Cảnh giác với các chiêu trò lừa tiền trên mạng

07/06/2018 17:20 GMT+7

Liên quan đến chuyện vay tiền, những kẻ xấu đã nghĩ ra vô vàn chiêu thức để lừa những người nhẹ dạ cả tin. Nếu không cẩn thận, chắc chắn sẽ sụp bẫy.

Tốn tiền triệu để nhờ "mai mối" chỗ vay
Cần 30 triệu đồng gấp, nên anh N.V.T, công nhân Công ty TNHH Colgate Palmolive (chi nhánh ở Bình Dương) quyết định vay nóng. Anh V.T. lên Facebook tìm kiếm và như "vớ được vàng" khi bắt gặp những tin rao: "giới thiệu chỗ vay uy tín, giải ngân cực nhanh", "giới thiệu địa chỉ vay nhanh gọn lẹ"...
"Vậy là tôi nhắn tin liên hệ. Người đó hướng dẫn chuẩn bị giấy tờ. Người đó cho biết chỉ cần gởi giấy tờ qua, việc làm thủ tục vay sẽ do họ làm giùm. Đồng thời cam kết sau khi tôi chụp giấy tờ gởi qua, chỉ chừng 2 tiếng sau khi thẩm định thì tôi sẽ nhận được tiền. Lãi suất chỉ 1%", V.T. kể.
"Nhưng sau khi tôi cung cấp số tài khoản ATM, giấy tờ tùy thân... Người đó yêu cầu lấy phí trung gian 10% giá trị vay, tức là 3 triệu đồng. Tôi nghĩ cũng phải, vì đâu ai giúp không ai bao giờ, nên chấp nhận. Tôi đồng ý và nói thay vì chuyển đủ 30 triệu đồng thì chuyển 27 triệu thôi, trừ đi 3 triệu tiền phí nhưng họ không chịu. Thế là tôi đi mượn bạn bè 3 triệu đồng để mua card điện thoại gửi qua, với hy vọng được nhận lại 30 triệu đồng. Thế nhưng đời không như là mơ. Sau khi chuyển tiền thì họ cũng... mất dạng. Đã nghèo lại gặp eo", V.T. buồn so, nói.

Hiện nay, trên Facebook có vô số nhóm được lập ra dành cho những người có nhu cầu muốn vay tiền như: Hội vay tiền, Hội cho vay tiền nhanh, Hội cho vay tiền mặt trả góp, Hội cho vay tiền online... Tại những hội này, bên cạnh những thông tin rao cho vay, thì không ít người đã ta thán từng bị lừa tiền.
"Nhiều kẻ xấu đã trà trộn, lập các tài khoản giả để vào các hội nhóm cho vay tiền như vậy, tìm những người có nhu cầu vay thật sự để lừa. Có người đóng vai, giả danh là nhân viên ngân hàng, liên lạc làm thủ tục cho vay, rồi yêu cầu chuyển phí, chuyển đặt cọc trước rồi... cao chạy xa bay, khiến người bị lừa ôm cục tức", Nguyễn Hoài Thanh, công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo (H.Bình Chánh, TP.HCM), cho biết.
Đ.A.T, công nhân Công ty TNHH Cơ khí khuôn mẫu HTF, kể: "Vì con đau phải cấp cứu, nên mình đăng tin cần vay gấp 10 triệu đồng. Một tài khoản tên Ái Vân đã liên lạc, tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng. Cô này yêu cầu chụp chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác để làm thủ tục vay".
Đ.A.T. kể tiếp: "Dù lúc đó đã 22 giờ, thế nhưng cô này vẫn nói chỉ cần đưa đủ giấy tờ, đưa trước phí là 7% thì sẽ có tiền ngay. Lúc ấy tôi đang lo cho con nên quẫn trí và tin lời. Chuyển 700.000 đồng qua dịch vụ MoMo cho cô ta, mình nhắn lại thì Facebook báo lỗi, không thể nhắn vì cô ấy đã chặn tài khoản mình".
Nợ xấu vẫn xóa được?
H.P.B, sinh viên ngàn công nghệ thông tin của một trường ĐH ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết bản thân đang bị nợ xấu, vì trễ hẹn quá lâu trong việc thanh toán tiền khi mua trả góp. Chính vì thế, B. không thể vay ở bất kỳ ngân hàng nào.
Tuy nhiên khi tham gia vào Hội vay tiền, Bình được nhiều người cam kết sẽ xóa giúp nợ xấu để tạo hồ sơ "sạch". "Mình đang nợ xấu ở nhóm 5 nên biết là không thể vay. Thế nhưng có thành viên nhắn sẽ lo từ A - Z trong việc xóa nợ xấu. Phí họ đưa ra là 12 triệu đồng. Mình nhờ giảm giá thì được 'chốt' là 9 triệu đồng. Nghĩ đến cảnh được xóa nợ xấu, về sau không gặp vấn đề trở ngại nào khi vay tiền nên mình đồng ý. Nào ngờ, đó là chiêu lừa mà mình sụp bẫy", B. kể.
Có vô số trường hợp giống B. chỉ vì nhẹ dạ cả tin những lời hứa hẹn, cam đoan sẽ xóa được nợ xấu mà tiền mất tật mang, mất tiền nhưng... nợ xấu vẫn là nợ xấu. 

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, thì không ai có thể can thiệp được trên hệ thống của CIC (trung tâm Thông tin tín dụng thuộc ngân hàng Nhà nước) để xóa được nợ xấu. Nếu có điều chỉnh, thì các ngân hàng phải đưa ra rõ lý do, đại diện pháp luật của tổ chức tín dụng đó ký xác nhận thì mới được điều chỉnh trên CIC... "Tóm lại, đừng tin vào những lời hứa sẽ xóa được nợ xấu kẻo bị lừa tiền", bà Hằng khuyên.
Ngoài việc hứa hẹn xóa nợ xấu, nhiều kẻ xấu còn tung chiêu lừa bằng cách: "bao đậu" các hồ sơ khi vay vốn ở các ngân hàng dù bản thân đang nợ xấu. 
"Tôi bị nợ xấu nhóm 3. Tôi tìm hiểu thì được biết đối với nợ nhóm 1 và nhóm 2 thì nhiều ngân hàng vẫn xét duyệt cho vay thế chấp tuy nhiên vẫn bị nhiều lý do khắc khe. Còn đối với nợ từ nhóm 3 thì không thể được cấp vốn từ các ngân hàng. Thế nhưng vẫn có những người cam đoan và nói sẽ 'bao đậu' nếu tôi vay vốn. Hỏi phí thì được đưa ra giá 15% khoản vay", T.T., nhân viên công ty du lịch ở đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) kể. 
Một chiêu lừa khác cũng được các kẻ xấu tung ra trong thời gian gần đây đó là bán các sim được các ngân hàng hỗ trợ cho vay. Theo đó, những kẻ này tự tạo tin nhắn với nội dung: "Ngân hàng A. đồng ý cho chủ nhân số điện thoại 0972.... vay số tiền 40 triệu đồng. Chỉ cần đem sim này lên ngân hàng để nhận tiền", rồi rao bán. Mặc dù quy trình vay vốn trải qua nhiều bước xác minh, chứng thực..., thế nhưng vẫn có những người cả tin và đồng ý mua lại các sim này với giá hàng triệu đồng.
"Khi có nhu cầu vay vốn, phải lên tận ngân hàng để hỏi quy trình, thủ tục, chứ đừng nghe theo những lời dụ dỗ trên mạng. Phải đặc biệt cảnh giác với những lời mời cho vay như: không giữ giấy tờ, "bao hồ sơ", nợ xấu vẫn vay được, chuyển tiền nhanh chóng, cũng như những yêu cầu phải đưa trước phí... Đó chắc chắn là hình thức lừa đảo", Đ.A.T. chia sẻ bài học kinh nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.