Thông tin từ Bộ Tư pháp, cơ quan này vừa tổ chức phiên họp thẩm định đối với dự thảo luật CCCD sửa đổi (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Cần cân nhắc thêm
Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất mở rộng đối tượng cấp CCCD với cả công dân Việt Nam dưới 14 tuổi (luật hiện hành quy định từ đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp); đồng thời, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam.
Thảo luận tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Xuân, Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội, bày tỏ băn khoăn về việc cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi có phát sinh thủ tục hành chính, các chi phí thực hiện hay không.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, bà Xuân cho rằng số lượng người gốc Việt Nam không nhiều nên cần nghiên cứu thêm về chính sách này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đề nghị làm rõ thêm các vấn đề về pháp lý và thực tiễn đặt ra khi tích hợp nhiều thông tin trong CCCD, đặc biệt là thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành liên quan đối với thông tin được tích hợp.
Cho ý kiến, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật CCCD; đồng thời đề nghị ban soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn chi tiết; rà soát, nghiên cứu kỹ lại các điều luật, luật liên quan; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung cơ bản của dự thảo.
Thứ trưởng cũng đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm về tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật trong việc bổ sung nhiều thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp các thông tin cá nhân của người dân vào thẻ CCCD.
Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi không tự mình thực hiện được các giao dịch dân sự, vì vậy trường hợp được cấp thẻ CCCD thì việc thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ. Do vậy, thứ trưởng nhận định cần cân nhắc thêm về vấn đề này, để tránh phát sinh thủ tục hành chính, các chi phí thực hiện…
Lãng phí nguồn lực, tăng gánh nặng ngân sách?
Trước đó, theo dự thảo luật CCCD sửa đổi được Bộ Tư pháp công bố kèm trong tài liệu họp thẩm định, Bộ Công an đề xuất cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi, nhưng thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.
Tham gia góp ý, Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc kỹ một số yếu tố để quyết định có nên cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi hay không.
Trong đó, trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là lứa tuổi phát triển mạnh, nhanh nên các đặc điểm nhân dạng chưa ổn định, việc cấp CCCD cho nhóm này là chưa bảo đảm phù hợp với tính chất và quy định về nhân dạng mà luật CCCD năm 2014 đang quy định.
Chưa kể, việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi cũng phát sinh thêm thủ tục hành chính do trẻ em mới được sinh ra trong cùng một thời điểm phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau như: mã định danh cá nhân, giấy khai sinh và CCCD. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực thực hiện, tăng chi phí đối với người dân mỗi lần cấp, đổi thẻ CCCD và tăng gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc tổ chức triển khai.
Tương tự, Bộ Nội vụ cũng đề nghị cân nhắc đề xuất trên. Trường hợp cần thiết, cần có tổng kết, đánh giá và bổ sung cụ thể về số lượng người dưới 14 tuổi có nhu cầu cấp CCCD trong toàn quốc để bảo đảm tính khả thi, không làm phát sinh thủ tục cho người dân.
Tuy nhiên, Bộ Công an giữ nguyên quan điểm. Theo bộ này, việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi là bảo đảm tính khả thi, bởi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của cá nhân. Ví dụ, bộ thu nhận vân tay điện tử được sử dụng thay thế cho mực lăn tay, giúp thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên mà vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và quản lý nhà nước.
Với người dưới 14 tuổi, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4 dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời. Trong khi đó, thẻ CCCD với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật cao và có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu nên sẽ mang lại nhiều tiện ích trong việc đi lại, học tập, khám, chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác.
Bộ Công an cũng khẳng định, việc cấp thẻ CCCD lần đầu cho người dưới 14 tuổi là miễn phí. Khi công dân thực hiện cấp đổi, cấp lại thì mới phải nộp phí theo quy định, không phải tốn thêm chi phí cho Nhà nước…
Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam
Vẫn theo dự thảo, Bộ Công an còn đề xuất cấp số định danh và giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đây sẽ là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam, có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Với giấy chứng nhận căn cước, người gốc Việt Nam có thể tham gia các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống. Nhà nước cũng quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội.
Nếu không quy định như đề xuất thì không có điều kiện để quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống ở Việt Nam; gây khó khăn cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp người gốc Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật, cơ quan nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, nhất là thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bình luận (0)