Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km (nằm giữa tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) chính thức thông xe vào ngày 19.5.2023. Sau thời gian đưa vào vận hành, tuyến đường này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) chết người. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng các vụ tai nạn vẫn không giảm.
Tai nạn chủ yếu xảy ra vào ban đêm
Chỉ tính từ ngày 1.9 đến ngày 26.9, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 3 vụ TNGT, làm chết 4 người. Một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên, các vụ TNGT đều do xe sau tông vào đuôi xe đang lưu thông phía trước.
Điều đáng chú ý, các vụ TNGT đều xảy ra lúc ban đêm hoặc gần sáng, như vụ tai nạn xảy ra rạng sáng 24.9 tại Km 227 (đoạn qua H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), xe khách giường nằm tông đuôi xe đầu kéo, khiến 1 tài xế tử vong, 11 hành khách bị thương; hay như vụ TNGT xảy ra lúc 0 giờ 40 ngày 19.9 tại Km 191 giữa 2 xe khách giường nằm làm 2 hành khách tử vong tại chỗ, 3 người bị thương...
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, tính từ ngày 15.12.2023 đến ngày 26.9.2024, trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã xảy ra 17 vụ TNGT làm chết 11 người và bị thương 11 người. So với cùng kỳ, số vụ TNGT tăng 9 vụ và tăng 9 người chết.
Phụ xe tử vong sau tai nạn kinh hoàng trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào tháng 7.2024
Nguyên nhân do hạ tầng hay ý thức tài xế ?
Theo chủ đầu tư tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban QLDA 7 thuộc Bộ GTVT), đây là tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe; tốc độ tối đa là 90 km/giờ (bắt đầu từ tháng 2.2024, trước đó chỉ 80 km/giờ). Hiện tuyến cao tốc này bắt đầu san ủi, xây dựng trạm dừng nghỉ mỗi bên rộng 5 ha (hiện nay vẫn đang sử dụng 1 trạm dừng nghỉ tạm ở H.Hàm Thuận Bắc). Toàn tuyến chưa có đèn chiếu sáng (ngoại trừ ở nút giao với QL1). Đặc biệt lưu ý là tuyến đường cao tốc này chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp; mỗi đoạn cách nhau từ 7 - 10 km mới có 1 điểm dừng khẩn cấp dài khoảng 175 m.
Liệu có phải do tài xế đi đường xa nhưng thiếu trạm dừng nghỉ nên dễ dẫn đến mệt mỏi, sơ suất gây tai nạn ? Trả lời Báo Thanh Niên, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho rằng: "Đây chỉ là một nguyên nhân thôi, ý thức của người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quyết định".
Ông Huy cũng thừa nhận, điểm "thiệt thòi" của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là không có làn dừng khẩn cấp, làn đường chỉ rộng 3,5 m (trong khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây rộng 3,75 m). "Tuy nhiên, các vụ tai nạn gần đây chủ yếu xe sau húc vào đuôi xe trước, cho thấy yếu tố làn đường hẹp không phải là nguyên nhân chính", ông Huy lý giải.
Tương tự, Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận Nguyễn Quốc Nam cũng cho rằng, nguyên nhân từ hạ tầng chỉ một phần, cái chính là ý thức của tài xế. Ngoài ra, do tuyến đường này chưa thu phí nên xe tải nặng, xe khách đều đi vào đây để giảm chi phí tiền cầu đường bộ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cao tốc có lúc quá tải.
Theo ông Nam, sau này khi việc triển khai thu phí cao tốc được triển khai, các loại xe tải nặng và xe khách sẽ trở lại QL1, lúc đó cao tốc này sẽ giảm lưu lượng xe, giảm TNGT.
Trong khi đó, không ít tài xế có quan điểm ngược lại. Anh Nguyễn Đình Tư (tài xế xe dịch vụ tại TP.Phan Thiết) cho rằng: "Tôi thường chạy tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để đưa khách đi TP.HCM, thấy rất thoải mái vì làn đường rộng, có làn dừng khẩn cấp. Nhưng thi thoảng, tôi chở khách đi Nha Trang qua cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (kể cả cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo), cảm giác rất lo sợ vì mỗi khi có xe vượt qua thấy sát với xe mình. Nếu đi ban đêm mà không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn vì đường không có đèn chiếu sáng".
Hàng loạt giải pháp để giảm tai nạn
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban An toàn giao thông Bình Thuận cho biết, cơ quan này và Sở GTVT đang phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền một số nội dung liên quan đến an toàn cho các tuyến cao tốc đi qua địa bàn.
"Cái quan trọng nhất phải tiến hành xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, trong đó có Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Nội dung thứ hai, phải nhanh chóng lắp đặt hệ thống camera giám sát, sẽ hạn chế các phương tiện chạy quá tốc độ. Bên cạnh đó, phải siết chặt quản lý kinh doanh vận tải hành khách, buộc trên xe lúc nào cũng phải trang có biển báo nguy hiểm để sử dụng cảnh báo khi dừng, đỗ trong trường hợp khẩn cấp. Đề nghị lực lượng CSGT tuần tra (C08- Bộ Công an) khi tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô dừng, đỗ chiếm phần lòng đường nhưng không có biển cảnh báo nguy hiểm phía sau", ông Thanh nêu hàng loạt giải pháp.
Ông Thanh cũng khuyến cáo doanh nghiệp vận tải phải bố trí 2 tài xế trở lên khi hành trình của xe chạy trên 300 km để tránh để tài xế buồn ngủ và nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ lưu thông trên tuyến cao tốc. Chỉ có như vậy, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới giảm được số vụ TNGT xảy ra.
Bình luận (0)