Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM

12/11/2023 10:29 GMT+7

Khác với cảnh tấp nập, nhộn nhịp người trẻ đến phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Q.10) để tham quan, ăn uống, những người buôn bán đồ ăn, thức uống ở phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Q.3) vẫn mòn mỏi đợi khách dù phố đã lên đèn.

Đông đúc khách đến ăn uống

Theo ghi nhận của chúng tôi vào tối 11.11, phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ đông đúc bạn trẻ ra vào. Trên đoạn đường này, hàng quán bày biện nhiều món ăn đa dạng để thu hút khách hàng như: trà sữa, há cảo, bánh khọt, xiên nướng, bánh tráng trộn, chè bưởi, phá lấu, cá viên chiên… Nơi đây không chỉ là phố ẩm thực mà còn được xem là chợ hoa lớn nhất tại TP.HCM.

Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh 1.

Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ thu hút đông đảo khách để tham quan, ăn uống vào tối 11.11

PHÚC KHA

Chị Hồng Cúc, chủ quầy bán bánh tráng và xiên nướng, cho biết từ 19 giờ hàng ngày, phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ chật ních người, xe được gửi kín các bãi giữ xe ở trước đường vào phố ẩm thực. Những ngày cuối tuần, hàng quán tại đây thu hút rất đông người.

“Việc buôn bán rất thuận lợi. Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 50 bịch bánh tráng trộn, khoảng 40 cái bánh tráng nướng, khoảng 50 xiên nướng các loại. Tôi nghĩ điều thu hút nhiều bạn trẻ đến phố ẩm thực là do đồ ăn, thức uống có giá cả phải chăng, phù hợp với khẩu vị của họ”.

Quán nem chua rán phố cổ hot nhất chợ Hồ Thị Kỷ, bán 2.000 chiếc mỗi ngày

Trần Thanh Bình An, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết mỗi tháng An cùng nhóm bạn đến phố ẩm thực này từ 2 - 3 lần. So với những nơi ăn uống khác, An cảm nhận nơi này bán đa dạng đồ ăn, khách đến một lần nhưng ăn được nhiều món.

“Thức ăn có giá cả phù hợp với túi tiền sinh viên. Khách tới đây đông nhưng nhân viên phục vụ khá nhanh”, Bình An chia sẻ.

Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh 2.

Tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, các hàng quán trang bị nhiều bàn ghế để khách hàng thuận tiện ăn uống

PHÚC KHA

Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh 3.

Bạn trẻ đi mua đồ ăn tại phố ẩm thực

PHÚC KHA

Nguyên nhân vắng khách ở phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền

Trái ngược với cảnh tấp nập của phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Q.3, TP.HCM) lại vắng khách.

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền nối giữa tuyến đường lớn Nguyễn Đình Chiểu - Điện Biên Phủ cũng không nhiều khách đến tham quan, ăn uống.

Hơn 19 giờ con phố này có lác đác khách đến tản bộ, thưởng thức sinh tố, tré trộn, bánh tráng… Vài cửa hàng ăn uống bày biện bàn ghế để mời chào khách hàng, một số quán vẫn xếp chồng ghế để yên ắng trong nhà.

Không gian phố ẩm thực ảm đạm. Người mua thưa thớt khiến người bán vô cùng ngán ngẩm. Các gian hàng vắng khách. Cả buổi tối, chủ quán, nhân viên ngồi tán gẫu hoặc bấm điện thoại.

Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh 4.

Dù là giờ cao điểm nhưng hàng quán ở phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền rất ít khách

PHÚC KHA

Đứng trước quán trà sữa của mình để mời gọi khách, anh Nguyễn Trọng Vinh cho biết quán chỉ đắt khách vào ngày cuối tuần, còn lại thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm.

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền đìu hiu, chủ quán ngồi bấm điện thoại vì vắng khách

“Quán chỉ bán được vào tối ngày cuối tuần, chứ các ngày khác vắng lắm, hôm nào mưa thì xác định ế. Để có thể kiếm thêm thu nhập tôi bán thêm đồ ăn vặt, nhưng vẫn không ăn thua, thiếu tiền trả cho nhân viên. Do vậy, tôi đã cho 2 nhân viên nghỉ việc, hiện giờ chỉ tôi bán thôi. Những cửa hàng xung quanh cũng chung cảnh đìu hiu và vắng khách”, anh Vinh than thở.

Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh 5.

Lượng xe di chuyển đông đúc khiến nhiều người trẻ ái ngại khi đi đến phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền

PHÚC KHA

Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh 6.

Khách hàng chủ yếu mua mang về

PHÚC KHA

Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh 7.

PHÚC KHA

Cảnh trái ngược của 2 phố ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh 8.

Nhân viên cửa hàng tại đây ngồi bấm điện thoại vì vắng khách

PHÚC KHA

Chị Ngọc Vui (25 tuổi), nhân viên cửa hàng bán sinh tố, cho biết: “Trên tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền được vẽ 2 vạch màu xanh là vạch giới hạn, chủ quán có thể kê bàn ghế phục vụ họ ngồi ăn tại chỗ bên trong vạch. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ không dám ngồi trong những khu vực giới hạn này. Xe máy di chuyển thường lấn vào vạch, họ nhìn thấy cũng e ngại. Có hôm từ lúc dọn ra đến khi xếp vào khoảng 23 giờ, nhưng quán chỉ bán được vài chục ngàn đồng”.

“Mình vẫn hay ghé qua phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền để mua sinh tố, trà sữa và đồ ăn vặt. Tuy nhiên, mình lựa chọn mua mang về thay vì ngồi lại bởi một số cửa hàng không đủ chỗ ngồi thoải mái, có quán thì bãi gửi xe không có người trông, thậm chí có nơi không có chỗ gửi”, Phan Anh Duy, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.