Cảnh giác viêm cơ tim cấp triệu chứng như cảm sốt

29/12/2019 08:29 GMT+7

Viêm cơ tim cấp là bệnh nguy hiểm, khiến bệnh nhân tử vong nhanh, nhiều trường hợp chỉ được cứu trong “đường tơ kẽ tóc” nhờ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Thế nhưng, biểu hiện bệnh lại giống cảm sốt thông thường.

Đứng trước “cửa tử” vì tưởng bị... cảm

Em T.T.N.D (14 tuổi, ngụ Long An) ban đầu chỉ sốt cao, đau nhức toàn thân, mệt mỏi, chóng mặt, tê tay chân... Gia đình mua thuốc cho em uống nhưng em không khỏi và đến ngày thứ tư thì bị khó thở. D. được đưa đến bệnh viện địa phương khám và được chuyển lên Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong tình trạng huyết áp tụt, nhịp tim đập nhanh loạn xạ. Bệnh nhân (BN) được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, tình trạng nguy kịch. Hơn 50 y bác sĩ đã được huy động cùng lúc sốc điện, đặt máy tạo nhịp và nhanh chóng thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) để cứu tính mạng BN.
BV Nhi đồng Thành phố từng tiếp nhận nhiều trẻ trong tình trạng: suy hô hấp nặng, ngủ li bì, nhịp tim rất nhanh, toàn thân tím tái, thở yếu... Thậm chí có trẻ đã trụy mạch, rối loạn nhịp tim nặng, sốc tim và tiên lượng nguy cơ tử vong sau vài giờ. Kết quả thăm khám, chụp X-quang ngực và siêu âm tim cho thấy các BN này bị viêm cơ tim cấp.
Bé gái L.P.T (8 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng được BV Q.Tân Phú chuyển đến BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng rất nặng, sốc, hôn mê, môi tím, ngưng tim, ngưng thở. BN được chẩn đoán sốc tim do viêm cơ tim tối cấp. Các bác sĩ đã áp dụng “hết bài” trong hồi sức cấp cứu tim mạch nhưng tình trạng bệnh nhi không tiến triển.
Trước tình hình nguy kịch trên, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 đã phải hội chẩn khẩn cấp với các bác sĩ BV Chợ Rẫy (TP.HCM) để áp dụng kỹ thuật ECMO. Đồng thời, BN cũng được hạ thân nhiệt chủ động xuống 35 độ C để bảo vệ não, hạn chế tối đa các di chứng não sau này. Sau 7 ngày hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy, lọc máu liên tục, BN mới tỉnh lại, tình trạng huyết động cải thiện, vượt qua “cửa tử”.
Theo người nhà BN, 3 ngày trước khi nhập viện, bé T. bị sốt 38 độ C, vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường. Qua ngày thứ hai, bé đỡ sốt nhưng lại mệt. Ngày thứ ba, bé lờ đờ, khó thở, nôn nhiều, đến tối thì tím tái, tay chân lạnh. Thấy vậy, gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến BV. Bé T. trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh nền, bệnh mạn tính, không có vấn đề gì liên quan đến tim mạch.
Tại BV Chợ Rẫy, N.M.C (21 tuổi, sinh viên, ngụ TP.HCM) nhập cấp cứu vì loạn nhịp tim, suy tim. Trước đó, BN không có bệnh nền, có dấu hiệu cảm, mua thuốc về uống thì một ngày sau bị choáng, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán C. bị viêm cơ tim cấp tiến triển nặng.

Dấu hiệu mơ hồ, tử vong cao

Theo Th.S-BS Trương Phi Hùng, Phó khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy: Viêm cơ tim cấp là tình trạng cơ tim viêm nhiễm nặng, gây ra các biến chứng viêm. Bệnh dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, đặc biệt là có các triệu chứng như cảm thông thường, rồi chuyển biến nhanh và nặng không lường trước được. Có BN chỉ sau 24 giờ có dấu hiệu (như cảm) đã vào thể tối cấp, suy tim, không thở được; có BN chuyển biến chậm hơn. Một số trường hợp được chẩn đoán nhầm là nhồi máu cơ tim dẫn đến điều trị lòng vòng, BN không đáp ứng với các phương pháp điều trị.
PSG-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhi đồng 1, cho biết: Các trường hợp viêm cơ tim cấp cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ tử vong rất cao, lại diễn biến nhanh, khó nhận biết vì triệu chứng ban đầu chỉ là sốt. Theo ghi nhận tại BV Nhi đồng 1, trung bình mỗi năm BV tiếp nhận khoảng 5 - 10 ca viêm cơ tim cấp, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhi viêm cơ tim cấp đến 20 - 30%.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM): ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) là kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể hay ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể. Hệ thống ECMO, như tim phổi nhân tạo, giúp đưa máu ra ngoài cơ thể, sau đó loại bỏ CO2 và cung cấp ô xy vào máu. Từ đó, máu đã được “bơm” ô xy được chuyển lại vào hệ tuần hoàn trong cơ thể đi nuôi các mô và các cơ quan trong cơ thể.
Phương pháp này giúp điều trị cho những bệnh nhân suy hô hấp, suy tim nghiêm trọng mà các biện pháp hồi phục tim phổi khác không thể cứu chữa.
ECMO là kỹ thuật hiện đại, đòi hỏi sự phối hợp của các chuyên gia sâu, rất khó thực hiện nên chỉ làm được ở một số BV tuyến cuối và vô cùng tốn kém. 
“Trước đây, những ca viêm cơ tim cấp nặng thường tử vong. Tuy nhiên, hiện tại với hệ thống ECMO, các bác sĩ đã giữ được tính mạng cho BN ngay lằn ranh “cửa tử”, bác sĩ Quang nhận định.
Theo bác sĩ Hùng, không có khuyến cáo đối tượng nguy cơ cao hay thể trạng đặc biệt nào dễ dẫn đến viêm cơ tim cấp, vì bệnh có thể xảy ra với tất cả mọi người, thậm chí người đang khỏe mạnh bình thường. Bệnh thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi lao động.
Bệnh có nhiều nguyên nhân gồm do nhiễm siêu vi (enterovirus, echovirus, adenovirus, quai bị, sởi, rubella...), vi trùng, hoặc ký sinh trùng; cũng có nguyên nhân do thuốc, độc chất và bệnh tự miễn.
Khi vào cơ thể, siêu vi sẽ làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích. “Viêm cơ tim do siêu vi thường gặp nhất ở 6 - 11 tháng tuổi và 12 - 17 tuổi”, bác sĩ Quang thông tin.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo: Người dân nên cảnh giác sau một đợt nhiễm siêu vi (3 - 5 ngày), có triệu chứng tức ngực, khó thở thì cần đến BV chuyên khoa khám ngay để được chẩn đoán đúng bệnh và xử trí kịp thời.
Riêng đối với trẻ nhỏ, Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP.HCM, cố vấn chuyên môn của BV Nhi đồng 1, lưu ý: “Viêm cơ tim là bệnh có triệu chứng mơ hồ. Phụ huynh cần cảnh giác và đưa con đi BV khi thấy con bị sốt, có rối loạn tiêu hóa, ói; khi bớt sốt nhưng con không khỏe hơn mà mệt, lừ đừ, khác lạ so với những lần cảm sốt trước. Đặc biệt là trẻ lơ mơ, tay chân lạnh, lịm đi thì nên nhanh chóng đưa con đến BV chuyên khoa gần nhất để bác sĩ xác định bệnh sớm, phát hiện sớm thì khả năng cứu sống càng cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.