Cao nhưng không khỏe

01/01/2014 03:10 GMT+7

Cách đây hơn 20 năm, học sinh THPT chúng tôi thường xuyên phải đi lao động công ích với hình thức đào mương, kênh ở quy mô nhỏ, hoặc nhẹ hơn là phạt cỏ và làm sạch vườn trường. Hồi đó, học sinh “khủng” nhất trường cũng chỉ nặng 50 kg, còn cao khoảng 1,65 - 1,67 m, thuộc “hàng hiếm”.

Nhưng có những đợt về nông thôn chống lụt 2-3 ngày liền, vác đất, be bờ quần quật; đạp xe 20 km như một cuộc dạo chơi, cười đùa vui vẻ suốt dọc đường. Còn bây giờ, học sinh THPT, nhất là ở TP cao to hơn nhiều, nhưng có vẻ dọn xong mâm cơm cũng khó khăn... Dường như các em ăn nhiều hơn cả về lượng và chất so với học sinh cùng lứa thế hệ trước, nhưng lại không khỏe, không “bẻ gãy sừng trâu” dù đang ở lứa tuổi sung sức nhất ấy.

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 của Viện Dinh dưỡng, so với cách đây 35 năm, người Việt trưởng thành đã cao hơn 4 cm, khi chiều cao trung bình đạt 164,4 cm ở nam và 153,4 cm ở nữ. Với nhóm trẻ dưới 1 tuổi, chiều cao cũng đã tăng thêm 1,4 cm đối với bé trai và 1,8 cm đối với bé gái so với cách đây 10 năm. Mặc dù, chiều cao vẫn tăng chậm hơn so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản nhưng rõ ràng chiều cao của người Việt đã được cải thiện. Tuy nhiên, trong khi chiều cao tăng thì đáng lẽ sức khỏe phải tăng nhưng chiều cao và sức khỏe của người Việt lại đang tỷ lệ nghịch với nhau, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Cũng theo công bố này, cách đây 10 năm, protein chỉ chiếm 11% năng lượng thì nay đã tăng lên mức hơn 15%. Đặc biệt, lượng lipit đã tăng lên gấp đôi, khi trung bình một người mỗi năm ăn khoảng 30,2 kg thịt. Điều này cho thấy, người Việt ăn ngày càng nhiều chất đạm, hơn hẳn Hàn Quốc chỉ ăn khoảng 26,6 kg thịt. Trong khi đó, rau xanh, hoa quả mỗi người chỉ ăn 160 gr, chỉ bằng 50% so với khuyến cáo của ngành y tế. Mà không phải khi trưởng thành mà ngay từ khi lọt lòng, nhiều trẻ em VN đã được nuôi dưỡng mất cân bằng như vậy.

Một thông tin rất đáng suy ngẫm, đó là tuổi thọ của người VN tăng, thậm chí tăng nhanh (hiện đạt 73 tuổi), nhưng tuổi thọ khỏe mạnh bình quân lại thấp (64 tuổi).

Kết quả khảo sát cũng như thực tế các kỳ cọ xát thể thao khu vực đều cho thấy người Việt có sức bền vào loại kém, khó trụ vững trong các trận đấu thể thao đòi hỏi sức bền, kể cả đáp ứng cường độ công việc căng thẳng. Chiều cao không đồng đều giữa các vùng miền vẫn đang là vấn đề cần giải quyết nếu muốn nâng chiều cao trung bình của người Việt. Có lẽ cải thiện tầm vóc và sức bền cho người Việt không thể đợi lâu hơn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, kết hợp với thể dục thể thao là cách mà người Nhật đã từng thực hiện để cải thiện chiều cao, sức khỏe của công dân mình. Đây đương nhiên không thể trông chờ vào sự “hiểu biết” của mỗi gia đình mà phải là chiến lược quốc gia, từ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, đến bữa ăn học đường hay các chương trình giáo dục thể chất toàn diện.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.