Cảnh giác với tin nhắn lừa đảo mua thuốc kháng sinh 'đặc trị' Covid-19

20/03/2020 09:17 GMT+7

Tin lời đồn thổi thuốc kháng sinh Erythromycine trị được Covid-19 , nhiều người đổ xô đi tìm mua loại kháng sinh này.

Chị H., một người kinh doanh nhà thuốc ở Q.6 (TP.HCM) hôm 17.3 đã báo choPV Thanh Niên về việc đột nhiên có nhiều khách hàng đến hiệu thuốc tìm mua thuốc kháng sinh “đặc trị” virus Corona phòng đại dịch Covid-19.

Nghiên cứu thuốc, vắc xin chống dịch Covid-19 có tin vui gì?

Cũng theo chị H., đến hôm nay 20.3, vẫn có khách đến hiệu thuốc đòi mua thuốc Erythromycine 250 mg, một loại thuốc kháng sinh. Khi chị H. hỏi lý do tại sao khách lại chọn thuốc này, ai nấy đều nói đã nhận được tin nhắn với nội dung: “Nếu lỡ tiếp xúc trực hoặc gián tiếp với người dương tính Covid-19, hãy uống ngay Erythromycine 250 mg liên tiếp trong 7 ngày…”, và dẫn lời bác sĩ nào đó tên "Trần Cao Sang".
Chị H. cho biết mình đã phải thuyết phục hết người này đến người khác rằng loại thuốc trên không có tác dụng phòng chống virus Corona, và khuyên khách hàng không nên chia sẻ thông điệp không chính xác trên mạng. Tuy nhiên, nhiều khách thừa nhận đã lỡ chia sẻ cho người thân, thậm chí còn có người thuyết phục con em mình uống thuốc.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong vài ngày qua, bất ngờ xuất hiện các tin nhắn trên điện thoại di động về "kháng sinh trị Covid-19". Nội dung không chính xác này được nhiều người chia sẻ rộng rãi.

Học hết lớp 9, lấy nước cất giả làm vắc xin Covid-19 để lừa đảo

Nạn trục lợi mùa dịch Covid-19

Như Thanh Niên đã đưa tin, nhiều đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng kinh doanh qua mạng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi... nhằm trục lợi mùa dịch.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, nhiều đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng kinh doanh qua mạng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi... nhằm trục lợi mùa dịch.
Cụ thể, các đối tượng thiết lập nhiều trang, nhóm mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube... chia sẻ các tin, bài, video về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Đồng thời, sử dụng các tính năng bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội để tiếp cận cùng lúc nhiều người.
Nội dung chủ yếu là xuyên tạc về dịch bệnh như số lượng người nhiễm, số người chết; hướng dẫn cách tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, mua bán và sử dụng các loại thuốc để phòng chống, thậm chí cả những loại vắc xin có khả năng phòng Covid-19; thông tin về nhà nước phun thuốc khử trùng trên diện rộng; lan truyền các tài liệu của nước ngoài về phòng chống dịch bệnh...
Thái Sơn
Trả lời PV Thanh Niên, thạc sĩ, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết Erythromycine là kháng sinh thông thường (thuộc nhóm Macrolic), là loại kháng sinh phổ rộng dùng trong điều trị nhiễm khuẩn tai mũi họng, răng hàm mặt, đường hô hấp trên, viêm ruột do Campylobacter, hạ cam, bạch cầu, viêm phổi và các nhiễm khuẩn do legionella, viêm kết mạc trẻ sơ sinh… phối hợp neomycin đề phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật ruột.
Kháng sinh này cũng được dùng thay thế penicillin trong dự phòng dài hạn thấp khớp, người dị ứng với penicillin…
Theo ông Dũng, thuốc kháng sinh Erythromycine và cả nhóm kháng sinh Macrolic hoàn toàn không diệt được virus, kể cả SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Do vậy việc mua, tự ý sử dụng, tin vào lời đồn "thuốc kháng sinh trị Covid-19"... mà không có ý kiến, chỉ định của bác sĩ sẽ gây ra đề kháng kháng sinh. Bà con muốn sử dụng kháng sinh thì cần đến bác sĩ để được chẩn đoán, chỉ định sử dụng cho đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.