sao thành lập quỹ được”. Văn bản dự thảo thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được trình Chính phủ 3 lần nhưng chưa được duyệt. “Chúng tôi tiếp tục làm hồ sơ để trình tiếp”, bà Lan cho hay. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, quỹ điện ảnh sẽ trở thành công cụ hỗ trợ cho việc đào tạo, cũng như có sự hỗ trợ kịp thời cho những tài năng mới. “Khi chúng ta có công cụ như vậy may ra mới đem lại sự thay đổi, sự đa dạng cho nền điện ảnh VN”, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ: “Ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Á có những quỹ rất mạnh hỗ trợ cho các nhà làm phim khiến chúng tôi ao ước giá mà mình cũng có một quỹ được bằng một phần của họ”.
Ngọc An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.