Cao tốc Bắc - Nam lại lo hụt tiến độ

07/09/2023 06:31 GMT+7

Cũng vướng những khó khăn, thách thức như giai đoạn 1, các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) đang chậm tiến độ so với yêu cầu.

Vừa làm vừa chờ đất, cát, mặt bằng

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các ban quản lý dự án (QLDA) làm chủ đầu tư những dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Văn bản chỉ đạo được ban hành sau khi 3 đoàn công tác của Thanh tra Bộ chủ trì thực hiện kiểm tra tại 6/12 dự án thành phần gồm các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Bùng - Vạn Ninh, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Vân Phong - Nha Trang, Hậu Giang - Cà Mau.

Cao tốc Bắc - Nam lại lo hụt tiến độ - Ảnh 1.

Một hầm chui trong dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Ngãi

PHẠM ANH

Bên cạnh ghi nhận những nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương, Thanh tra Bộ đánh giá tiến độ thi công, giải ngân các dự án còn chậm so với yêu cầu đề ra. Cụ thể, 12 dự án đồng loạt khởi công từ tháng 1 năm nay nhưng tới cuối tháng 8 vừa qua, tổng giá trị giải ngân mới đạt hơn 8.100 tỉ đồng, tương đương hơn 9% giá trị hợp đồng xây lắp. Con số thực hiện này chậm gần 1,4% giá trị so với kế hoạch.

Theo tính toán của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), tính đến cuối tháng 8.2023, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 giải ngân được gần 26.800 tỉ đồng, đạt 59% kế hoạch vốn được giao. Một số dự án có kết quả giải ngân chưa được như kế hoạch đăng ký như: đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (mới đạt 84%); đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (đạt 83%); đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đạt 84%); đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (đạt 85%).

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của các dự án là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa được như kỳ vọng. Theo báo cáo, đến nay các địa phương đã bàn giao được hơn 90% mặt bằng cho dự án, song năm 2023 mới giải ngân hơn 7.000 tỉ đồng, đạt 47% kế hoạch. Mặc dù các địa phương đang nỗ lực tăng tỷ lệ mặt bằng bàn giao, song việc tổ chức thi công cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa thể triển khai đồng loạt. Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang đang có sản lượng thi công xây lắp vượt kế hoạch đề ra, song đại diện Ban QLDA 7 cho biết hiện một số vị trí trọng yếu chưa thể thi công do mặt bằng còn "xôi đỗ". 

Điển hình là khu vực nút giao Cổ Mã trên địa bàn H.Vạn Ninh (Khánh Hòa) còn 13 hộ dân trong diện tái định cư chưa di dời do gặp vướng mắc trong công tác áp giá đền bù. Nút thắt này khiến 5 km đầu tuyến thuộc phạm vi thi công của nhà thầu Lizen chưa thi công được do không có đường vận chuyển vật liệu. Trên địa bàn H.Vạn Ninh tồn tại 400 m chiều dài tuyến trước 2 tịnh xá chưa giải phóng được, kéo tiến độ thi công cầu chậm khoảng 6 tháng so với kế hoạch. Tại gói thầu XL1 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình), theo biên bản bàn giao, diện tích mặt bằng đạt hơn 80%, còn khoảng 1,2 km nhưng thực tế mặt bằng bị chia làm 2 - 3 đoạn "xôi đỗ". Việc vận chuyển vật tư, vật liệu phải vòng ra đường Hồ Chí Minh, phát sinh đáng kể chi phí cho nhà thầu.

Cao tốc Bắc – Nam bị ảnh hưởng do nhà thầu thi công chậm

Bên cạnh đó, các yếu tố thời tiết không thuận lợi, tiến độ bàn giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cũng là lý do ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của dự án. Đơn cử như với dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh), kết quả giải ngân chưa đạt do phải chờ cấp phép mỏ vật liệu. 

Theo Ban QLDA Bãi Vọt - Hàm Nghi, đến ngày 14.7, thủ tục cấp 4 mỏ đất, 1 mỏ cát mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó còn loạt các thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đền bù GPMB khu vực khai thác mỏ vật liệu cho người dân, chủ thể liên quan. Hay như đoạn cao tốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thuộc tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định), nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã nhận hơn 90% mặt bằng "sạch", huy động 1.800 nhân công, 700 xe cơ giới, chia 2 - 3 ca/ngày, tiến hành 46 mũi thi công nhưng vẫn không thể thi công "hết tốc lực" vì chờ được phê duyệt khai thác mỏ đất đắp. Trong khi đó, ở phía miền Tây, đoạn Cần Thơ - Cà Mau cũng đã chậm tiến độ 3 tháng vì chờ hơn 90% lượng cát đủ đắp nền đáp ứng nhu cầu thi công.

Mạnh tay với nhà thầu chậm tiến độ

Ngoài các nguyên nhân khách quan, Thanh tra Bộ GTVT đánh giá một số dự án chậm tiến độ còn do nhà thầu xây lắp chậm triển khai thi công. Bên cạnh đó, nhân sự tham gia công tác QLDA trực tiếp tại hiện trường của các ban còn mỏng (trung bình 6 người) so với khối lượng công việc được giao...

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ các dự án, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý, chủ đầu tư trên cơ sở mặt bằng được bàn giao, nguồn cung vật liệu xây dựng… phải chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp rà soát, chuẩn xác lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết và có kế hoạch huy động triển khai cho phù hợp. Từ đó có căn cứ kiểm soát tiến độ, huy động thiết bị và nhân lực, tổ chức các mũi thi công để đáp ứng tiến độ hoàn thành chung của dự án theo yêu cầu đã đề ra. Cùng với đó, chủ động và linh hoạt tổ chức triển khai thi công trên công trường, không phụ thuộc vào mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng; huy động thiết bị thi công, nhân sự, đặc biệt các nhân sự làm nghiệm thu thanh toán đầy đủ theo yêu cầu của dự án.

Trong buổi trực tiếp kiểm tra công trường các dự án hồi cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đã quán triệt quan điểm tuyệt đối không để xảy ra việc dừng thi công dự án do thiếu mặt bằng hay vật liệu xây dựng thông thường. Các nhà thầu phải tổ chức thi công cuốn chiếu, có công địa đến đâu thi công đến đó. Các đoạn xong nền đường phải tổ chức thi công ngay các lớp móng, mặt đường. "Đối với các nhà thầu thi công chậm trễ, phải quyết liệt xử lý theo quy định của hợp đồng. Thậm chí, có thể xem xét cắt giảm khối lượng thi công ở các dự án khác để tập trung nguồn lực cho dự án", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.

Là một trong những nhà thầu đã tham gia xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam từ giai đoạn 1 tới giai đoạn 2, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả nhận định Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục muốn giữ không khí lao động khẩn trương, quyết liệt trên công trường các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 sắp về đích và nối tiếp sang giai đoạn 2. Đây là các công trình lớn, khối lượng thi công lớn, tổng vốn đầu tư lớn và đang đối diện với rất nhiều thách thức nên buộc phải giữ tinh thần làm việc và quyết tâm mới đảm bảo được mục tiêu Chính phủ đã giao. Với tinh thần chung như vậy, các nhà thầu sẽ phải quyết tâm hơn để đột phá về tiến độ và chất lượng dự án.

Trước những vướng mắc về mặt bằng tại các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, mới đây Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi kiểm điểm và yêu cầu Bộ GTVT, chính quyền các địa phương giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3. Về vật liệu xây dựng thông thường, Phó thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, TP có mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ dự án khẩn trương thực hiện thủ tục để đưa mỏ vào khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN-MT; kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đường tiếp cận các mỏ vật liệu, tránh ảnh hưởng đến tiến độ khai thác các mỏ vật liệu. Đồng thời, khẩn trương xem xét, thực hiện các đề nghị của Bộ GTVT liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các bộ GTVT, TN-MT, Xây dựng khẩn trương phối hợp nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.