Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo đi làm việc tại Hàn Quốc

01/10/2024 07:09 GMT+7

Từ giữa tháng 9 đến nay, Bộ LĐ-TB-XH liên tiếp đưa ra các thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo đưa người lao động sang Hàn Quốc thông qua trung gian môi giới và các đơn vị chưa được cấp phép.

Bơ vơ trước giờ xuất cảnh

Đêm 22.9, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh hàng trăm người lao động mang theo hành lý vạ vật trước trụ sở Công ty CP thương mại và dịch vụ Educa VN (Công ty Educa VN), địa chỉ số 78 Duy Tân, Q.Cầu Giấy (Hà Nội), vì không thể bay sang Hàn Quốc làm việc như đã được hứa hẹn.

Theo các lao động, mặc dù Công ty Educa VN đã thông báo lịch xuất cảnh vào 23 giờ 10 ngày 22.9; danh sách xuất, nhập cảnh có đóng dấu của doanh nghiệp bảo lãnh, các lao động được yêu cầu mặc trang phục theo phong cách đi du lịch, nhưng đến sát giờ bay, hơn 200 lao động bất ngờ nhận được thông báo hoãn xuất cảnh.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo đi làm việc tại Hàn Quốc- Ảnh 1.

Không thể xuất cảnh sang Hàn Quốc, người lao động ngồi trước cửa Công ty Educa VN chờ giải quyết

ẢNH: MINH NGUYỆT

Một số lao động cho biết họ được giới thiệu đi xuất khẩu lao động qua công ty này, ban đầu là giới thiệu đi làm việc theo kênh du lịch, rồi ở lại. Để được sang Hàn Quốc, mỗi lao động phải đóng một khoản tiền lên tới 13.000 USD (gần 300 triệu đồng). Trong đêm 22.9, lực lượng chức năng đã có mặt tại trụ sở công ty để giải tán đám đông. Đến sáng ngày 23.9, các bên đã đi đến thỏa thuận công ty sẽ trả tiền lại cho lao động.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 25.9, ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động VN, cho hay: "Công ty Educa VN không phải là thành viên của hiệp hội. Việc đưa người lao động sang Hàn Quốc theo diện nào, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ; tuy nhiên nếu phải bỏ ra số tiền gần 300 triệu đồng để sang Hàn Quốc như lao động phản ánh là quá đắt. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý các doanh nghiệp vi phạm, đồng thời hỗ trợ người lao động đảm bảo quyền lợi".

Liên quan đến vụ việc này, ngày 24.9, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã có công văn hỏa tốc gửi Công an TP.Hà Nội và Sở LĐ-TB-XH TP.Hà Nội đề nghị kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến Công ty Educa VN.

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay sau khi nhận được thông tin, Cục đã cử cán bộ xuống Công ty Educa VN tiếp cận người lao động và đại diện công ty để có thông tin xác thực, nhưng đều không gặp.

"Công ty Educa VN không được Bộ LĐ-TB-XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là vụ việc lớn, phức tạp, liên quan đến số lượng lớn người lao động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài", ông Hương nhìn nhận.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

"Việc người lao động phản ánh doanh nghiệp yêu cầu người lao động khi xuất cảnh mặc đồ du lịch cho thấy cách thức làm việc không chính thống, cạnh đó thu tiền gần 300 triệu đồng cũng là quá cao so với các kênh chính thống. Những người lao động bị hại có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Sở LĐ-TB-XH các địa phương để được hỗ trợ giải quyết", ông Hương nêu rõ.

Cảnh báo lừa đảo lao động thời vụ

Ngoài hình thức đưa lao động đi theo visa du lịch, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người lao động, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng đối tượng môi giới đưa tin, lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện visa E8.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo đi làm việc tại Hàn Quốc- Ảnh 2.

Các đối tượng giả mạo thông báo của Bộ LĐ-TB-XH tuyển lao động đi Hàn Quốc

ẢNH: CỤC ATTT

Đầu năm nay, chị Nguyễn Thị Oanh, ở TT.Hương Khê, H.Hương Khê (Hà Tĩnh), đã đăng ký đi lao động theo visa E8 cho 3 người thân với tổng số tiền là 216 triệu đồng với một công ty du học có trụ sở ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội). Theo cam kết đến tháng 6.2024, nếu không làm được visa sang Hàn Quốc, công ty này sẽ hoàn trả 100% số tiền cho người lao động. Tuy nhiên, quá thời hạn vài tháng, công ty liên tục trì hoãn, buộc chị Oanh phải gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng.

Ngày 24.9, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục cảnh báo người lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc theo diện visa E8 (lao động thời vụ). Ông Phạm Viết Hương thông tin chương trình lao động thời vụ diện visa E8 là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của VN với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương 2 nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc.

Đến nay, có 17 địa phương (Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên-Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đắk Lắk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc LiêuPhú Yên) đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại nước này theo thị thực E8. Việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện.

Để tránh bị lừa đảo, ông Phạm Viết Hương khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ visa E8 chỉ liên hệ trực tiếp với sở LĐ-TB-XH hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở LĐ-TB-XH địa phương nơi cư trú để tìm hiểu thông tin liên quan và làm các thủ tục cần thiết.

"Tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới", ông Hương nhấn mạnh; đồng thời ông cho biết người lao động cũng có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0243.8.249.517, số máy lẻ 511 hoặc 304 để tìm hiểu thông tin liên quan.

Chia sẻ thêm với người lao động, ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động, lưu ý: "Trước khi quyết định đi làm việc ở Hàn Quốc, người lao động hãy dành chút thời gian để tìm hiểu rõ thông tin mình theo chương trình gì, visa loại nào, chi phí làm hồ sơ xuất cảnh bao nhiêu… Nếu trung gian hoặc công ty hứa hẹn đi nhanh, có người bảo lãnh…, thì người lao động nên cẩn trọng, tuyệt đối không nộp bất cứ khoản tiền nào trước khi ký kết hợp đồng lao động rõ ràng với các điều khoản về công việc, thu nhập, chi phí cụ thể".

Theo ông Diệp, để sang được Hàn Quốc làm việc, bên cạnh sức khỏe tốt, người lao động phải chịu khó học tiếng, nâng cao tay nghề. Ông Diệp lưu ý cách tốt nhất là kiểm tra thông tin qua cơ quan quản lý nhà nước là Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Sở LĐ-TB-XH các địa phương.

Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) mới đây phát cảnh báo về thông tin giả mạo, lừa đảo người lao động đi Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

Cụ thể, các đối tượng thường mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả. Thậm chí còn tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ tại các địa phương, hứa hẹn việc làm tại nước ngoài với mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt, chi phí xuất khẩu lao động thấp.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người lao động nộp một khoản tiền lớn để làm thủ tục hoặc chi phí đầu vào trước khi ký hợp đồng chính thức. Người lao động sau khi nộp tiền môi giới, chi phí hồ sơ sẽ không thể liên lạc lại với đối tượng lừa đảo hoặc được đưa sang nước ngoài với công việc, thu nhập khác xa so với lời hứa ban đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.