Cảnh giác khi gửi con cho hàng xóm

06/07/2018 14:55 GMT+7

Vụ việc một bé gái 6 tuổi ở Hải Phòng được mẹ gửi sang nhà hàng xóm nhờ trông hộ rồi bị chính người đàn ông trong nhà này xâm hại khiến nhiều người phẫn nộ.

Trước đó, một bé gái 4 tuổi cũng tử vong ở Vĩnh Long sau khi được cha gửi một người bạn thân trông giúp. Người bạn này thừa nhận đã tát bé gái bằng tay, khiến bé ngã đập đầu xuống nền gạch.
Hàng xóm, người quen thân, liệu có là những mối quan hệ an toàn để cha mẹ có thể tin tưởng để giao con mình nhờ trông nom, săn sóc?
Chị Nguyễn Thị Bình, 33 tuổi, mẹ một bé gái 2 tuổi, trú đường Xuân Hồng, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: Cá nhân tôi không bao giờ gửi con sang nhà hàng xóm nhờ trông. Ngoài giờ đến trường mầm non, con sẽ chơi với người giúp việc, chơi với bố mẹ và nếu có việc bận, tôi sẽ gửi con cho ông bà nội, ngoại, tuy nhiên cũng tùy vào cảm xúc của con.

“Tôi quan tâm cảm xúc của con mình. Con tôi nhạy cảm, có giác quan rất tốt. Nếu cháu không thích chơi với một ai đó, tôi sẽ lắng nghe con và không ép buộc. Ví dụ trước đây con thích chơi cùng một người bạn của bố, từ khi cô ấy đi nước ngoài về, bé không thích nữa, tôi tôn trọng con”, chị Bình nói.
Anh Nguyễn Khắc Hòa, 42 tuổi, ngụ đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM, cho hay trong những vụ trẻ em bị xâm hại từ người thân quen, hàng xóm, một phần là lỗi của các cha mẹ đã quá chủ quan khi tin tưởng tuyệt đối những người này khiến cho người chịu tổn thương và ảnh hưởng lâu dài chính là những đứa con.
“Con gái tôi đã 13 tuổi, con trai tôi 10 tuổi, tôi chưa bao giờ gửi con ở nhà hàng xóm. Tôi cũng nói với vợ mình, cần phải giáo dục tâm lý cho con gái nhiều hơn khi con bắt đầu đến tuổi dậy thì. Đơn giản từ việc con mặc gì ở nhà, mặc gì ra đường, đi đứng ra sao, kết bạn với ai. Tôi nghĩ rằng nếu cha mẹ không quan tâm sát sao con cái, khi sự việc xảy ra thì hối hận đã quá muộn”, anh Hòa chia sẻ.
Cả bé gái và bé trai đều có nguy cơ bị xâm hại
Theo con số thống kê từ trẻ bị xâm hại, cứ 4 bé gái thì 1 bé là nạn nhân, 6 bé trai thì có 1 bé bị. Đối tượng phạm tội thường ở rất gần, hơn những gì bạn nghĩ (Thống kê từ tổ chức bảo vệ trẻ em Thế giới)
Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, cử nhân tâm lý lâm sàng, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay: “Việc gửi con nhờ hàng xóm, hay bất kỳ ai trông giúp còn tùy hoàn cảnh, phụ thuộc nhiều yếu tố, dù là người mình tin tưởng nhất, cũng không ai dám nói chắc 100% đứa trẻ sẽ an toàn. Dù là chuyên gia về hành vi cũng chỉ có thể nhận xét được một người có hành vi tiềm ẩn về mặt tội phạm, chứ cũng không thể nói chắc chắn họ sẽ phạm tội trong tương lai”.
Do đó, chị Ánh Ngọc đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh: Thứ nhất cần giải quyết nội tại. Dạy con cách tự bảo vệ mình, dạy con cách nhận biết những hành vi nguy cơ không an toàn (trường hợp này đến từ bên ngoài) và con có thể cầu cứu ai, gọi cho ai trong tình huống khẩn cấp, hoặc đơn giản là kể lại việc con thấy không ổn.
Thứ hai, phụ huynh cần quan sát, tìm hiểu kỹ hàng xóm, người mình định gửi con (nếu thời gian đánh giá càng dài càng tốt) về môi trường trưởng thành của họ, nền giáo dục họ nhận được, và môi trường hiện tại họ đang sống. Cần để ý những người bạn của họ. Có một câu nói hơi lý thuyết, nhưng đúng trong phần lớn trường hợp muốn biết một người là người thế nào, hãy nhìn những người bạn của họ. Phụ huynh phải dành thời gian quan sát, trò chuyện với họ, để ý thói quen, hoặc những quan điểm của họ, được nói ra trong lúc trò chuyện bình thường.
Thứ ba, phụ huynh có thể sử dụng công nghệ. Cách này là con dao hai lưỡi, nhưng có thể áp dụng cho gia đình có điều kiện và phụ huynh cũng phải sử dụng một cách thông minh, bình tĩnh và lý trí. Vì hiện tại có những kiểu đồng hồ gắn định vị, máy ghi âm tích hợp hoặc máy nghe trộm, có thể cho con đeo như một đồ trang sức, để có thể kiểm tra thường xuyên tình hình của con.
"Tuy nhiên, bố mẹ cũng phải tỉnh táo để phân tích, vì có đôi khi sự cố công nghệ có thể xảy ra, như một câu nói đùa nhưng bố mẹ không ở trong ngữ cảnh, có thể gây hiểu lầm, mất tình cảm hàng xóm”, chị Ánh Ngọc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.