Cảnh giác với vốn đầu tư 'lẩn tránh xuất xứ'

16/12/2024 05:59 GMT+7

Sau 11 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài của VN đã vượt con số 31 tỉ USD. Đặc biệt, việc Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đầu tư mới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho hàng hóa VN trong bối cảnh hiện nay.

FDI đổ vào các địa phương hạ tầng tốt, cải cách mạnh mẽ

Trong 31,4 tỉ USD thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào VN sau 11 tháng tính từ đầu năm, Bắc Ninh dẫn đầu với số vốn đăng ký hơn 5 tỉ USD, chiếm 16% tổng vốn FDI của cả nước, cao gấp 3 lần so cùng kỳ. Quảng Ninh xếp vị trí thứ 2 trong thu hút FDI với 2,29 tỉ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thứ 3 là TP.HCM với 2,28 tỉ USD, kế tiếp là Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương… 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nguồn vốn FDI tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… 10 tỉnh/thành dẫn đầu gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.

Cảnh giác với vốn đầu tư 'lẩn tránh xuất xứ'- Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh quản lý, cảnh báo nguy cơ đầu tư vào VN để lẩn tránh xuất xứ, xuất hàng hóa sang nước thứ ba

Ảnh: NG.NGA

Nhận xét về các địa phương đang dẫn đầu về thu hút FDI, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Nghiên cứu kinh tế và thương mại quốc tế - cho rằng đó là kết quả của sự lan tỏa tích cực từ các dự án FDI lớn trước đó. Chẳng hạn, Bắc Ninh hiện đã có Samsung, Foxconn, Amkor, Canon… Nhiều "ông lớn" có mặt tại một khu vực sẽ có hấp lực đáng kể để các "ông nhỏ" đi theo, hoặc nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn. 

Bên cạnh đó, tỉnh còn đặt mục tiêu trở thành cứ điểm sản xuất lý tưởng tại VN khi đại diện chính quyền địa phương sang Mỹ tổ chức tọa đàm mời gọi đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn, điện tử. Để thực hiện mục tiêu đó, Bắc Ninh chuẩn bị khá tốt quỹ đất sạch, đó là các khu công nghiệp. Đến nay, địa phương này đã có 16 khu công nghiệp tập trung, với tỷ lệ lấp đầy gần 65%; đồng thời rất quyết liệt trong việc phát triển các khu công nghiệp có sử dụng năng lượng mặt trời, xây dựng hệ thống xử lý chất thải - nước thải hay công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp…

"Những yêu cầu đặt ra hết sức thức thời và có thể chinh phục được các nhà đầu tư mới, đặc biệt các nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Thế nên, trong thời gian qua, các dự án năng lượng tái tạo tại đây cũng tăng đáng kể", ông Lạng nhận định. Tương tự với các địa phương khác như Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An… đang tạo sự chú ý, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ có quỹ đất sạch sẵn sàng để tiếp nhận dự án đầu tư mới và triển khai ngay lập tức. Thứ 2 là có nguồn năng lượng tái tạo, vốn là tiêu chí thu hút đầu tư hướng đến xanh, sạch. Thứ 3 là có nỗ lực cải cách hành chính, uy tín, chuyên nghiệp và cầu thị.

Phải mạnh tay với gian lận xuất xứ

Một điểm đáng lưu ý theo các chuyên gia, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng cao nhất về số dự án đăng ký mới trong 11 tháng vừa qua dù chỉ đứng thứ 2 về vốn. Điều này cho thấy các dự án thâm dụng vốn và các dự án quy mô nhỏ đang tăng mạnh. Cụ thể, sau 11 tháng, Singapore nổi bật là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN với tổng vốn đăng ký đạt 9,14 tỉ USD, chiếm hơn 29% tổng vốn FDI của VN và tăng gần 54% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn này đến từ sự kết hợp giữa đầu tư mới và vốn bổ sung cho các dự án đang hoạt động. Trong khi đó, Trung Quốc dù đứng thứ ba về vốn đăng ký, nhưng có số lượng dự án mới được cấp phép cao nhất, chiếm 28,3% tổng số. Ngoài ra, Hồng Kông cũng đang gia tăng đầu tư vào VN, song song với Trung Quốc đại lục.

Cảnh giác với vốn đầu tư 'lẩn tránh xuất xứ'- Ảnh 2.

Mặt hàng pin năng lượng mặt trời xuất đi từ VN đang bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp

Ảnh: GIA HÂN

Các nhà phân tích nhìn nhận điều này phản ánh chiến lược tận dụng lợi thế địa lý gần, chi phí lao động cạnh tranh và sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc tại thị trường VN ngày càng gia tăng. Tuy vậy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khởi động trở lại, việc cẩn trọng với dòng vốn này là hết sức cần thiết. PGS-TS Nguyễn Thường Lạng lưu ý dòng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư nằm trong nhóm ngành hàng có nguy cơ lợi dụng lẩn tránh xuất xứ phải thường xuyên được kiểm tra, giám sát hậu cấp phép. Khi phát hiện thì phải có biện pháp xử lý nghiêm, mạnh tay và thậm chí nói không với các dự án kiểu này.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng hội nhập càng sâu thì áp lực bị kiện phòng vệ thương mại càng lớn. Xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng. "Không chờ đến khi dòng vốn FDI từ Trung Quốc tăng chúng ta mới cảnh báo về gian lận xuất xứ. Việc này đã được thực hiện từ những năm 2018 - 2019. Theo tôi, chúng ta phải mạnh tay với gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm lợi dụng VN làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba", ông Thành lưu ý.

Không phủ nhận dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào VN mấy năm trở lại đây chất lượng hơn, nhiều dự án công nghệ cao hơn nhưng trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rõ ràng hơn, khả năng một số doanh nghiệp xuất khẩu chọn VN làm nơi để thực hiện công đoạn cuối nhằm lẩn tránh thuế là rất lớn. Thế nên, theo TS Võ Trí Thành, trong thu hút FDI có 2 vấn đề cần tính toán. Thứ nhất, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn về môi trường, không thân thiện với môi trường… thì phải chặn ngay từ đầu. Vấn đề này cần lưu ý đến các địa phương đang nỗ lực cạnh tranh thu hút FDI. Thứ 2 là các dự án nhỏ, vốn đầu tư không lớn chủ yếu để nhập khẩu, thực hiện các công đoạn đơn giản cuối để xuất khẩu. Đó là các dự án nhằm lẩn tránh xuất xứ và cần phải lọc kỹ.

"Chúng ra rất cần nhà đầu tư nước ngoài, vốn FDI chất lượng rất quan trọng cho phát triển kinh tế nước nhà nên không có sự phân biệt ở đây. Vì thế, muốn thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng, hạn chế tối đa bị lợi dụng lẩn tránh xuất xứ, cần xây dựng tiêu chí để chọn lọc FDI. Cần giám sát đầu tư, bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, nhưng phải hết sức chặt chẽ. Việc phân cấp, phân quyền trong quản lý phải minh bạch", ông Thành cảnh báo. 

Hội nhập càng sâu, nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại càng lớn. Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến VN trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại chung với một số nước khác như Trung Quốc, Indonesia… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất xuất khẩu mặt hàng đó của các doanh nghiệp Việt. Đáng nói, các mức thuế cao đánh vào các sản phẩm từ VN ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp và thường kéo dài trong nhiều năm, khiến nhiều doanh nghiệp không cạnh tranh nổi, phải từ bỏ thị trường đang "ăn nên làm ra", rất đáng tiếc. Thế nên, để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp VN, rất cần sự nỗ lực tối đa của cơ quan nhà nước và sự chủ động tích cực của doanh nghiệp.

TS Võ Trí Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.