Chỉ định thầu bừa bãi, tạm ứng sai hơn 20 tỉ đồng
Bị cáo Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí - PVTex, xuất hiện với mái tóc bạc trắng, khiến các PV theo dõi phiên tòa phải mất một lúc định hình mới có thể nhận ra.
Tại thủ tục kiểm tra căn cước những người tham gia phiên tòa, chủ tọa phiên tòa cũng đã thông báo việc bị cáo Hiếu đã bị Đảng ủy huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) xóa tên khỏi danh sách đảng viên.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, PVTex được thành lập trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đầu tư ngày 15.5.2007 về việc xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trụ sở tại khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng.
Xuất phát từ nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên khi nhà máy đi vào hoạt động, ngày 12.8.2009, Trần Trung Chí Hiếu đã ký nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, với tổng mức đầu tư hơn 318,6 tỉ đồng (giai đoạn 1 hơn 101,7 tỉ đồng và giai đoạn 2 hơn 216,8 tỉ đồng). Nguồn vốn thực hiện giai đoạn 1 là vốn vay của PVN và vốn chủ sở hữu của PVTex.
|
Cáo trạng kết luận, quá trình thực hiện dự án, các bị can đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, dẫn đến dự án dở dang, xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí vốn đầu tư, thiệt hại tài sản nhà nước.
Dự án được PVTex chỉ định cho Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) thi công, sau đó PVC giao cho công ty con là Công ty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) thực hiện.
PVC.KBC sau đó liên danh với Công ty CP thiết kế quốc tế HEERIM.PVC để thực hiện dự án này.
Tại thời điểm trở thành nhà thầu, cả 2 công ty đều mới được thành lập, không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về số năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế và thi công xây lắp công trình xây dựng (tối thiểu 5 năm); không đáp ứng được yêu cầu có ít nhất 1 hợp đồng tương tự về quy mô, giá trị; không đáp ứng được yêu cầu về quy mô, lợi nhuận trung bình trong 3 năm gần đây.
Tuy nhiên, tháng 12.2010, Vũ Đình Duy, Tổng giám đốc PVTex, vẫn ký văn bản đánh giá liên danh 2 doanh nghiệp trên đủ điều kiện trúng thầu.
Không chỉ chỉ định thầu sai quy định, các bị cáo cũng đã có hành vi cố ý làm trái trong việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái mục đích số tiền 20 tỉ đồng.
Sau khi nhận số tiền này, Đỗ Văn Hồng (Tổng giám đốc PVC.KBC) đã không sử dụng để hoàn thiện dự án mà dừng hẳn thi công từ tháng 3.2012, để công trình dở dang, xuống cấp nghiêm trọng.
Tại thời điểm 2 bên thanh lý hợp đồng, khối lượng công việc mà PVC.KBC hoàn thành chỉ có 71,4 tỉ đồng, nhưng PVTex đã thanh toán, tạm ứng cho PVC.KBC tới hơn 92 tỉ.
Sau nhiều lần Đỗ Văn Hồng cam kết sẽ hoàn trả tạm ứng bằng việc tiếp tục thực hiện dự án nhưng không thực hiện, tháng 1.2014, PVTex đơn phương chấm dứt hợp đồng và đến năm 2015 mới được PVC.KBC hoàn trả 1,5 tỉ đồng, còn hơn 19 tỉ đồng Đỗ Văn Hồng cho biết không còn khả năng hoàn trả.
Thiệt hại về vật chất do hành vi này là hơn 19,46 tỉ đồng.
Nhận hối lộ, lập công ty “sân sau”
Về hành vi nhận hối lộ của Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy khi liên kết thành lập PVTex Kinh Bắc, cơ quan điều tra cho biết, quá trình điều tra vụ án, Đỗ Văn Hồng đã chủ động khai báo về việc năm 2010, Hồng đã phải chi cho Duy và Hiếu mỗi người 3 tỉ đồng thông qua việc góp vốn thành lập PVTex Kinh Bắc.
Khoảng năm 2010, Vũ Đình Duy và Đỗ Văn Hồng trao đổi về việc liên kết thành lập PVTex Kinh Bắc nhằm sản xuất ống cuốn sợi, thùng carton để bán cho PVTex. PVTex sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra, đồng thời tạo điều kiện cho PVTex Kinh Bắc ưu tiên mua sản phẩm của PVTex.
Duy, Hồng thống nhất vốn điều lệ của PVTex Kinh Bắc là 30 tỉ đồng, trong đó, Hồng được góp 70% (21 tỉ đồng) và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, PVTex góp 10%, 20% còn lại là của Duy và Hiếu, nhưng Đỗ Văn Hồng phải chi tiền nộp cho cả 2 người này với lý do để Hiếu đồng ý thành lập và “tạo điều kiện cho việc kinh doanh của PVTex Kinh Bắc được thuận lợi”.
Sau đó, Vũ Đình Duy nhờ em dâu là Đỗ Thị Thùy Linh; Trần Trung Chí Hiếu nhờ em rể là Trần Cường, đứng tên hộ số cổ phần. 6 tỉ đồng vốn góp của 2 người này được vợ Đỗ Văn Hồng mang đến nộp, ký tên Linh và Cường.
|
Tháng 5.2011, Hiếu và Duy đã để PVTex mua lại số cổ phần này và một số cổ phần khác để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, chiếm dụng, hưởng lợi số tiền 6 tỉ đồng có được từ chuyển nhượng.
Cơ quan điều tra khẳng định có căn cứ để xác định Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự ảnh hưởng của mình buộc Đỗ Văn Hồng phải chi cho mỗi người 3 tỉ đồng để tham gia góp vốn.
Ngoài ra, Đỗ Văn Hồng còn khai báo trong quá trình hợp tác, quan hệ với Vũ Đình Duy, Hồng đã phải chi phí cho Duy hơn 8,8 tỉ đồng để sửa nhà, góp cổ phần cho Duy tại PVC.KBC, nhưng do Duy bỏ trốn nên chưa làm rõ được nội dung này.
Với các hành vi trên, Trần Trung Chí Hiếu được kết luận đã vi phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và tội nhận hối lộ.
Bị can Đỗ Văn Hồng đã phạm vào tội Cố ý làm trái và có dấu hiệu phạm tội “đưa hối lộ”, nhưng do Đỗ Văn Hồng “bị ép buộc và đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác”, nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự với Hồng về hành vi này.
Đỗ Văn Hồng cũng không bị xử lý hình sự về việc sai phạm trong đề xuất tạm ứng, sử dụng sai số tiền 25 tỉ để mua bán, chuyển nhượng lô đất 3.400 m² Tam Đảo cho gia đình Trịnh Xuân Thanh, vì Hồng vẫn hoàn thiện các hạng mục đã ký theo hợp đồng (dù đã dùng tiền tạm ứng vào việc mua đất).
Ngoài ra, các bị cáo khác bao gồm Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTex, phạm tội Cố ý làm trái vì đã tham mưu, đề xuất, giải quyết việc tạm ứng 20 tỉ cho PVC.KBC.
Bị cáo Vũ Phương Nam, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính - kế toán PVTex, cũng phạm vào tội Cố ý làm trái vì đã thực hiện các thủ tục tạm ứng 20 tỉ cho PVC.KBC.
Vũ Đình Duy phạm vào tội Cố ý làm trái và Nhận hối lộ số tiền 3 tỉ đồng, bị tố cáo nhận của Đỗ Văn Hồng hơn 8,8 tỉ đồng.
Sau khi Vũ Đình Duy bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra 2 quyết định truy nã vào ngày 26.6.2017 và 31.5.2018.
Do thời hạn điều tra đã hết vẫn chưa bắt được Duy, nên ngày 11.6.2018, cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án hình sự và tạm đình chỉ điều tra, sau khi bắt được Duy sẽ tiếp tục điều tra xử lý.
Bình luận (0)