Canh giữ Tây Nam: Điểm tựa yêu thương

04/04/2020 07:00 GMT+7

Nắng như đổ lửa, bụi đất mù mịt cùng khói rơm rạ đen cháy, thế nhưng ở nơi khô cằn này, vẫn gặp những câu chuyện yêu thương về người lính...

Vừa chống dịch vừa ôn thi

Binh nhất Nguyễn Trần Vũ Luân (20 tuổi) là chiến sĩ Đồn biên phòng (ĐBP) Bình Hiệp đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 tại chốt Bến Trâu (xã Bình Hiệp, H.Kiến Tường, Long An). Chốt Bến Trâu nằm ven bờ sông Rồ, bên này khấp khểnh những căn nhà tôn - lá của người dân ấp Tầm Đuôn, bên kia lô nhô mái cong của sòng bài casino nằm kề cửa khẩu Prey Voa (xã Thmei, H.Kampong Rou, Svay Rieng) Campuchia. Mùa mưa, sông Rồ đầy ứ nước nhưng nay mùa khô nước cạn, lục bình nằm héo queo chất đống, trở thành đường đi cho những ai muốn vượt qua biên giới.
Tổ có 4 người, Luân ít tuổi nhất nên đảm đương mọi công việc từ rửa bát quét nhà, mua bán nấu nướng cho đến việc tuần tra canh gác địa bàn. Luôn tay luôn chân vậy, nhưng hễ rảnh rỗi là cậu kê sách vở lên ba lô đầu giường ngồi học bài. Trưa nắng ngồi dưới bụi tre trực gác, cũng tranh thủ rút cuốn sách ra đọc.

Chị Nguyễn Ngọc Khánh mang khẩu trang tự may tặng bộ đội biên phòng trên các chốt biên giới

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Hỏi ra mới biết: Luân (20 tuổi, quê ở xã Bắc Hòa, H.Tân Thạnh, Long An). Tốt nghiệp THPT năm 2018 và thi Đại học Nguyễn Huệ (Sĩ quan Lục ­­­­­quân 2) nhưng thiếu điểm. Chưa đạt được ước mơ phục vụ quân đội lâu dài, tháng 7.2019 cậu xung phong đi nghĩa vụ quân sự, vào Bộ đội biên phòng (BĐBP) Long An và sau khi huấn luyện tân binh, chuyển về ĐBP Bình Hiệp công tác. Trong ba lô của Luân luôn có bộ sách ôn thi khối C đại học và cuốn tập để ôn bài. “Năm nay em đăng ký thi Học viện Biên phòng”, Luân kể vậy và háo hức: “Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thùy Linh đang dạy ở Trường THPT Kiến Tường động viên nhiều lắm. Đang đợi cô gửi thêm mấy cuốn sách ôn tập, mà chốt tuốt trên này chống dịch, chẳng biết sách đã đến chưa”.

“Con thoi” biên giới

ĐBP Bình Thạnh nằm giữa cánh đồng mênh mông của xã Bình Thạnh (H.Mộc Hóa, Long An) xa xôi, khó khăn nhất tỉnh. Trung úy Thân Văn Quốc, Đội trưởng vũ trang kiêm luôn đội trưởng tham mưu tổng hợp của đồn, chạy như con thoi khắp địa bàn. Muốn gặp Quốc, chỉ tranh thủ lúc buổi sáng cậu ở chốt về đồn đánh răng rửa mặt và bữa cơm trưa, tối vội vàng. Quốc (26 tuổi, quê xã Sơn Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) tốt nghiệp chuyên ngành quản lý bảo vệ biên giới của Học viện Biên phòng năm 2017, được điều động vào thẳng BĐBP Long An làm nhiệm vụ tại ĐBP Long Khốt. Tháng 9.2018, cậu chuyển sang ĐBP Bình Thạnh làm đội trưởng vũ trang. Xã Bình Thạnh của H.Mộc Hóa vốn vùng sâu vùng xa, mốc biên giới cắm dày đặc, chỉ cách đường đi có khi 10 m, nên việc tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới dồn hết xuống đội vũ trang, rất nặng nề.

Bộ đội Đồn biên phòng Bình Thạnh (Long An) canh gác phòng chống dịch đêm khuya tại chốt số 1

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Từ đầu tháng 2.2020, khi dịch bệnh xuất hiện, đội vũ trang đã phải liên tục tuần tra kiểm soát người và phương tiện qua biên giới. Giữa tháng 3.2020, khi cấp trên ra chỉ lệnh lập chốt, Quốc vừa làm đội trưởng vũ trang kiêm đội trưởng tham mưu tổng hợp và trực tiếp là chốt trưởng chốt số 1 cạnh mốc 198. Gọi là chốt, nhưng đó là cái chòi canh rơm mượn của một người dân trong ấp Tân Hiệp, chỉ đủ cho 3 người nằm ban đêm nên 1 người phải nằm ngoài võng. Tắm giặt, ăn uống phải thay nhau chạy xe về đồn cách đó 5 km. Nước uống, cũng chở bằng xe cút kít từng bình nước đun sôi để nguội từ đồn ra, dùng trong ngày. Giấc ngủ của Quốc và anh em cán bộ chiến sĩ, gần 1 tháng nay chỉ trên võng và trên tấm tre đan trên chốt.
“Chiến sĩ nằm ngoài chốt thì mình cũng phải ở cùng. Các chỉ huy đội đều ra chốt 24/24. Có thế mới nói được anh em”, Quốc cười hiền và trầm giọng: “So với các bạn em học cùng lớp đang cắm chốt trên Điện Biên, Lai Châu thì địa bàn mình thuận lợi rất nhiều. Không bao giờ được so bì, đơn giản vì tụi em cùng là bộ đội”.

May khẩu trang tặng bộ đội

Đến các chốt phòng chống dịch của ĐBP Bình Thạnh, tôi thấy cán bộ chiến sĩ mang những chiếc khẩu trang màu trắng mới cứng, đường may liền khéo léo. Hỏi ra mới biết đó là “khẩu trang của chị Khánh”. Nguyễn Ngọc Khánh là Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thạnh (H.Mộc Hóa, Long An), vốn được nhiều người biết đến trong việc triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo cho hội viên phát triển kinh tế như đan lục bình, gia công túi xách, vay vốn nuôi bò...

Trung úy Thân Văn Quốc (Đồn biên phòng Bình Thạnh, Long An) kiểm tra cột mốc 199

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Giữa tháng 3.2020, khi ĐBP Bình Thạnh huy động lực lượng ra trực 24/24 trên các chốt dọc biên giới làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, chị Nguyễn Ngọc Khánh và chị Hương Thị Hoa Liên (Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh) đến từng chốt thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ. Thấy bộ đội thiếu khẩu trang, chị Khánh về nhà mua vải kháng khuẩn, tự cắt và dùng máy may gia đình, tranh thủ buổi tối mỗi ngày để may khẩu trang, cùng chị Liên chạy xe máy dọc biên giới, trao tận tay từng cán bộ chiến sĩ.
“Em đã tặng 160 chiếc khẩu trang cho bộ đội, 500 chiếc cho bà con trong xã và vẫn đang may tiếp”, chị Khánh cho biết vậy và nói: “Cũng đang vận động một số chị em cùng may khẩu trang và huy động thực phẩm tặng bộ đội các chốt. Mùa này nắng nóng, mình trong nhà bật quạt mà còn chịu không nổi, nữa là các anh em bộ đội đứng chang chang ngoài nắng suốt ngày đêm, mấy tháng qua”...
Chị Nguyễn Thị Anh làm Giám đốc Công ty TNHH MTV may cờ Hải Yến (trụ sở tại 68H/H2, tổ 15, KP.4, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) chuyên may, in cờ các loại, quảng cáo và tổ chức sự kiện. Những năm qua, công ty gửi hàng ngàn lá cờ Tổ quốc ra tặng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, đảo Lý Sơn... Vừa qua, khi biết khó khăn vất vả của BĐBP tuyến Tây Nam làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Anh thông qua Báo Thanh Niên, nhờ gửi tặng 1.700 chiếc khẩu trang vải tặng BĐBP toàn tuyến và 200 lá cờ Tổ quốc tặng các chốt biên phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.