Cao tốc tỉ đô lún nứt

25/09/2014 05:50 GMT+7

Chỉ vài ngày sau thông xe, đường cao tốc dài nhất, hiện đại nhất VN với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỉ USD Nội Bài - Lào Cai đã xuất hiện vết nứt hình vòng cung tại Km 83 đoạn từ Yên Bái về Phú Thọ.

Chỉ vài ngày sau thông xe, đường cao tốc dài nhất, hiện đại nhất VN với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỉ USD Nội Bài - Lào Cai đã xuất hiện vết nứt hình vòng cung tại Km 83 đoạn từ Yên Bái về Phú Thọ.

 

Sơ đồ các vị trí chờ lún trên toàn tuyến - Ảnh: M.Hà - Đồ họa: Hồng Sơn

“Rủi ro không thể lường trước”

 

Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông

Bộ GTVT đã có công điện yêu cầu VEC khẩn trương xử lý vết nứt tại vị trí Km 83, đây là đoạn đường có chiều dài khoảng 500 m đi qua ao hồ, đầm lầy. Để đảm bảo quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng, Bộ GTVT yêu cầu VEC khẩn trương xử lý bù phụ mặt đường trong quá trình theo dõi chờ lún tại vị trí trên, đảm bảo giao thông được an toàn, phối hợp công bố cho các phương tiện lưu thông biết nhằm đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối, báo cáo Bộ trước 25.9.

Theo chủ đầu tư dự án là Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại Km 83 nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được tiên lượng trước và lắp dựng biển theo dõi đất yếu/lún tại Km 82+500 - Km 83+500. Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4, Keangnam trúng thầu, trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu.

Theo đánh giá sơ bộ tại hiện trường cho thấy nền đường khu vực đắp cao từ 7 - 9 m trên khu vực đất yếu xung quanh là ruộng thường xuyên ngập nước.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Kim Thành, Phó tổng giám đốc VEC, cho rằng dù đã tiên lượng nhưng có những bất thường không thể lường trước được. Theo ông Thành, tại các vị trí chờ lún đã được xác định, ban đầu tư vấn thiết kế kỹ thuật khoan thăm dò địa chất, trong quá trình thi công khi lập bản vẽ, biện pháp thi công xử lý nền đất yếu, nhà thầu cũng đã tiếp tục khoan thăm dò địa chất. Tại vị trí Km 83 đã khoan khảo sát 24 lỗ khoan với các lỗ khoan được bố trí cách nhau 50 m trên tim tuyến, và cứ 100 m tiến hành một mặt cắt địa chất công trình theo chiều ngang vuông góc với tim tuyến với 3 lỗ khoan. Ông Thành cho rằng việc khoan thăm dò đã thực hiện đúng quy trình nhưng “rủi ro không thể lường trước được là vết nứt xuất hiện tại vị trí giữa đường, không phải vị trí khoan thăm dò”. Đặc biệt, do ảnh hưởng của 2 cơn bão lớn số 3, 4 với lượng mưa lớn, đất nền và đất xung quanh no nước dẫn đến tốc độ lún nhanh hơn dự kiến có thể là nguyên nhân sinh ra vết nứt. Lãnh đạo VEC cũng cho biết đã tổ chức lực lượng nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đồng thời đang tiến hành khoan khảo sát địa chất bổ sung tại vị trí xuất hiện vết nứt để xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

Trong chiều 24.9, đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã kiểm tra, đánh giá hiện trường vết nứt. Theo TS Bùi Phú Doanh, thành viên hội đồng, dự kiến trong hôm nay 25.9, sau khi họp, nghiên cứu tài liệu, hội đồng sẽ đưa ra kết luận về vết lún nứt tại dự án.

Đáng lo ngại

Theo ông Thành, thời gian theo dõi xử lý lún tùy từng vị trí đất lún, trung bình kéo dài từ vài tháng đến 1 năm, thậm chí 2 năm mới có thể xử lý lún triệt để như tại tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Kết quả quan trắc, đánh giá xử lý lún mới xác định được nguyên nhân do chủ quan hay khách quan, do tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công hay các nguyên nhân bất thường không lường trước.

Trên thực tế, các vị trí phải theo dõi chờ lún trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đều tập trung tại các gói thầu từng là “điểm đen” chậm tiến độ như A2, A3, A4. Đặc biệt, vị trí xuất hiện vết nứt tại Km 83 thuộc gói thầu A4 do nhà thầu chính Keangnam đảm nhận, là một trong hai gói thầu tới cuối tháng 8 mới chật vật về đích. Gói thầu này đã phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần, nhà thầu chính yếu về năng lực tài chính, thiếu thiết bị và nhân lực, sử dụng các nhà thầu phụ không đảm bảo năng lực. Tới cuối tháng 6, gói thầu này mới chỉ đáp ứng được hơn 70% khối lượng, để đẩy tiến độ dự án kịp về đích trong tháng 9, Bộ GTVT đã cắt bớt khối lượng công việc của Keangnam, huy động các nhà thầu trong nước vào ứng cứu.

Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, Đại học GTVT Hà Nội, vết nứt tại gói thầu A4 là dấu hiệu đáng lo ngại, vì thông thường nền đất yếu nếu chất tải lên chỉ dẫn tới lún nền đường, còn nứt rạn lại do nguyên nhân khác. Cụ thể, với các nền đất yếu, việc chất tải mạnh trên cao độ mặt đường lớn (6 - 7 m) có thể dẫn đến hiện tượng bùn bên dưới bị đẩy ra, nền đường bị trượt sâu, gây ra các vết rạn hoặc sụt nứt mặt đường.

“Nguyên nhân có thể từ khâu thiết kế khảo sát không phát hiện ra, hoặc thi công không đảm bảo chất lượng, hoặc do yếu tố mưa lớn như chủ đầu tư đã lý giải, nhưng chưa thể khẳng định ngay mà phải tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ. Nền đường hỏng trong giai đoạn bảo hành thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư, chủ đầu tư thì phải chịu trách nhiệm trước dân vì đây là đoạn đường đã tiến hành thu phí”, ông Toản nhận định.

Nhiều điểm chờ xử lý lún trên toàn tuyến

Theo VEC, toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km có hướng tuyến đi từ đông sang tây, qua 5 tỉnh - thành phố qua nhiều vùng địa chất thủy văn phức tạp, giao thoa nhau. Trên toàn tuyến, qua khảo sát xác định và xử lý nhiều đoạn nền đất yếu bằng các biện pháp xử lý khác nhau như cọc cát/giếng cát, bấc thấm, thay đất một phần hoặc toàn bộ... Đến cuối tháng 8.2014, trên tuyến đã cơ bản hoàn thành đủ điều kiện thông xe, tuy nhiên, còn 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu/lún trong quá trình khai thác để hoàn thiện khi các đoạn nền đất yếu này đã ổn định, tắt lún tập trung trên các gói thầu A2, A3 và A4. Cụ thể như tại: Km 33, Km 44, Km 46 (gói thầu A2), Km 49, Km 50, Km 77, km 79 (gói thầu A3); và Km 82+500 - Km 83+500, Km 89 (gói thầu A4). Các vị trí này đều được lắp dựng biển thông báo đoạn đường theo dõi đất yếu/lún.

M.H

Mai Hà

>> Lún trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai là do đất yếu
>> Đường 'bỗng dưng' sụt lún
>> Đường dẫn nhiều cầu trên đại lộ Nguyễn Văn Linh bị lún
>> Đường mới làm đã lún
>> Đường vào cảng lún nặng: Do xe quá tải hay chất lượng đường kém ?

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.