Cảnh sát Indonesia được yêu cầu rút giấy phép các giải quốc nội vì thảm kịch

03/10/2022 16:00 GMT+7

Cảnh sát Indonesia được đề nghị tước giấy phép giải hàng đầu Indonesia (Liga 1) sau thảm kịch thương tâm xảy ra sau trận giữa Arema FC gặp Persebaya Surabaya tại sân Kanjuruhan, Malang, Đông Java.

Sự cố bạo loạn tại sân Kanjuruhan hôm 1.10 khiến 448 người thương vong, trong đó có 125 người thiệt mạng. Thảm kịch kinh hoàng này đã làm hoen ố hình ảnh bóng đá Indonesia một lần nữa, và bi kịch Kanjuruhan đứng thứ 2 trong danh sách “trận cầu đẫm máu” nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Thảm kịch bóng đá Indonesia gây sốc trong dư luận

CHỤP MÀN HÌNH

Vụ việc này cũng tạo ra những lời yêu cầu ngừng tổ chức giải Liga 1. Tổng thư ký của cơ quan giám sát cảnh sát Indonesia (IPW), Data Wardhana, cho biết họ đã thúc giục người đứng đầu cảnh sát quốc gia Listyo Sigit Prabowo thu hồi giấy phép hoạt động tạm thời của tất cả các giải đấu thuộc PSSI. "Việc thu hồi nhằm đánh giá cho việc duy trì an ninh và trật tự công cộng. Ngoài ra, phân tích hệ thống an ninh do cảnh sát thực hiện trong việc kiểm soát bạo loạn trong bóng đá", thông cáo của IPW phát hành ngày 2.10.

IPW cũng nhận định rằng sự hỗn loạn trong bi kịch Kanjuruhan bắt nguồn từ sự thất vọng của những người hâm mộ chủ nhà Arema FC sau thất bại 2-3 trước Persebaya. Các CĐV sau trận đã tràn xuống sân mà an ninh không kiểm soát được.

"Thực tế, cảnh sát, những người không nhiều với số lượng khán giả, đã bắn hơi cay một cách thiếu hợp lý, khiến hàng nghìn khán giả hoảng sợ", thông báo viết tiếp.

Nhiều xe cảnh sát bị đập phá

ANTARA

Trong tuyên bố của mình, IPW cũng yêu cầu Tổng Thanh tra Cảnh sát Đông Java Nico Afinta hình sự hóa đối với trách nhiệm của ban tổ chức trận đấu. IPW muốn thảm kịch bóng đá quốc gia lần này phải được điều tra kỹ lưỡng. "Đừng để lọt tội trong các vụ CĐV Indonesia gặp nạn giống như vụ mất mạng của 2 người tại sân vận động Gelora Bandung Lautan Api hồi tháng 6 năm ngoái", theo IPW.

Theo báo giới địa phương, nạn nhân hầu hết là CĐV của Arema FC, những người đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng phần lớn không thể qua khỏi. Điều này là do tình trạng của nạn nhân đã trở nên tồi tệ hơn sau cuộc bạo loạn xảy ra.

Các nạn nhân của thảm kịch tại sân Kanjuruhan chết trong bệnh viện hầu hết đều ngạt thở và bị những người hâm mộ khác giẫm đạp lên người do hoảng sợ trước những phát đạn hơi cay của cảnh sát.

Trên thực tế, việc sử dụng hơi cay trong các sân bóng đá theo quy định của FIFA đều bị cấm. Điều này được nêu trong Quy định an ninh và an toàn sân vận động của FIFA liên quan đến việc kiểm soát đám đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.