Cặp đôi 10 năm bên những bước nhảy

10 năm bên nhau, đôi nghệ sĩ tài năng Trần Hoàng Yến và Phan Thái Bình của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) đã mang đến nhiều chuyện kể vừa thú vị vừa xúc động 'đằng sau' những chiếc giày.

Vào nhà hát diễn không phải để kiếm tiền
* Tham gia nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước, hai bạn hẳn có những so sánh về các nhà hát mình từng - đang biểu diễn?
Dù múa với nhau rất nhiều, cũng cảm xúc yêu ghét thương giận nhưng chúng tôi không cảm thấy chán vì mỗi bài mang đến cung bậc khác nhau
Nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến
- Trần Hoàng Yến: Mới đây, khi sang Hàn Quốc biểu diễn tại 3 thành phố lớn, chúng tôi được sắp xếp tập luyện trong phòng tập của một số trường ĐH về nghệ thuật. Trong mỗi trường ĐH đều có một sân khấu tương đương hoặc to hơn Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).
Nhà hát TP.HCM - nơi HBSO thuê sân khấu biểu diễn định kỳ 3 chương trình mỗi tháng - được cho là đủ tiêu chuẩn nhất so với các nhà hát khác ở TP.HCM, nhưng không gian cũng nhỏ so với vở ballet vài chục người. Khi múa ballet, chúng tôi trải thêm thảm chuyên dụng để diễn, do sàn gỗ nhà hát trơn và vốn sử dụng cho nhiều loại hình khác nữa.
* Vậy còn tập luyện thì sao?
- Trần Hoàng Yến: Thảm khi biểu diễn do một công ty Hà Lan tặng HBSO, hơn chục năm rồi. Nhà hát có đúng chiếc thảm múa này nên giữ rất kỹ. Còn tập (ở địa điểm khác) dùng thảm rẻ tiền hơn, mỏng hơn, không có độ ma sát; trong khi thảm lúc diễn dày và rít hơn. Ai có kinh nghiệm sẽ hiểu nếu tập quay 5, 6 vòng thì ra sân khấu chỉ còn 3, 4 vòng, nghĩa là phải xoay trừ hao. Các bạn diễn viên mới thì hơi khó khăn. Vì thảm chuyên dụng chỉ ráp để chạy sân khấu một buổi trước khi diễn thôi.
- Phan Thái Bình: Vì không có nhà hát nên chúng tôi thuê hội trường ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM làm sàn tập. Phòng tập này vừa nhỏ và 4 bề bít bùng, rất khó khăn cho nghệ sĩ. Nếu vở nào đông diễn viên quá thì chúng tôi qua rạp Thanh Vân, rộng hơn để tập. Nhưng ở đây là nơi dàn nhạc để nhạc cụ và tập luyện. Nếu đoàn múa tập thì bắt buộc dàn nhạc phải nghỉ.
* Mỗi tháng 3 chương trình, lại chia cho các loại hình giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, lương của các bạn có đảm bảo cuộc sống?
- Trần Hoàng Yến: Ngoài phần lương cơ bản, nếu tập và diễn vở mới (từ 1 - 2 tháng) thì tính thêm thù lao, với mức khoảng 4 - 5 triệu cho diễn viên solist như tôi. Thật sự mà nói thì lương chúng tôi không đủ trang trải cho cuộc sống, chưa kể các diễn viên múa thường dành khoản riêng cho thuốc bổ nữa... Vào nhà hát diễn không phải để kiếm tiền. Đó là nơi nghệ sĩ khát khao làm nghề, chinh phục những giá trị mới của nghệ thuật.
Tuổi nghề thấp, khả năng bị chấn thương cao
* Các bạn có nhắc đến khoản chi tiêu cho thuốc bổ, có thể nói rõ hơn?
- Trần Hoàng Yến: Là dạng thuốc bổ cho cơ, khớp, gân cốt. Cách đây 4, 5 năm, tôi bị tràn dịch đầu gối, bác sĩ bảo do hoạt động khớp nhiều quá nên chất nhờn tiết ra nhiều làm căng đầu gối. Lúc đó cũng khá nặng, tôi phải đi nẹp chân, được khuyên nên nghỉ múa. Biết rõ bệnh của mình nên tôi vừa uống thuốc, chườm đá, nghỉ ngơi vừa sức, rồi luyện tập trở lại nhưng cẩn trọng hơn với chế độ tập luyện, ăn uống. Còn diễn viên nam lại hay bị về lưng, có thể viêm cơ lưng hay thoát vị đĩa đệm, gai cột sống do bê đỡ nhiều.
- Phan Thái Bình: Các động tác bưng bê dễ ảnh hưởng cột sống, buộc phải đúng thế, nhưng đôi khi giữ bạn diễn lâu quá hoặc biểu diễn quá tải thì cơ thể không chịu nổi. Tôi cũng không tránh khỏi, nên vừa uống thuốc bổ, kết hợp tập vật lý trị liệu.
Đa số diễn viên múa đều có vấn đề về chân hoặc lưng. Nhiều lúc chỉ vì những bất cẩn nhỏ, một động tác xoay nhẹ thôi mà bị té phải bắt ốc vào chân. Một chị đồng nghiệp cũng vì gắn ốc ở chân mà thôi biểu diễn...
* Thi thoảng lại thấy một số nghệ sĩ múa chia sẻ trên trang cá nhân về những chấn thương của mình trong luyện tập, cả hình ảnh những bàn chân chai sần và hư móng... Hai bạn nghĩ gì về nghề của mình?
- Trần Hoàng Yến: Múa có tuổi nghề thấp, khả năng bị chấn thương lại khá cao. Số nghệ sĩ múa trên 40 tuổi còn gắn với sân khấu là rất hiếm, đa số sẽ chuyển sang đi dạy. Như tôi bây giờ vào vai Lọ lem cũng thấy khó phù hợp rồi (cười). Đương đại thì có thể đỡ kén tuổi hơn, dù vậy ít nhiều cũng bị giới hạn bởi điều kiện cơ thể.
Kế hoạch làm mẹ của tôi là... 2 năm nữa, nên giai đoạn này tôi chỉ tập trung cho múa, tìm kiếm diễn viên trẻ và truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm.
Đang giận, múa xong thì tự nhiên làm lành với nhau
* Vợ chồng cùng lĩnh vực, lại hay múa đôi, hẳn là nhiều thuận tiện?
- Phan Thái Bình: Lúc mới quen Yến, tôi cũng có ý định thi ngành tiếp viên hàng không. Nhưng rồi nghĩ, nếu học múa và làm được nghề này thì có thời gian chia sẻ với Yến nhiều hơn. Buồn vui trong nghề nhờ vậy chúng tôi dễ dàng nói chuyện với nhau, có khó khăn cùng đối mặt và giúp nhau vượt qua. Nghĩ lại thấy hai đứa cùng nghề này là một điều may mắn vô cùng!
- Trần Hoàng Yến: Nếu quen và cưới người khác ngoài nghề quả là khó khăn cho tôi, vì thời gian của tôi dành hết cho múa. Thật sự tôi thích múa với Bình nhất, vì hiểu nhau, thể hiện tình cảm cũng dễ nữa. Dù diễn viên khi múa với ai cũng phải biểu cảm để hòa quyện nhưng rõ ràng múa với chồng là chuyện tự nhiên không cần phải diễn. Tuy nhiên, vì múa đôi cần sự chuẩn xác rất cao, một người sai là dễ gây loạng choạng, dễ bực lắm. Nếu múa với người khác có khi tôi không gay gắt nhưng với Bình thì tôi hay gây lắm (cười), chắc do vợ chồng nên khó tính với nhau hơn. Bù lại, có khi đang giận nhau ở ngoài, khi múa đôi xong tự nhiên làm lành với nhau.
* 10 năm vẫn cảm xúc đó, quen quá có hóa... bình thường?
- Trần Hoàng Yến: Nếu nói muốn múa với người khác thì không, nhưng phải múa với người khác thì có. Tất cả vì công việc. Như vở Ru đêm không có tôi, thì Bình múa với Phan Tiểu Ly, cũng như khi tôi múa ballet thì làm công chúa với hoàng tử khác chứ không phải Bình (cười).
Dù múa với nhau rất nhiều, cũng cảm xúc yêu ghét thương giận nhưng chúng tôi không cảm thấy chán vì mỗi bài mang đến cung bậc khác nhau.
* Ngoài việc tự trao đổi khi sáng tạo cùng nhau, hai bạn còn nâng cấp chuyên môn bằng hình thức nào khác?
- Trần Hoàng Yến: Tôi khá hơn về ballet, nên khi múa đương đại thì cố gắng làm sao để làm các động tác tự nhiên nhất, xuất phát từ chính cảm xúc muốn thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể, chứ không chỉ là bài bản. Còn Bình thiên về đương đại, những chi tiết nhỏ, nội tâm, dùng cử chỉ để nói chuyện với người khác. Chúng tôi luôn cố gắng để trau dồi cả sở trường lẫn những gì không thuộc thế mạnh của mình.
Bên cạnh đó, nhà hát luôn mời những chuyên gia trong lĩnh vực múa về VN để mở các buổi học, khóa huấn luyện ngắn hạn, xem diễn viên mình còn thiếu kỹ thuật nào thì tập trung vào chuyên môn đó, rồi dựng vở cho chúng tôi diễn.
* Đó có phải là lý do trong nhiều vở múa đương đại, đôi khi thấy các diễn viên múa tỏa ra đầy năng lượng, nhưng lại không hiểu mấy về vở diễn?
- Trần Hoàng Yến: Đúng là nhiều khán giả xem múa đương đại xong có chia sẻ với chúng tôi rằng xem đã lắm, nhưng không hiểu gì. Quan trọng ở múa đương đại không phải là hiểu gì, mà mình cảm nhận gì về tác phẩm đó. Chỉ cần: à, mình thấy thấy có gì đó vui vui, buồn man mác hay hào hứng.
Ngay cả mỗi diễn viên đều cảm nhận khác nhau về một tác phẩm. Là vì mỗi người có tính cách, cuộc sống khác nhau, múa đương đại thì gắn liền với cuộc sống đời thường nên gần như diễn viên đưa cảm xúc con người đời thật của mình vào tác phẩm. Vì thế, có khi trong một vở nhưng lần đầu diễn tôi khóc, lần sau tôi lại cười.
- Phan Thái Bình: Như vở Đi qua tình yêu khi chúng tôi quen nhau múa khác, sắp cưới thì múa với nhau cảm xúc khác. Mỗi cột mốc cuộc sống khác nhau, diễn viên sẽ có những trải nghiệm khác nhau.
Trần Hoàng Yến sinh năm 1989 tại TP.HCM. Yến học múa từ năm 4 tuổi, tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp 7 năm chuyên ngành diễn viên múa tại Trường Múa TP.HCM và loại giỏi Trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội chuyên ngành huấn luyện múa. Cô từng đoạt HCV trong Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với tác phẩm Nỗi đau da cam (2009); HCB tại Liên hoan Múa đương đại quốc tế ở Huế với tác phẩm Những mảnh ghép của giấc mơ (2014); HCV tại cuộc thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với vở kịch múa Còn mãi bản hùng ca (2015)... Cô biểu diễn với vai trò solist trong các tác phẩm ballet và múa đương đại của HBSO như Hồ Thiên nga, Carmen, Cô bé lọ lem, Cô bé búp bê, Kẹp hạt dẻ, Chopiniana, Ðánh mất và tìm lại... Cô hiện là diễn viên solist kiêm Phó trưởng đoàn Vũ kịch của HBSO.
Phan Thái Bình sinh năm 1990 tại TP.HCM. Sau khi gặp Trần Hoàng Yến, ngưỡng mộ tài năng của cô nên quyết định theo học hệ 2 năm tại Trường Múa TP.HCM để có thể cùng “cô giáo” biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Anh tham gia các vở đương đại: The Roof, Đi qua tình yêu, Café Sài Gòn...; các vở ballet: Kẹp hạt dẻ, Cô bé lọ lem, Giselle...
Nhảy múa như một niềm khao khát giao cảm với đời
Ảnh: NSCC
Yến và tôi làm việc với nhau khi cùng biên đạo và trình diễn qua các tác phẩm múa của tôi tại VN: Sài Gòn Arirang, Cây nỏ thần, 800 năm hẹn ước, Huyền thoại nữ nhân, Múa Kiều.Trong lần đầu tiên hợp tác (từ 2014), tôi bị thu hút ngay bởi điệu nhảy thật tuyệt vời của Yến. Đến tác phẩm thứ hai, tôi bị ấn tượng bởi năng lượng tỏa ra từ cô ấy, nó không chỉ toát ra từ đôi mắt, mà qua những bài tập hay cách trình diễn của cô ấy, tôi còn cảm nhận được cả sự kiên trì và niềm đam mê múa mãnh liệt. Sau đó, tôi gặp cô ấy nhiều hơn, không chỉ trong công việc mà còn quý mến nhau bởi tính cách, ý thức của nghệ sĩ trong cuộc sống. Rồi khi gặp Bình, tôi cũng yêu điệu nhảy của cậu ấy. Đặc biệt, tôi còn cảm nhận được ở Bình sự sâu sắc, quan tâm và chân thành khi Bình là thành viên trong tập thể múa.
Làm việc, tiếp xúc với Yến - Bình, tôi thấy họ xem nhảy múa như niềm khao khát giao cảm với đời.
Biên đạo múa Hàn Quốc Chun Yoo-oh
Đôi tài năng vừa hàn lâm vừa mãn nhãn
Ảnh: NSCC
Được ban tặng hình thể đầy ngôn ngữ của nghệ thuật múa, ở Yến hội tụ cả sự đam mê, rèn luyện và duyên nghề. Không chỉ làm việc với Yến khoảng từ năm 2012, tôi cũng hay được mời phản biện và góp ý các chương trình của HBSO và thấy Yến tiến bộ rõ rệt. Yến không chỉ là diễn viên múa giỏi nghề mà còn là biên đạo rất cừ, một nghệ sĩ biểu diễn vừa của sân khấu hàn lâm vừa của các chương trình giải trí. Xem những tác phẩm của Yến luôn thấy được sự khám phá, cái thần riêng của vở. Với Bình, lại là một ngạc nhiên khác, một sự lựa chọn của nhiều biên đạo trong và ngoài nước khi đến VN.
Đạo diễn Trần Vi Mỹ
Hết sức hết lòng vì nghệ thuật múa
Ảnh: N.V
Tôi đánh giá rất cao sự phấn đấu của Yến, từ khi là sinh viên vừa tốt nghiệp trường múa, làm cộng tác viên rồi diễn viên và nay là solist chính của HBSO. Quá trình này chứng tỏ sự đam mê và hy sinh rất lớn của Yến dành cho múa, không quản ngại bất kỳ khó khăn, đau đớn nào, hết sức hết lòng vì múa; cũng là tạo nền tảng cho thành công hôm nay của Yến khi sắp được công nhận là NSƯT. Bình tuy không được đào tạo bài bản như Yến nhưng đam mê, nỗ lực dành cho múa cũng mãnh liệt không kém. Bằng chứng là Bình đã tham gia hầu như các chương trình của nhà hát từ cổ điển đến đương đại và đặc biệt anh hiện là ngôi sao của nghệ thuật múa đương đại.
NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.