Cảnh giác với tiêu chảy mùa đông khiến nhiều trẻ em nhập viện

14/11/2022 12:44 GMT+7

Trung tâm Nhi khoa ( Bệnh viện Bạch Mai ) bắt đầu ghi nhận các ca tiêu chảy do virus Rota. Tình trạng bị mất nước gây nguy hiểm là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện.

Theo TS - BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Trung tâm), Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh lý hô hấp, tiêu hóa đang ảnh hưởng trẻ em như: cúm A, cúm B; cùng với đó còn có các ca nhiễm virus Adeno, dù có xu hướng đã hạ nhiệt, theo ghi nhận tại Trung tâm. Ngoài ra, các virus lây qua đường hô hấp khác như virus RSV thì hầu như thời điểm này, năm nào cũng có.

Virus Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn; có khả năng gây bệnh khi sống trong phân 1 tuần

Tư liệu

“Hoặc tiêu chảy mùa đông cũng vậy. Gần đây Trung tâm bắt đầu ghi nhận các ca tiêu chảy có xét nghiệm dương tính với virus Rota, các cháu nhập viện là các trẻ trong tình trạng đã bị mất nước do nôn, tiêu chảy nhiều. Tiêu chảy do virus Rota hầu như năm nào cũng ghi nhận số mắc cao hơn vào thời điểm cuối năm, khi chuyển mùa”, bác sĩ Nam lưu ý.

"Rota virus là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy trong những tháng đông - xuân hằng năm, vì vậy, bệnh còn được gọi là "tiêu chảy mùa đông", PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.

Vệ sinh ăn uống, tiêm chủng đầy đủ

Theo Giám đốc Trung tâm, các gia đình, những người chăm sóc trẻ nhỏ cần đề cao việc, làm thế nào để hạn chế bớt những mức độ nặng ở các cháu, hạn chế các trẻ bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như đeo khẩu trang, vệ sinh ăn uống, tăng cường thể trạng các cháu, để nếu có nhiễm bệnh thì sẽ nhẹ hơn. Hoặc nếu có nghi ngờ nhiễm virus Rota (triệu chứng ho, sốt, nôn, tiêu chảy) thì gia đình nên dành thời gian chăm sóc con, tách các bé ra khỏi nhà trẻ, trường học để đỡ nguy cơ lây lan cho các cháu khác.

“Để phòng bệnh, việc đảm bảo vệ sinh ăn uống rất quan trọng để ngừa tiêu chảy, ngừa lây nhiễm virus gây bệnh. Ngoài ra, khi trẻ mắc tiêu chảy, có nôn nhiều cần bù dịch đúng cách. Chẳng hạn như bù dung dịch oresol tiêu chuẩn, và đó chính là thuốc chứ không phải là thực phẩm, không phải là nước uống. Oresol là thuốc trong điều trị tiêu chảy cấp và một số bệnh lý khác. Đó là điều cần chú ý với các trẻ mắc tiêu chảy”, bác sĩ Nam lưu ý các gia đình.

Về sự cần thiết theo dõi mất nước, chuyên gia Nhi khoa cho lời khuyên, khi trẻ bị tiêu chảy, rất cần chú ý theo dõi để nhận biết tốc độ tiêu chảy quá lớn, hoặc trẻ có nôn mà được bù nước bằng đường uống không đủ cho trẻ. Người chăm trẻ cũng cần quan sát thấy trẻ bị chướng bụng, bù dịch vào không hấp thu được. Ngoài ra, có thể là trẻ bị bù dịch sai cũng gây nên tình trạng nặng do thiếu nước.

Qua thực tế tiếp nhận, điều trị bệnh nhi tại Trung tâm, TS - BS Thành Nam cho biết, trẻ mắc tiêu chảy mùa đông được gia đình đưa đến khám thường có biểu hiện nôn, tiêu chảy cấp, nhiều lần, phân nhiều nước. Tại gia đình, nếu quan sát thấy trẻ mệt mỏi, đái ít, không ăn uống được nên đưa đi kiểm tra, tránh để tình trạng bị mất nước nhiều quá. Mất nước nếu không phát hiện ra sẽ ảnh hưởng đến tim; gây sốc, hạ huyết áp, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp dinh dưỡng, cung cấp dịch nuôi cơ thể, gây tổn thương nhiều cơ quan bộ phận.

Bệnh tiêu chảy do virus Rota xảy ra tập trung theo mùa, nhiều nhất là mùa đông, hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm trẻ dưới 2 tuổi.

Bệnh khởi đầu thường có nôn, nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Ca bệnh xác định mắc tiêu chảy do virus Rota là những ca bệnh có xét nghiệm dương tính với virus này. Để phòng bệnh, cần đảm bảo vệ sinh ăn uống theo các quy định của vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi); người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, trẻ nên được uống dự phòng vắc xin Rota. Hiện, vắc xin Rotarix (Bỉ) có chỉ định uống 2 liều cách nhau 4 tuần, trước 24 tuần tuổi. Vắc xin Rotateq, Mỹ, uống 3 liều (liều đầu tiên trong khoảng 7 - 12 tuần tuổi; 2 liều còn lại cách nhau 1 tháng; liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32).

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.