Cấp cứu thành công cụ ông 'bá bệnh' lại còn bị gãy xương đùi

25/02/2019 20:45 GMT+7

Bệnh nhân 89 tuổi bị gãy xương đùi kèm nhiều bệnh lý phức tạp về van tim, thiếu máu; có tiền sử viêm phế quản mạn, bệnh thận mạn, từng đột quỵ não … vừa được các bác sĩ ở Cần Thơ mổ cấp cứu thành công.

Chiều 25.2, BSCK2 Huỳnh Thống Em, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh viện vừa mổ cấp cứu thành công một ca bệnh nhân cao tuổi bị nhiều bệnh lý rất phức tạp.
Bệnh nhân là cụ Hồ Văn Dơn (89 tuổi, ngụ xã Hoà Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), nhập viện ngày 16.2, tình trạng bị ngã dẫn đến đau khớp háng trái, không thể đi lại.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm phế quản mạn tính, bệnh thận mạn.
Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, các bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân bị thiếu máu, rối loạn điện giải, bệnh lý về van tim rất phức tạp, hở van tim 2, hở 3 lá, hở van động mạch chủ.
Kết quả chụp X- Quang cho thấy bệnh nhân bị gẫy cổ xương đùi trái. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm đánh giá tiền phẫu, điều trị nội khoa ổn định hơn 1 tuần trước mổ.
Ngày 25.2, sau hội hội chẩn giữa các chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Tim mạch, Hô hấp, Gây mê, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để thay khớp háng trái bán phần cho cụ Dơn. Ca mổ thành công sau khoảng 30 phút.
Theo BS Thống Em, những trường hợp chấn thương bị kèm với nhiều bệnh lý phức tạp khá thường gặp.
“Cách đây vài tháng, cũng tại bệnh viện các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho một trường hợp bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi kèm theo bệnh lý tim rất nặng là hẹp khít van hai lá, rung nhĩ, suy tim độ 3. Nhưng với những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi kể trên, để thành công phải có sự phối hợp chặt chế với các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, gây mê… Đánh giá trước rủi ro có thể xảy ra trong và sau mổ để có các phương án xử lý”, BS Thống Em nói.
Đặc biệt, trong ca mổ cho bệnh nhân Dơn, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật LIA giảm đau tại chỗ. Đây là một kỹ thuật rất mới trong phẫu thuật hiện nay nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.
BSCK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức ,cho biết: “Khi mổ, bác sĩ sẽ dùng một hỗn hợp thuốc giảm đau tiêm quanh vùng ổ gẫy để phong bế và cắt các dẫn truyền thần kinh gây đau. Nhờ đó, sau khi mổ trong vòng 24 tiếng, bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau. Qua 24 giờ đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được giảm đau bằng thuốc khi những cơn đau không còn dữ dội như thời điểm sau mổ”, BS Đào nói.
Chính vì cắt được cơn đau nhiều nhất sau mổ nên kỹ thuật giảm đau tại chỗ rất có ý nghĩa với các bệnh nhân cao tuổi phải phẫu thuật chỉnh hình, bệnh nhân bị kèm bệnh lý tim mạch, hô hấp...
Không đau trong 24 giờ đầu sẽ giúp bệnh nhân sẽ ăn được, ngủ được tránh được những biến chứng tim mạch, cơn tăng huyết áp… và tập phục hồi vận động tốt hơn.
Trở lại ca mổ bệnh nhân Hồ Văn Dơn, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, không đau, có thể ăn uống bình thường và khả năng chỉ 1 ngày sẽ được tập vận động trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.