"Theo quy trình, sau khi xác định rõ nguyên nhân, nếu vì lý do chủ quan do trách nhiệm của các bên liên quan sẽ xem xét xử lý", đại diện Bộ GTVT cho biết.
Sáng nay 30.7, Ban Quản lý dự án Thăng Long cùng các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế đã khảo sát tại hiện trường khu vực bị ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây để kiểm tra nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục vấn đề ngập.
Vị trí ngập nặng tại Km25+419, hướng đi từ TP.HCM ra Phan Thiết, khu vực bên trái là sông Phan. Hiện, việc xả lũ qua sông Phan qua đập về rất lớn. Theo đánh giá, nước xả lũ chảy xiết từ đập dồn theo con suối dâng ngược trở lại vào cao tốc.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới đi vào hoạt động được 3 tháng (từ tháng 4). Nhà thầu thi công đoạn tuyến cao tốc bị ngập là liên danh Phương Thành - Cienco4.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện nhà thầu thi công cho biết, nước trên cao tốc sẽ thoát ra sông Phan qua các cống thoát. Tuy nhiên, thời điểm cao tốc bị ngập sâu, do mưa quá to dồn dập, nước từ hạ lưu không thoát ra kịp mà dâng ngược chảy tràn trở lại cao tốc.
Theo vị này, sau một vài giờ, các đơn vị liên quan đã xử lý để thoát nước. Nhưng với các tuyến cao tốc huyết mạch, lưu lượng phương tiện lớn như Phan Thiết - Dầu Giây, chỉ một vài giờ bị ngập cũng sẽ gây ách tắc.
"Chất lượng thi công, chất lượng kỹ thuật của cao tốc không vấn đề gì. Nhà thầu chỉ thi công theo bản vẽ thi công và bản vẽ thiết kế của tư vấn. Việc ngập cục bộ có thể do công tác khảo sát thiết kế thủy văn chưa thấu đáo. Phải xem xét lại từ khâu thiết kế, hồ sơ thiết kế cho đến bản vẽ thi công, đặc biệt là việc nghiên cứu địa hình, địa chất và thủy văn", đại diện nhà thầu cho biết.
Đáng chú ý, vị trí ngập theo quan sát như lòng chảo, nước chảy dồn về tập trung đọng rất sâu. Về việc liệu có lặp lại tình trạng ngập tương tự khi mưa lớn cục bộ xảy ra tại khu vực này hay không, theo đại diện nhà thầu, tư vấn thiết kế, Ban Quản lý dự án Thăng Long và Bộ GTVT, cần xem xét tổng thể để có giải pháp tổng thể.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, toàn tuyến Phan Thiết - Dầu Giây có tổng mức đầu tư 12.577 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư.
Tư vấn thiết kế kỹ thuật toàn tuyến gồm: liên danh Trường Sơn - VNC - 533; liên danh Thành Công - RECO - HECO; liên danh Tedis - TV6 - BRVT.
Dự án chia làm 4 gói thầu gồm: gói thầu XL-01 do liên danh Cienco 8 - Phúc Lộc - Vạn Cường dài 16,4 km, giá trị hợp đồng 996,13 tỉ đồng thi công. Tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng công trình giao thông miền Bắc.
Gói thầu XL-02 do liên danh Phương Thành - Cienco4 thi công, dài 31,2 km, tổng mức đầu tư 1.753 tỉ đồng; tư vấn giám sát là TEDI - Vjec.
Gói thầu XL-03 do liên danh Vinconex - Trung Chính thi công, dài 35,3 km, tổng mức đầu tư 2.170 tỉ đồng; tư vấn giám sát là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình Thăng Long.
Gói thầu XL-04 do liên danh Tổng công ty Thăng Long - Cienco6 thi công dài 16 km, tổng mức đầu tư 957,2 tỉ đồng; tư vấn giám sát là Công ty CP tư vấn kỹ thuật và xây dựng Hồng Hà.
Xem nhanh 20h: Cập nhật thời sự toàn cảnh ngày 30.7
Bình luận (0)