Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên. Cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu mệt, nặng ngực kèm khó thở tăng dần, không điều trị; đến ngày thứ 3 thì mệt nhiều hơn, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Qua thăm khám lâm sàng, hội chẩn bác sĩ Nội tim mạch, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tăng huyết áp, theo dõi hội chứng mạch vành cấp và cho nhập lên khoa Nội tim mạch điều trị.
Trong quá trình theo dõi, ghi nhận người bệnh mệt và nặng ngực nhiều hơn. Người bệnh được chỉ định chụp CT ngực kiểm tra và mời hội chẩn liên khoa, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị suy tim, huyết khối thuyên tắc phổi, huyết khối động mạch thân cánh tay đầu,... có chỉ định sử dụng thuốc kháng đông.
Sau 4 giờ sử dụng thuốc kháng đông, bệnh nhân đột ngột nói đớ, mất ngôn ngữ, rối loạn nhận thức, yếu nửa người bên phải, sức cơ bên phải 2/5. Tiến hành mời hội chẩn khẩn Đơn vị Đột quỵ, bác sĩ cho chỉ định chụp MRI não, kết quả bệnh nhân bị nhồi máu não cấp bán cầu não trái giờ thứ nhất và có chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) khẩn nội viện.
Ngay sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên Đơn vị Đột quỵ và tiến hành sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA).
Ngày 6.8, bác sĩ chuyên khoa 1 Lữ Hữu Tuấn, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Hệ thống Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết sau 1 giờ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân có hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn, nói nghe rõ hơn, tình trạng yếu nửa người bên phải có cải thiện sức cơ từ 2/5 sang 4/5. Hiện tại, sau hơn 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo người đang mắc bệnh lý tăng huyết áp cần điều trị, kiểm soát tốt huyết áp để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và nếu có những dấu hiệu của đột quỵ thì đến ngay bệnh viện gần nhất có thuốc tiêu sợi huyết, có phương tiện cấp cứu để được điều trị kịp thời, tăng khả năng trở lại với cuộc sống bình thường sau đột quỵ.
Bình luận (0)