Quá bận rộn, phụ huynh tin tưởng xe ôm
Số là phụ huynh có tên Nguyễn Thùy L. (ngụ Q.Tây Hồ, Hà Nội) đặt xe Grab đưa đón con gái 9 tuổi đi học được một tháng nay do gia đình bận việc. Do tin tưởng dịch vụ này kiểm soát chặt chẽ tài xế với tên tuổi, biển số xe, lịch trình… nên chị L. không hề nghĩ đến những tình huống xấu xảy ra. Cho đến ngày 16.4, con chị về nhà sợ hãi kể lại tài xế dùng câu hỏi vô cùng khiếm nhã để trò chuyện, chị L. mới giật mình. Con bé kể với mẹ rằng: "Chú ý hỏi con thích màu gì, hỏi mẹ thích màu gì, chú ý hỏi con mặc quần ở trong màu gì, có bao giờ con nhìn thấy ngực mẹ chưa? Có biết mẹ mặc quần ở trong màu gì không, rồi chú ấy hỏi con là cho chú chạm vào quần lót của con được không?”…
Trước nhưng thông tin về vụ việc trên, chị Ph.Th (đang sống tại chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết chị rất lo về trường hợp của con chị cũng thường xuyên đặt xe ôm công nghệ đón con từ trường về nhà. “Con gái mình năm nay học lớp 6. Mỗi tuần mình phải đặt 3 buổi vì những buổi đó vợ chồng mình không thể về sớm để đón con được. Mình nghĩ đơn giản vì xe ôm công nghệ họ có tên tuổi, hình ảnh tài xế, biển số xe cụ thể rõ ràng, lịch trình cũng được mình kiểm soát nên không cảm thất lo lắng gì. Tuy nhiên, qua vụ việc trên mình sẽ nghĩ lại công việc đưa đón con”.
Còn phụ huynh T.H. (ngụ đường Lê Văn Quới, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con học lớp 4 Trường THPT Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú) vẫn thỉnh thoảng nhờ xe Grab hoặc xe ôm ở đầu ngõ đưa đón con tới trường. “Chú xe ôm thì lớn tuổi rồi lại quen mặt, nên mình cũng tin tưởng. Còn tài xế Grab thì được quan lý chặt chẽ, mình nghĩ cũng không vấn đề gì”.
Không nên coi thường
Thế nhưng, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, cho rằng mặc dù phụ huynh có thể kiểm soát được chặng đường đi của con, nhưng vẫn có những nguy cơ khác như tài xế sẽ quấy rối bằng ngôn ngữ và hành động. “Tài xế vẫn có thể dùng ngôn ngữ không sạch để trò chuyện với con, hoặc dọa nạt, thậm chí có thể sờ mó. Tất cả những điều này phụ huynh sẽ không thể biết nếu như các con không kể lại”, thạc sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ.
Theo bà Mỹ Hạnh, trang bị kỹ năng ứng phó khi rơi vào tình huống nguy hiểm là rất quan trọng. Nếu con bị người khác quấy rối bằng ngôn ngữ "bẩn", thì chỉ cách cho con phải phản kháng, ví dụ “cô/chú không được nói vậy, cô/chú sai rồi”. Cần giúp con biết cách tìm sự hỗ trợ từ những người xung quanh nếu gặp nguy hiểm, như kêu cứu, gọi điện cho ba mẹ, cho chính quyền…
“Chúng ta không thể trông chờ vào một môi trường tuyệt đối an toàn, vì vậy, chỉ còn cách trang bị kỹ năng cho con từ nhỏ. Nếu không được trang bị thì ở độ tuổi nào con cũng có thể gặp nguy hiểm”, bà Hạnh đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)