Khi cơ quan chức năng ở Quảng Nam vạch trần một số chiêu trò của các nhóm lừa đảo, nhiều người mới té ngửa vì “cổ vật” mình mua được hóa ra chỉ là…đồ giả.
Những đồ giả cổ đang được Công an H.Phú Ninh thu giữ - Ảnh: C.T.V |
Treo giá 2 tháng lương
|
Những “cổ vật” mà Nguyễn Hữu L. (trú TT.La Hà, H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cất trong 2 bao bị Công an H.Phú Ninh (Quảng Nam) thu giữ khi tìm cách gạ bán tại xã Tam Thái nhanh chóng bị lật tẩy là…đồ giả cổ. Mỗi bao hàng có chứa 1 bình hồ lô tạo dáng bát tiên và 2 con cóc, được mạ đồng. Theo khai nhận ban đầu, hàng này L. mua tại TP.HCM với giá khoảng 1,8 triệu đồng, sau đó mang về chôn xuống bùn đất một thời gian rồi đào lên mang đi bán. Những vết bùn dính trên “cổ vật” rất dễ đánh lừa cảm giác người mua rằng chúng là đồ cổ vừa may mắn được phát lộ. Đây là chiêu trò ưa thích mà các nhóm lừa đảo sử dụng tại các vùng quê ở H.Phú Ninh kể từ cuối năm 2015 đến nay. Thủ đoạn của nhóm lừa đảo như sau: Tự nhận là công nhân máy xúc, máy đào tại dự án tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khi thi công thì bất ngờ phát hiện cổ vật; Để người dân tin hơn, các nhóm này không gạ bán ngay mà chỉ vờ mang theo “cổ vật” ghé nhà dân hỏi tìm thầy cúng, sau đó thấy ai có ý định mua thì nhượng lại. Ban đầu, chúng treo giá 2 tháng lương công nhân, quy đổi thành 14 triệu đồng. Ông Trần T. ở thôn Khánh Thịnh (xã Tam Thái) vì tin lời đã giục vợ mang ra 1 chỉ vàng kèm theo 500.000 đồng tiền mặt để được sở hữu một món “đồ cổ” như vậy.
Tuy nhiên, đi đêm có ngày gặp ma. Khi nhóm của Nguyễn Hữu L. đang giở trò “nhượng lại cổ vật” thì bị ông Phạm Minh Ph. (hàng xóm của ông Trần T.) sinh nghi. Ông Ph., ông T. cùng nhiều người khác tìm cách giữ chân L. rồi trình báo Công an xã Tam Thái. Riêng một đồng bọn trong nhóm của L. đã kịp tẩu thoát.
Không nên ham rẻ!
Nhưng không phải ai cũng cảnh giác cao độ như ông Ph., nhất là thời điểm các vụ lừa đảo chưa được phát hiện và thông báo rộng rãi. Đến đầu tháng 4.2016, tình hình đã tạm lắng nhưng ít nhất 4 hộ dân trình báo cơ quan chức năng (chưa kể nhiều nạn nhân giấu kín vì xấu hổ mà giấu nhẹm) cho thấy các nhóm lừa đảo đã kịp thu lợi không ít. Anh Trần Công V. (trú xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh) sau khi mua chiếc hồ lô bát tiên với giá 12 triệu đồng đã tuyên bố bán lại ngay vào ngày hôm sau với lý do “quá mệt mỏi vì tin đồn”. Chuyện của anh V. khá ly kỳ khi cho biết gửi mua hồ lô bát tiên này từ Đắk Lắk, sau đó dọ hỏi trên mạng thì được “định giá” lên đến… 10 tỉ đồng, từ đó gây đồn đoán lung tung. Các chuyên gia giám định cổ vật cũng lên tiếng cảnh báo hiện vật có chất liệu đồng kiểu này rất dễ làm giả. Tuy nhiên, những thông tin mua đi bán lại này đều do phía anh V. cung cấp, còn nội tình vẫn chưa rõ thực hư. Qua đối chiếu, chúng tôi nhận thấy món hàng mà anh V. “mua từ Đắk Lắk” có kiểu dáng tương tự các bình giả cổ vừa phát hiện tại xã Tam Thái.
Dưới góc độ pháp lý, thượng tá Lê Hữu Hoa, Trưởng công an H.Phú Ninh phân tích các nhóm lừa đảo đã hoàn thành giao dịch dân sự kiểu “thuận mua vừa bán”, đánh vào tâm lý chuộng đồ cổ của người dân, kể cả tâm lý nếu không nhanh tay mua thì tiếc… khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý. Về bản chất, đây là một thủ thuật bán hàng bởi nhóm lừa đảo chỉ nói là họ tình cờ lượm được, hàng hóa cũng nhìn thấy tận mắt và sờ mó được, ai thích thích thì bỏ tiền ra mua. Chính yếu tố tế nhị này mà ngoài việc siết chặt địa bàn, hiện Công an H.Phú Ninh đang tập trung cảnh báo. Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND H.Phú Ninh cũng thừa nhận lúc này việc tăng cường cảnh giác là cần thiết nhất: “Thông tin về chuyện lừa đảo lan nhanh lắm. Nhưng chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng công an làm việc với các tổ tự quản an ninh trật tự để tiếp tục cảnh báo cho người dân. Chỉ còn cách đó thôi!”.
Bình luận (0)