Tạp chí The Economist khuyến cáo các thị trường đang phục hồi cần thận trọng để tránh rơi vào "ảo giác tiền tệ", nhất là trong bối cảnh Fed nới lỏng việc tăng lãi suất nhưng "lãi suất thực tế" vẫn rất cao.
Ảo giác
"Ảo giác tiền tệ" (tiếng Anh: money illusion) là một giả thuyết kinh tế học cho rằng chủ thể kinh tế có khuynh hướng chỉ nhận thức được giá trị danh nghĩa của tiền mà không nhận thức được giá trị thực tế của tiền. Nói cách khác, nó cho rằng mọi người không tính đến mức độ lạm phát trong nền kinh tế và tin tưởng một cách sai lầm rằng một đồng trong năm nay có giá trị bằng với một đồng trong năm trước. Đây cũng là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi giữa các nhà kinh tế học.
Tạp chí The Economist có bài phân tích cho rằng, trong năm 2022, những ai cảm thấy vui mừng khi thấy tiền lương của mình tăng mà chưa tính toán xem liệu sau lạm phát số tiền lương tăng này có thực sự mua được nhiều hơn so với năm 2021 hay không, đều là nạn nhân của "ảo giác tiền tệ".
Về vấn đề này, các nhà đầu tư tài chính có vẻ sáng suốt hơn. Tuy nhiên, họ cũng có thể bị cám dỗ bởi cái bẫy ảo tưởng này. Việc Fed giảm nhịp độ tăng lãi suất chính là một ví dụ điển hình. Bề ngoài, đây có vẻ như một động thái giảm nhẹ chính sách "tiền tệ diều hâu", nhưng trên thực tế, lập trường của Ngân hàng trung ương Mỹ cứng rắn và chặt chẽ hơn nhiều.
Ngày 1.2 vừa qua, Fed đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 của Fed và là đợt tăng lãi suất ít nhất của cơ quan này kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3.2022, khi Ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này.
Lãi suất của những lần sau giảm dần so với những lần tăng trước. Câu hỏi trước mắt với các nhà đầu tư là khi nào Fed sẽ ngừng việc tăng lãi suất. Một số người cho rằng, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất tầm 0,25 điểm phần trăm trong tháng tới rồi dừng lại vì có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Một số khác cho rằng, nhiều nhất là Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, sau đó sẽ dừng lại.
Theo đánh giá của The Economist, nếu đúng như dự đoán thì đây sẽ là "ánh sáng cuối đường hầm" trong chính sách thắt chặt tiền tệ, đã giúp thúc đẩy đà phục hồi của thị trường chứng khoán những tuần gần đây khi chứng kiến những phiên tăng điểm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, điều quan trọng cuối cùng với các công ty và các hộ gia đình cần vay tiền là "lãi suất thực" chứ không phải "lãi suất danh nghĩa". Rõ ràng, triển vọng thực tế không hề "màu hồng" như chúng ta nghĩ.
Thực tế
Thông thường, các nhà quan sát chỉ cần lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát là có thể có được "lãi suất thực". Chẳng hạn, lạm phát giá tiêu dùng hằng năm vào tháng 12 là 6,5% và lãi suất của các quỹ liên bang (FFR) trong tháng đó là 4,5%, thì "lãi suất thực" sẽ là -2%. Đây không hẳn là con số "tệ" vì vẫn có tính kích thích kinh tế cao.
Tuy nhiên, điều này lại phản ánh một sai lầm cơ bản. Vì lãi suất là một biến hướng tới tương lai (ví dụ lượng tiền nợ sẽ là bao nhiêu trong tương lai), nên so sánh có liên quan với lạm phát cũng hướng tới tương lai (ví dụ giá cả sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai đó). Tất nhiên, không ai có thể dự đoán chính xác nền kinh tế sẽ phát triển cụ thể như thế nào nhưng vẫn có những thước đo toàn diện về kỳ vọng lạm phát dựa trên định giá trái phiếu và dữ liệu khảo sát. Lấy lợi suất trái phiếu một năm của kho bạc Mỹ trừ đi kỳ vọng về lạm phát một năm của Fed Cleveland, một trong 12 ngân hàng khu vực của Fed, sẽ cho ra con số lãi suất thực tế chính xác hơn, cụ thể là 2%.
Chính vì vậy, ngay cả sau khi Fed ngừng tăng "lãi suất danh nghĩa" thì "lãi suất thực tế" vẫn có thể tiếp tục tăng trong một thời gian nữa. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, kỳ vọng lạm phát trong một năm là khoảng 1,7% nhưng giờ là 2,7%. Nếu kỳ vọng lạm phát trở về mức tiền đại dịch, lãi suất thực tế sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm, mức cao thường thấy trước một cuộc suy thoái trong vài chục năm qua.
Tất cả đều khó đoán định và nếu lạm phát vẫn tiếp diễn trong năm nay thì những kỳ vọng về lạm phát trong tương lai có thể sẽ tăng lên. Điều này dẫn đến giảm "lãi suất thực tế". Fed có thể cắt giảm "lãi suất danh nghĩa" sớm hơn dự báo, như nhiều nhà đầu tư dự đoán. Một số nhà kinh tế tin rằng lãi suất tự nhiên, hay gọi là lãi suất không gây lạm phát, có thể đã tăng từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, ngụ ý nền kinh tế có thể chống chịu mức "lãi suất thực" cao hơn mà không bị suy thoái. Tuy nhiên, điều quan trọng, chúng ta là cần phải cảnh giác và nhìn nhận tình hình thực tế, tránh rơi vào "ảo giác".
Bình luận (0)