(iHay) Khi nạn nhân hỏi mua, nghi phạm nói đủ mọi cách để nạn nhân gửi tiền đặt cọc qua tài khoản hoặc nạp card. Tuy nhiên, khi nạn nhân gửi tiền hoặc thẻ cào xong thì nghi phạm cắt đứt liên lạc với nạn nhân để chiếm đoạt toàn bộ tiền.
Chiều 27.1, lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, cho biết vừa phát hiện một vụ mua bán tiền giả trên mạng xã hội.
Nghi phạm này ở Hà Nội, tuổi đời còn rất trẻ, thường rao trên Facebook là bỏ tiền thật ra để mua tiền giả nhưng thực chất không có tiền giả như rao bán.
Khi nạn nhân hỏi mua, người này nói đủ mọi cách để nạn nhân gửi tiền đặt cọc qua tài khoản hoặc nạp card. Tuy nhiên, khi nạn nhân gửi tiền hoặc thẻ cào xong thì nghi phạm này cắt đứt liên lạc với nạn nhân để chiếm đoạt toàn bộ tiền.
Tính đến thời điểm nghi phạm này bị mời lên làm việc, đã lừa đảo tổng cộng 50 triệu đồng và xác định với cơ quan chức năng có rất nhiều nạn nhân mắc bẫy.
Trong khi đó, những ngày cận tết, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin chào mời mua bán tiền giả. Một tài khoản Facebook có tên “Mua bán…” đăng tải hình ảnh nhiều cọc tiền mệnh giá từ 100.000 - 500.000 đồng với lời mời gọi: “Cận tết anh em tranh thủ lấy sớm giùm hàng 100 (mệnh giá 100.000 đồng - NV) mới về, 500 (mệnh giá 500.000 đồng - NV) còn rất nhiều. Vì lý do gần tết mình rất bận, mong anh em mua từ 2 triệu trở lên mình mới ship (giao hàng) được nha. Mong anh em thông cảm gọi trực tiếp cho mình 0125… và 0123…”.
Chúng tôi gọi vào số điện thoại 0123… thì bên kia đầu dây giọng một nam thanh niên trả lời: “Thường thì 1 triệu thật đổi 4 triệu giả nhưng dịp tết hàng về nhiều nên em khuyến mãi thêm 500.000 đồng (1 triệu thật đổi 4,5 triệu giả - NV)”.
Người này bảo: “Nếu mua 2 triệu thì em cho người ship (giao hàng) đến đúng địa chỉ. Nhưng phải gửi trước 50% (1 triệu đồng). Khi nào người mang tiền giả đến thì nhận 1 triệu còn lại. Còn muốn gặp trực tiếp thì phải mua 200 triệu trở lên”.
Sau khi ngắt máy chừng 2 phút, chúng tôi nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0125… với nội dung: “Huynh Anh Thu số tài khoản 970… ngân hàng chi nhánh V. Cà Mau”.
Ngoài ra còn hàng loạt tài khoản khác trên mạng xã hội cũng rao mua bán tiền giả: “K.N (mua bán tiền giả)” “B.N (mua bán tiền giả), “Mua bán tiền giả uy tín toàn quốc”, “Mua bán tiền giả - Giá rẻ uy tín”, “Mua bán tiền giả không đặt cọc”…
Nhiều trang cá nhân còn đăng tải “hướng dẫn sử dụng” và những “nguyên tắc” trong quá trình giao dịch tiền giả. Ngoài ra, nhiều tài khoản đăng tải hình ảnh tiền giả được quấn trong phong bì, có dán tem bưu điện để chứng minh nhiều “giao dịch” thành công nhằm mời gọi những người khác mua tiền giả.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an cho biết sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo C45 đã chỉ đạo xác minh truy tìm ra các đối tượng rao bán tiền giả và nguồn gốc tiền giả nhằm xử lý đến cùng.
Mặt khác, vị này cũng cảnh báo khả năng những người ham lợi nên mua tiền giả dễ bị lừa, khi phải chuyển tiền thanh toán trước cho các nhóm rao bán. Tiền nhận xong, bên mua sẽ đóng tài khoản mạng xã hội, cắt liên lạc và có khi chỉ gửi… tiền âm phủ.
Đáng lưu ý, không chỉ bị lừa mà theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả.
Đ.Tiến - N.Lê - Đ.Huy
>> Hàng loạt sao Việt bị hack Facebook
>> Mạc Hồng Quân: 'Tôi sẽ không để yên cho cô gái lừa đảo'
>> Hoa hậu Việt Nam: Kẻ được tung hô, người bị ghét 'toàn tập'
Bình luận (0)