Trong tuần qua, Công ty giáo dục Anh QS công bố bảng xếp hạng 200 ĐH hàng đầu thế giới về bộ môn, chuyên ngành. Bảng xếp hạng năm nay xét 30 bộ môn, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực: nghệ thuật và nhân văn; công nghệ và kỹ thuật; y khoa và khoa học sự sống; khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Có tổng cộng 2.858 ĐH được xem xét và có 678 trường lọt vào nhóm 200 ĐH dẫn đầu về chuyên môn. Kết quả bình chọn này được dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có phản hồi từ 70.000 chuyên gia giáo dục và các nhà tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trên toàn cầu.
Cambridge là ĐH đẳng cấp nhất thế giới
|
Bảng xếp hạng cho thấy vị trí số 1 trong các chuyên môn thuộc về các viện, ĐH lớn của Mỹ và Anh. Theo đó, ĐH Harvard đứng đầu 10 bộ môn, chuyên ngành: y khoa, khoa học sinh học, tâm lý học, dược và dược lý, khoa học biển và trái đất, nghiên cứu quốc tế và chính trị, luật, kinh tế học và kinh tế lượng, tài chính - kế toán và những ngành nghề giáo dục. Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) chiếm vị trí số 1 cho 7 môn: hệ thống thông tin và khoa học máy tính; kỹ thuật điện và điện tử; kỹ sư hóa; kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo; thiên văn học - vật lý; hóa học, khoa học vật liệu. ĐH California - Berkeley (UC Berkeley) đứng đầu 4 bộ môn, chuyên ngành: khoa học môi trường, khoa học biển và trái đất, xã hội học, nghiên cứu truyền thông. ĐH Oxford đứng đầu ở 4 bộ môn, chuyên ngành: các ngôn ngữ hiện đại, triết học, địa lý, văn chương và ngôn ngữ Anh. ĐH Cambridge đứng đầu 3 bộ môn, chuyên ngành: toán học, lịch sử và ngôn ngữ học. Kế đến là Trường Imperial College London dẫn đầu về kỹ thuật cấu trúc và dân sự, còn ĐH California - Davis (UC Davis) dẫn đầu về nông lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trường lọt vào 10 vị trí đầu cho nhiều bộ môn, chuyên ngành nhất là ĐH Cambridge (27 bộ môn, chuyên ngành), kế đến là ĐH Oxford và UC Berkeley (đều 23), ĐH Stanford (22) và ĐH Harvard (21). Từ đó, QS nhận định ĐH Cambridge có thể là ĐH đẳng cấp thế giới trong hầu hết mỗi lĩnh vực nghiên cứu lớn. Bên cạnh đó, dù các ĐH Mỹ vẫn nổi bật về nghiên cứu, bảng xếp hạng cho thấy những người tốt nghiệp từ 2 ĐH hàng đầu của Anh được các chủ lao động trên thế giới đánh giá cao hơn so với các đối thủ. Những người sử dụng lao động đánh giá Cambridge là trường tốt nhất thế giới về 13 trong số 30 bộ môn, chuyên ngành được xem xét xếp hạng. Còn Oxford ngang với Harvard (7 bộ môn, chuyên ngành), trong khi trường Kinh tế London, ĐH Tokyo và UC Davis đều được đánh giá đứng đầu một bộ môn hoặc chuyên ngành.
Châu Á nổi trội về kỹ thuật
Bảng xếp hạng đã cho thấy nhiều thành tựu đáng chú ý của các ĐH ở châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Theo đó, 9 trường trong tốp 20 ĐH đứng đầu về kỹ thuật dân sự đến từ các nước châu Á. ĐH Tokyo dẫn đầu (vị trí thứ 3), tiếp theo lần lượt ĐH Kyoto (thứ 7), ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore (thứ 8), ĐH Quốc gia Singapore (thứ 11) cùng 3 ĐH ở Hồng Kông và 2 trường ở Trung Quốc. Mỹ và Anh chỉ chiếm 5 vị trí trong tốp 20 ở lĩnh vực này. Bước thay đổi này đang được chứng minh bởi sự phát triển nhanh chóng của nhiều ĐH trẻ ở châu Á vốn tập trung vào công nghệ. Cụ thể, ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông và ĐH Công nghệ Nanyang tồn tại chỉ hơn 20 năm nhưng đã lọt vào tốp 20 toàn cầu về các bộ môn kỹ thuật.
Ngoài Singapore, khu vực Đông Nam Á còn có Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có trường lọt vào bảng xếp hạng nói trên. Cụ thể, Thái Lan có 7 ĐH với 12 bộ môn, chuyên ngành lọt vào bảng xếp hạng, trong đó ĐH Kasetsart được xếp thứ 33 về nông lâm nghiệp. Còn Malaysia có 6 trường với 17 bộ môn, chuyên ngành, ĐH Sains Malaysia đứng thứ 38 về kỹ sư hóa. Philippines có 3 và Indonesia có 1 trường lọt vào bảng xếp hạng.
Thông tin chi tiết về bảng xếp hạng 200 ĐH dẫn đầu về bộ môn, chuyên ngành được đăng tại http://www.topuniversities.com/subject-rankings.
Minh Trung
>> Việt Nam vắng bóng trong 100 ĐH hàng đầu châu Á
>> Xếp hạng 400 đại học hàng đầu thế giới 2012 - 2013
>> Đại học Việt Nam, các chương trình liên kết Quốc tế, du học
>> ĐH Harvard đình chỉ học tập 60 sinh viên
>> Không có chuyện ĐH Harvard xây trường ở Quảng Trị
>> Nghi vấn gian lận lớn nhất tại ĐH Harvard
>> Sinh viên Trường ĐH Harvard thực tập tại VN
>> Sinh viên nghèo cũng có thể học ở ĐH Harvard
Bình luận (0)