Trước đó, rất nhiều doanh nghiệp (DN) xuất gỗ, cao su tại TP.HCM kêu cứu vì bị "giam" thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng năm trời khiến họ đứng trên bờ vực phá sản, như Thanh Niên có bài phản ảnh từ cuối tháng 5.2023. Trong bối cảnh tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, việc hoàn thuế chậm trễ gây bức xúc dư luận. Lãnh đạo không ít công ty năm lần bảy lượt kiến nghị, đề xuất xin gặp để giải trình, giải thích cũng không ăn thua. Đến mức Chính phủ phải vào cuộc, Bộ Tài chính cũng vài lần chỉ đạo... Nhưng đến thời điểm hiện tại, mới chỉ 1/3 số thuế GTGT được hoàn lại cho các DN như nói trên. Còn 2/3, tương đương hơn 4.000 tỉ đồng vẫn bị cơ quan thuế giữ lại không biết đến bao giờ. Đáng nói, TP.HCM không nằm trong địa chỉ những địa phương được hoàn thuế nhiều trong đợt này trong khi đây là nơi tập trung đông nhất cộng đồng DN.
Hoàn thuế cho DN ở thời điểm này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ của nền kinh tế, đó là tồn kho tiền trong hệ thống ngân hàng mà chưa có giải pháp để giải phóng. DN muốn vay thì không đủ điều kiện, hoặc sợ lãi vay quá cao. Rất nhiều công ty thì sức khỏe yếu quá cho vay cũng không hấp thụ nổi. Trong bối cảnh đó, vốn tự có (tiền hoàn thuế) là đáp án giúp họ tính bài toán chi phí hợp lý nhất, hay có thêm nguồn tiền để tồn tại. Cũng phải nhắc lại là, thuế GTGT là tiền của DN gửi tạm nhà thuế, phải hoàn lại trong vòng 40 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ theo quy định pháp luật. Thế nhưng nhìn lại số tiền thuế bị giam hiện nay chỉ có thể nói là khủng hoảng. "Giam" 1 năm có, 2 năm có, thậm chí 3 - 4 năm cũng có. Lý do để nhà thuế "giam" tiền của DN như đã phân tích nhiều lần, chỉ dựa vào một văn bản nội ngành yêu cầu xác minh nguồn gốc hàng hóa trước khi hoàn thuế; xác minh người mua hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán phải thể hiện số hiệu tài khoản của người mua. Những hướng dẫn trong các công văn này không hề nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại được thực hiện hết sức quyết liệt khiến hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế bị giam trong bối cảnh cộng đồng DN nói chung khát vốn trầm trọng.
Tất nhiên, quản lý để tránh gây thất thoát thuế là việc cần thiết. Nhưng quản lý thế nào thì cũng phải đặt quyền lợi chính đáng của DN lên hàng đầu. Không thể chỉ vì "nhẹ" cho thuế mà đẩy cái khó lên các đối tượng thụ hưởng. Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế đã bước vào quý cuối cùng của năm, nhu cầu vốn để mua nguyên liệu, thực hiện đơn hàng, ký kết hợp tác... đều tăng cao. Cơ quan thuế cần đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế để các DN có nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh. Riêng với những nơi tiếp tục chậm trễ, cần phải rà soát làm rõ và có biện pháp chế tài, truy rõ trách nhiệm cá nhân. Không thể có chuyện DN nợ thuế thì bị bêu tên, phạt, cưỡng chế hóa đơn, cấm xuất cảnh còn nhà thuế chậm hoàn thuế cho DN cứ như coi là đương nhiên.
Bình luận (0)