Cao tốc Bắc - Nam chậm vì Bộ GTVT 'làm để thanh tra, kiểm toán còn vào'

29/10/2018 12:02 GMT+7

Lý giải về việc chậm giải ngân vốn cho cao tốc Bắc - Nam , Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua Bộ đã tiếp đến 112 đoàn thanh tra, kiểm toán các dự án BOT, nên dự án này Bộ “không được quyền sai sót”.

Sáng 29.10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã giải trình trước Quốc hội lý do chậm giải ngân các dự án đã được Quốc hội bố trí vốn, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành.
Chỉ có 10 phút để giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tập trung vào 2 dự án trọng điểm, với lý do nhiều ý kiến đại biểu yêu cầu làm rõ tiến độ và tình hình giải ngân các dự án này.
Về cao tốc Bắc - Nam, ông Thể khẳng định đây là 1 trong 2 dự án trọng điểm quốc gia và Bộ GTVT, các bộ, ngành, Chính phủ xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, rất tập trung cho dự án này để đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, do thời gian qua, Bộ GTVT tiếp “112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả Uỷ ban Kiểm tra T.Ư (kiểm tra, kiểm toán các dự án BOT - phóng viên), các đoàn đều yêu cầu thực hiện nghiêm các yêu cầu của pháp luật, nên dự án này chúng tôi thực hiện đúng trình tự, thủ tục; không được quyền sai sót bất cứ nội dung nào”, Bộ trưởng Thể lý giải.
Bộ trưởng điểm lại tiến độ của dự án này, cơ bản giống như báo cáo đã được gửi đến Quốc hội trước kỳ họp, nhưng kém chi tiết hơn (do không có thời gian).
Cụ thể, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc triển khai dự án vào tháng 11.2017, tháng 12 cùng năm, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan.  
Ngay sau đó, Bộ GTVT tiến hành đấu thầu tư vấn lập dự án, và bộ này mất khoảng 2 tháng để lựa chọn tư vấn phù hợp.
Cũng theo Bộ trưởng GTVT, vì giai đoạn từ nay đến 2020, cao tốc Bắc - Nam chia thành 11 dự án thành phần, nên tư vấn phải khảo sát, làm rất nhiều việc, như xây dựng báo cáo tác động môi trường, thống nhất khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng (dự án này phải được Chính phủ phê duyệt khung chính sách); thống nhất với các địa phương về quy mô tuyến,... nên mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là việc thống nhất với địa phương.
Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt được 5 dự án, 5 dự án khác đang trình Chính phủ phê duyệt. Như vậy, đến tháng 11 này, khoảng 10/11 dự án sẽ được phê duyệt.
Bộ trưởng Thể cũng cho biết còn 1 dự án chậm là cầu Mỹ Thuận 2, do dự án lớn, lập dự án rất lâu.
“Chúng tôi làm đúng để sau này thanh tra, kiểm toán còn vào”, Bộ trưởng Thể nói và cho biết đến tháng 9.2019 mới hoàn thành phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án và các dự án sẽ đồng loạt thi công vào 2020, 2021.
Về tiến độ giải ngân vốn, đến đầu 2019 này, Bộ GTVT sẽ bàn giao cho địa phương giải phóng mặt bằng, lúc đó sẽ giải ngân được 14.000 tỉ đồng. Còn 27.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cho các dự án BOT phải đợi đấu thầu dự án, xác định được nhà đầu tư mới giải ngân được, tức là sau tháng 9.2019.
Về giải ngân cho giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành khoản 23.000 tỉ đồng đã được Quốc hội bố trí, Bộ trưởng GTVT cho biết, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã được UBND tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư của dự án) làm chậm, nhưng sau khi chỉnh sửa và trình Chính phủ lần 2, hiện 25 thành viên của Hội đồng thẩm định Quốc gia đã thống nhất ý kiến, hồ sơ đã trình Chính phủ.
Dự kiến, Chính phủ sẽ phê duyệt trong thời gian sớm nhất, khoảng tháng 11 này, sau đó địa phương sẽ tiến hành kiểm đếm và sử dụng tiền đã bố trí để đền bù.
Ngoài 2 dự án chưa giải ngân được vốn nêu trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng trả lời kiến nghị của nhiều địa phương về các dự án không được bố trí vốn.
Theo đó, Bộ trưởng thừa nhận “ý kiến đại biểu Quốc hội là hết sức đúng và trúng, nhưng khả năng nguồn lực quốc gia có hạn” nên Bộ trưởng đã tiếp thu toàn bộ ý kiến đại biểu để tham mưu Chính phủ khắc phục một cách tốt nhất để thực hiện các dự án quan trọng, nhất là các dự án liên vùng, phát huy thế mạnh của các địa phương. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.