Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Chậm giải phóng mặt bằng, nguy cơ thiếu đất đắp

16/08/2023 21:38 GMT+7

Ngoài việc chậm giải phóng mặt bằng, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu còn có nguy cơ thiếu đất đắp. Đây là 2 yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Chiều 16.8, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai làm việc các đơn vị liên quan để nghe báo cáo tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Chậm giải phóng mặt bằng, nguy cơ thiếu đất đắp - Ảnh 1.

Các đơn vị thi công dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã triển khai máy móc, nhân lực nhưng chưa thể thi công vì thiếu mặt bằng

LÊ LÂM

Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Ban GPMB Đồng Nai), cho biết dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1 đoạn qua Đồng Nai) có chiều dài hơn 34 km, được chia làm 2 dự án thành phần.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: Chậm giải phóng mặt bằng, nguy cơ thiếu đất đắp

Để phục vụ cho dự án này, gần 290 ha đất của các tổ chức và khoảng 3.700 hộ dân tại 11 xã, phường thuộc TP.Biên Hòa và H.Long Thành nằm trong diện giải tỏa để nhường đất cho dự án. Trong số này có hơn 1.500 hộ dân cần được bố trí tái định cư.

Hiện Ban GPMB Đồng Nai đang kiểm kê đất, tài sản trên đất và chỉ mới bàn giao cho chủ đầu tư được gần 6 ha. Đối với 4 khu tái định cư, hiện mới khởi công được 1 khu nhưng đang ngưng trệ vì vướng mặt bằng, 3 khu tái định cư khác chưa triển khai.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Chậm giải phóng mặt bằng, nguy cơ thiếu đất đắp - Ảnh 2.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chạy song song và cách quốc lộ 51 khoảng 1 km

LÊ LÂM

Lý giải nguyên nhân chậm trễ bàn giao mặt bằng, lãnh đạo Ban GPMB Đồng Nai cho rằng do thiếu nhân lực trong quá trình kiểm kê. Mặt khác, dự án vẫn chưa có giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường. Trong khi đó, việc xác định giá đất cụ thể tỉnh Đồng Nai đã ủy quyền cho cấp huyện thực hiện. Việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tiến độ xây dựng các khu tái định cư còn chậm và gặp nhiều khó khăn. 

Không còn mỏ đất phục vụ dự án

Ngoài vấn đề mặt bằng, câu chuyện đất đắp cũng được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp ngày 16.8. Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai cần gần 6 triệu m3 đất đắp. Thế nhưng, trên địa bàn Đồng Nai hiện không còn mỏ đất phục vụ dự án. Qua khảo sát có thể sử dụng đất đắp từ các mỏ đang khai thác nhưng chỉ được khoảng 1,5 triệu m3.

Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai phải hoàn thành công tác GPMB dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2023. "Đây là nhiệm vụ lớn, các đơn vị trong tỉnh cần tập trung, nỗ lực để hoàn thành", ông Đức nhấn mạnh tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Võ Tấn Đức yêu cầu Ban GPMB Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh việc kiểm kê, xem xét điều động nhân lực từ các đơn vị khác đến hỗ trợ. Mục tiêu đến cuối tháng 10.2023 phải hoàn thành việc kiểm kê toàn bộ dự án. Đối với diện tích đất của các tổ chức và đất cao su cần sớm thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư.

Ông Võ Tấn Đức cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý, sớm xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án; Sở TN-MT Đồng Nai kịp thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị T.Ư giải quyết các vướng mắc liên quan việc cấp phép khai thác đất đắp phục vụ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến 53,7 km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34 km, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,7 km.

Quy mô ban đầu đường có 4 làn xe, rộng 24,75 m. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, rộng 32,25 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Dự án khởi công ngày 18.6.2023 và đưa vào khai thác năm 2026. Tổng mức đầu tư gần 18.000 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.