Cảnh giác trước những kêu gọi đầu tư lãi suất cao

20/08/2023 14:44 GMT+7

Khi mặt bằng lãi suất ngân hàng liên tục đi xuống, những lời mời chào đầu tư với lãi suất cao, lên tới 20%/năm, gấp 3 lần tiết kiệm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thế nhưng, lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao. Nếu không cẩn trọng, người có tiền dễ bị sập bẫy.

 Huy động từ vốn lẻ, cho đến mời chào lãi suất cao

Đó là một trong những lời kêu gọi tham gia đầu tư trên không gian mạng hiện nay. Thông qua mạng xã hội, Thanh (nhân viên sàn cho vay ngân hàng Tima) gửi cho chúng tôi 2 gói đầu tư và mời tham gia với "lãi suất rất tốt". Cụ thể, với gói Gold, số tiền đầu tư tối thiểu 10 triệu đồng, lợi nhuận lên 20%/năm theo dư nợ thực tế (không cam kết lợi nhuận). Còn đối với gói đầu tư Diamond, số tiền tối thiểu là 50 triệu đồng, lợi nhuận 12,5, 14,5 và 16,5% tương ứng cho kỳ hạn quản lý đầu tư là 6, 9 và 12 tháng. Thanh mời chào "mức lợi nhuận này cao hơn lãi suất ngân hàng từ 2 - 3 lần".

Kêu gọi đầu tư lãi suất 20% - Ảnh 1.

Thận trọng với những hình thức huy động vốn bên ngoài lãi cao

NGỌC DƯƠNG

Tima là sàn kết nối giữa người đi vay và cho vay thông qua app. Theo tài liệu của đơn vị này thì có 10 triệu người đăng ký vay, nhưng chỉ 68.000 người cho vay. Tổng số đơn vay trên hệ thống là 17 triệu. Những người đi vay - cho vay thông qua hệ thống app để đặt đơn vay hay cho vay nên gần như không biết mặt nhau. Trước lo ngại nhà đầu tư mang tiền cho vay trên app sẽ mất, Thanh nói như "đinh đóng cột" sẽ không có rủi ro gì khi khoản vay có mua bảo hiểm và bảo lãnh từ Tập đoàn G-Group (là tập đoàn mẹ của Tima, bao gồm 11 công ty thành viên).

Kèm theo đó, Thanh gửi cho chúng tôi 2 bản hợp đồng vay và thỏa thuận thanh toán. Cụ thể, hợp đồng vay sẽ ký với Tima thể hiện số tiền vay, lãi suất vay. Còn thỏa thuận thanh toán sẽ được ký kết 3 bên gồm nhà đầu tư, Tập đoàn G-Group và Tima. Nội dung là G-Group sẽ đồng ý cho Tima vay để Tima thanh toán các khoản vay và lãi phát sinh trong thời hạn vay theo hợp đồng mà Tima đã ký với khách hàng trên hợp đồng vay. G-Group cam kết cho Tima vay tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định của hợp đồng vay. Thỏa thuận thanh toán đi kèm với hợp đồng vay và có giá trị ràng buộc pháp lý giữa các bên. Hợp đồng ký được gửi qua bưu điện mà không cần phải gặp trực tiếp hay qua công chứng. 

"Công ty em là pháp nhân, chịu sự quản lý của Bộ Công thương, Bộ Tài chính... nên các con dấu khi đóng vào hợp đồng đều là căn cứ pháp lý hợp pháp. Nếu nhà đầu tư có tranh chấp, khiếu nại thì hợp đồng này đủ cơ sở đem ra tòa chị ạ", Thanh giải thích.

Ngoài ra, người đi vay phải mua bảo hiểm cho khoản vay tại Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, người hưởng khoản bảo hiểm là người cho vay nên theo Thanh, trường hợp khách hàng không trả nợ thì nhà đầu tư vẫn có thể lấy lại tiền. Nhà đầu tư tham gia 2 gói đầu tư trên, khách hàng sẽ đứng tên tài khoản nhưng ủy quyền cho Tima vận hành và giải ngân. Nhà đầu tư theo dõi các khoản cho vay thông qua app.

Một hình thức khác thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian qua là huy động vốn lẻ qua app. Chị Phạm Dung (Q.11, TP.HCM) nghe người thân giới thiệu tham gia gửi tiền trên app Tikop có lãi suất cao hơn gửi ngân hàng. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn là 5,5%/năm, 2 tuần 6,5%, 1 tháng 7%, 3 tháng là 8%, 5 tháng 8,3%.

Theo thông tin app Tikop đăng tải, đây là ứng dụng Fintech, là giải pháp tích lũy với số tiền từ 50.000 đồng. Công ty không nói rõ sử dụng nguồn tiền mà mọi người tham gia gửi vào làm gì nhưng đối với phần thu nhập nhận được thì người gửi phải đóng thuế thu nhập cá nhân 5% cho khoản lợi tức được nhận. 

Cẩn trọng mất tiền như chơi

Tikop là một trong những cái tên được Bộ Tài chính kêu tên trong cảnh báo bên cạnh những  app khác như Passion Invert, infina, Savenow, BUFF... Theo Bộ Tài chính, những app này được thành lập theo giấy phép Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh thành cấp. Các doanh nghiệp này không phải là đơn vị do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành lập và quản lý. Các doanh nghiệp này sử dụng công nghệ, các công cụ truyền thông để quảng bá, thu hút vốn của nhà đầu tư nhưng lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo luật Dân sự. Điều này gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với một số công ty này và đưa ra cảnh báo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức huy động, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý trước khi thực hiện đầu tư (giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh...).

Tương tự, mô hình cho vay ngang hàng cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cho mô hình hoạt động này. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, khi nhà nước chưa có những quy định cụ thể về mô hình hoạt động như vậy thì nhà đầu tư tham gia vốn vào sẽ gặp nhiều rủi ro về tính pháp lý, cũng như không được pháp luật bảo vệ. Bên cho vay và bên vay sẽ tự thỏa thuận lãi suất, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đóng vai trò trung gian, thu phí dịch vụ. Thế nhưng, mô hình này cũng có thể núp bóng cho vay nặng lãi, khó kiểm soát. Nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định rót vốn vì lợi nhuận càng cao thì kèm theo đó là rủi ro.

Chẳng hạn, vào cuối năm 2022, Công ty CP Công nghệ tài chính VO247, quản lý website vayonline247.vn, kết nối người vay và người cho vay thu hút 6.000 nhà đầu tư cho vay và gần 70.000 người vay, lãi suất lên đến 18%/năm. Phía VO247 đã gửi thông báo tới nhà đầu tư về việc tạm ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền về vì gặp khó khăn dòng tiền, tình trạng cầu vượt cung.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.