Đây là cuốn sách minh họa đặc biệt 264 nhân vật lịch sử, do Kaovjets Ngujens (Cao Việt Nguyễn), họa sĩ trẻ người Latvia gốc Việt, thực hiện. Đã làm nhiều dự án minh họa sách, tranh tường, phim lịch sử tại châu Âu, cũng như sách nghiên cứu lịch sử Việt Nam, chàng họa sĩ trẻ sống ở phương Tây nhưng đặc biệt quan tâm tới lịch sử nước nhà.
Ban đầu chỉ là ý tưởng minh họa một số nhân vật lịch sử, nhưng sau đó Cao Việt Nguyễn đã phát triển thành một dự án lớn hơn với 264 nhân vật được minh họa và 28 sự kiện và dự kiến sẽ còn tiếp tục. Với Việt sử nhân vật, Cao Việt Nguyễn đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc tái hiện lịch sử qua tranh minh họa một hệ thống nhân vật có thật, có ảnh hưởng suốt chiều dài phát triển lịch sử Việt Nam kể từ thời Hồng Bàng đến thời Lý, với những chi tiết hình ảnh được nghiên cứu sát nhất từ những tư liệu lịch sử còn lại.
Anh từng nói triển khai dự án này với mong muốn giới thiệu lịch sử Việt qua hệ thống liên kết các nhân vật có thật trong lịch sử, nhằm nâng cao hiểu biết của mọi người về lịch sử đất nước. Nhưng tại sao không phải tranh minh họa đơn thuần, hay truyện tranh, mà lại phát triển thành một cuốn sách?
Khoảng năm 2020, khi tôi ngồi bàn với các bạn trong nhóm cổ phong về vấn đề phát triển văn hóa cổ phong như thế nào, mỗi bạn đều có một ý kiến riêng. Có bạn nói phải làm nhiều bộ phim về lịch sử hơn mới giúp ích cho sự phát triển. Một số bạn khác nói phải phát triển cổ phục nhiều hơn vào cuộc sống.
Nhưng tôi nghĩ cần phải làm từ những cái cơ bản nhất, đó là làm sách. Vì giáo dục rất quan trọng. Hiện nay các nhà làm phim Việt gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm phim lịch sử, ai cũng muốn làm, nhưng bắt đầu làm mới vỡ lẽ là không biết bắt đầu từ đâu, trang phục như thế nào, đúng hay sai, phải tìm ai để giải quyết vấn đề đó…
Tất cả những điều đó sẽ phát triển từ giáo dục. Chúng ta chưa có những chương trình giáo dục đầy đủ về lịch sử văn hóa và trang phục. Nhìn rộng hơn ra các nước bạn, ví dụ như Nhật Bản có hẳn một bộ truyện sử dụng trong trường học để nói về lịch sử. Còn Trung Quốc đã minh họa, phỏng dựng, phục dựng lịch sử quá nhiều rồi. Nhưng chúng ta vẫn còn rất hạn chế. Điều này cũng dễ hiểu, vì có nhiều họa sĩ cũng rất muốn phỏng dựng, phục dựng lịch sử văn hóa Việt Nam, nhưng họ gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơm áo gạo tiền. Khi họa sĩ lập gia đình rồi, chắc chắn gần như 100% không thể nào vẽ lịch sử theo ý thích bản thân được như trước nữa.
Hai là khi đã vẽ, đã đưa lên mạng xã hội hay ra công chúng, họ không nhận được cái gì, không ai trả tiền để họ làm được những công việc tốn rất nhiều thời gian và công sức đấy.
Thiếu tài liệu, khó khăn trong nghiên cứu trang phục và ngoại hình của các nhân vật lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ Bắc thuộc và các triều đại trước đó, nhưng anh vẫn nỗ lực làm. Động lực nào thúc đẩy anh?
Làm một dự án như thế này, cần xác định dự án có thể sống được bao lâu. Nếu nó có sự bền vững, cần thiết, 10 năm, lâu hơn nữa… thì rất đáng để làm, khi nó có thể tạo nguồn cảm hứng cho những người khác phát triển những dự án khác lớn hơn.
Nếu mình không bắt tay vào làm, có thể trong tương lai cũng sẽ không có ai làm.
Nhìn sang các nước xung quanh như Trung Quốc, đã có những cuốn sách minh họa nhân vật rất tốt như Tam Quốc nhân vật phổ chẳng hạn, minh họa tất cả các nhân vật thời Tam Quốc. Họ minh họa rất nhiều lần chứ không phải một lần. Suy nghĩ tại sao họ lại phải làm như thế, tôi nhận ra rằng làm vậy sức lan tỏa sẽ rộng hơn. Những trang cổ phong, cổ phục hay trang giải trí trên mạng xã hội của chúng ta vẫn thường chia sẻ với nhau những hình ảnh trang phục của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện nay chúng ta chuộng những cái đó, thích thú những cái đó, tại sao chúng ta không thể tự mình làm ra được những sản phẩm như vậy?
Nhiều họa sĩ Việt Nam vẽ rất tốt, rất giỏi. Chỉ có điều là họ chưa có được một sự thúc đẩy, hay sự quan tâm để có thể dành nhiều thời gian cho việc này.
Được biết anh đã tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu, tài liệu cả trong nước và ngoài nước. Có nguồn tư liệu nào chính?
Các nhân vật tương đối nhiều, mỗi một nhân vật đều có sự liên quan tới những sự kiện lịch sử ở trong đó. Cuốn sách của tôi dựa trên chính sử là chính và không chọn dã sử. Nhưng không phải nguồn sử liệu nào cũng viết giống như nhau. Nhiều khi mình phải chọn một nguồn sử liệu mà mình cảm thấy uy tín hơn. Việt sử nhân vật sử dụng Đại Việt sử ký toàn thư làm sườn chính, trong đó có bổ sung thêm nhiều dữ liệu khác, như từ Việt sử lược, Thiền uyển tập anh… chẳng hạn, nếu nội dung về nhân vật đó trong Đại Việt sử ký không có nhiều. Ví dụ Thiền uyển tập anh là về Phật giáo ca Việt Nam, và tôi rất muốn thể hiện được sự thăng hoa của Phật giáo Việt Nam vào thời Lý nên tôi sử dụng nguồn tư liệu ấy.
Các nhân vật trong sách khá đa dạng gồm cả Việt Nam, Trung Quốc, Chămpa, Nhật Bản… Anh rất chú trọng đến các chi tiết. Nhưng với lịch sử, càng chi tiết càng phải chính xác. Trong khi đó, những mô tả nhân vật lịch sử từ thời xa xưa rất mơ hồ. Anh làm thế nào để hình dung được sự thật lịch sử sau màn sương mơ hồ đó?
Theo cái tự nhiên nhất. Đầu tiên mình phải cảm nhận được nhân vật như thế nào, dựa theo câu chuyện của họ, tính cách của họ nữa. Đương nhiên phải tham khảo hình ảnh, tư liệu xưa hết sức có thể. Tuy nhiên cũng phải xác định cuốn sách này là một dự án minh họa chứ không phải phỏng dựng hay phục dựng. Vì phỏng dựng hay phục dựng nghĩa là mình phải có tư liệu như là tư liệu khảo cổ mình đã đào được bộ quần áo này như thế này, bộ xương kia như thế ấy… Nên tôi xác định mình làm tốt nhất có thể ở mức độ minh họa. Sẽ phải được khoảng 60%.
Để thể hiện nhân vật, phải sử dụng những đặc điểm văn hóa thường thấy trong sử liệu mô tả, ví dụ như về người Việt chẳng hạn, răng đen, cắt tóc ngắn, đi chân đất, xăm mình. Những cái đấy luôn luôn được chú trọng. Phải tham khảo những gương mặt của người Việt hiện nay, kể cả người Trung Quốc, để người đọc khi nhìn vào nhận ra đây là người Trung Quốc, kia là người Việt Nam... Ngoài ra, sự khác biệt còn nằm ở hoa văn nữa, ví dụ như các trang phục Việt sẽ chú trọng nhiều các hoa văn cổ của Việt Nam hơn…
Khi nghiên cứu để vẽ, đến thời Lý tôi thấy có sự phân biệt giữa trang phục của tầng lớp quý tộc và tầng lớp nhân dân. Ví dụ, một trong các đặc điểm khá thú vị mà ít ai để ý đến, là vào thời Lý, người Việt sử dụng chỉ vàng để thêu hoa văn lên áo, kể cả quý tộc và nhân dân đều dùng. Nhưng đến cuối thời Lý, vua ban lệnh cấm không cho dân thêu chỉ vàng nữa, nhằm phân biệt giữa quan và dân. Hoặc trong sử liệu cũng miêu tả khá rõ về vấn đề trang phục của vua, như thời Lý - Trần thì màu vàng, màu trắng được xem là màu dành cho vua. Trong dân, trừ phụ nữ ra, nếu nam mà mặc màu trắng sẽ bị xem là tiếm vị. Vào thời Hồng Bàng, theo mô tả dân mặc áo giao lĩnh vạt trái, đi chân đất, nhuộm răng đen, xăm mình và búi tóc chuy kế (búi củ hành). Đấy là mô tả của người Trung Quốc viết về dân ta vào thời kỳ Bắc thuộc.
Thời kỳ Hồng Bàng, số nhân vật không nhiều, chỉ có Hùng Vương, An Dương Vương; nhưng vào thời này còn kha khá hiện vật như tượng, chuôi kiếm… và hoa văn của thời kỳ Hồng Bàng rất nhiều. Ngoài ra tôi tham khảo thêm từ những nguồn khác. Ví dụ trang phục giáp trận của An Dương Vương, tôi tham khảo từ dân tộc Điền Việt, một trong các dân tộc của Bách Việt sống gần sát với ta, rồi kể cả giáp trụ của Trung Quốc vào thời Tần - Hán ở Quảng Châu. Vì khi Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, đóng đô ở Quảng Châu nên người Việt mình vẫn có ở đó.
Minh họa nhân vật Ngô Quyền chẳng hạn. Điều đầu tiên tôi nghĩ là: một vị tướng cầm gươm, mặc áo giáp, đứng hiên ngang. Câu hỏi tiếp theo: bộ giáp của ông ấy thế nào, cây gươm như thế nào, loại giáp, loại gươm ấy thời đó đã xuất hiện hay chưa? Khi đã giải quyết được những câu hỏi này, mình mới có thể vẽ được. Lịch sử trang phục quân sự đơn giản hơn so với lịch sử trang phục bình thường. Vì về quân sự, ở các nước tương đồng văn hóa, những thời kỳ đó đa số tương đối giống nhau. Đương nhiên ở Việt Nam cũng có những đặc điểm khác, như về họa tiết trang trí hay chất liệu chẳng hạn, chất liệu của giáp không chỉ bằng kim loại mà có thể bằng da…
Ban đầu tôi muốn cuốn sách này vừa có hình minh họa vừa có những thông tin đầy đủ về nhân vật. Nhưng về sau tôi nhận ra cô đọng thông tin sẽ giúp người đọc dễ tiếp cận hơn. Và khi họ đã tiếp cận, muốn nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn thì họ có thể tự làm điều đó được.
Vẽ tranh lịch sử nhiều, và cũng tìm về nghiên cứu sử Việt nhiều năm qua, từ xa quê hương nhìn về, anh nhận thấy điều gì là quan trọng hơn cả trong việc truyền bá sử Việt cho giới trẻ?
Trong những năm gần đây, tôi nhận thấy phong trào yêu thích lịch sử nổi lên rất nhiều. Cũng nhiều nhóm minh họa hay làm video về nhân vật lịch sử, nhưng đa số họ đều theo dạng sáng tạo, tưởng tượng. Không biết từ lúc nào các bạn bắt đầu truyền nhau những câu chuyện rất buồn cười, như là Lý Thường Kiệt được xem là một đại mỹ nam chẳng hạn… Thực ra một số nhân vật trong lịch sử có đề cập về dung mạo. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đều là những nước đồng văn, nghĩa là ít nhiều trang phục đều có sự tương đồng với nhau, giao thoa văn hóa. Nhưng người Việt cũng có những sáng tạo nhất định về trang phục. Điều quan trọng, cần thiết hiện nay là phải phổ cập những thông tin về lịch sử, văn hóa, về trang phục Việt cho xã hội. Càng nhiều người trong nước biết thì lúc đó những trang phục ấy mới càng được tôn vinh nhiều hơn nữa.
Bình luận (0)