Cấp giấy phép cho “đạo đức“

10/11/2018 05:34 GMT+7

Yêu cầu phải có "giấy xác nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp " mới được cấp giấy phép hành nghề kiến trúc trong dự thảo luật Kiến trúc không nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Đầu tiên phải khẳng định, đạo đức nghề nghiệp thì ngành nào cũng cần. Đừng nói đến kiến trúc, luật sư, bác sĩ mà cả người bán thịt, rau ngoài chợ, người thợ ở công trình xây dựng... đều phải có đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nghề nghiệp có chuẩn mực đạo đức, quy tắc riêng và những người hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực đó đều phải tuân thủ. Vì vậy, nếu chỉ kiến trúc có xác nhận, không lẽ các ngành khác không có và không cần... đạo đức? Giả sử quy định này được thông qua, các ngành khác cũng không chịu thua kém, cũng yêu cầu giấy xác nhận đạo đức mới cho làm bác sĩ, luật sư... thì sẽ cho ra hàng trăm cơ quan để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Mà để có được cái giấy này, chỉ hình dung thôi cũng trần ai cực khổ, tốn thời gian, công sức, chi phí không kém gì các thủ tục, điều kiện kinh doanh khác. Đơn giản nhất là phải có chứng nhận của tất cả những nơi mà đối tượng đó đã từng làm việc, lại phải có một bộ máy để làm việc này. Đặc biệt, nguy cơ nảy sinh các vấn đề tiêu cực ngay trong chính quy trình, bộ phận xác nhận đạo đức là rất lớn. Nên đạo đức nghề nghiệp hãy cứ để chính nơi tuyển dụng, để thị trường và xã hội công nhận. Những người làm việc vô trách nhiệm, gây hậu quả sẽ bị chế tài theo các luật liên quan; những người thiếu đạo đức, lương tâm nghề nghiệp trước sau cũng bị lộ tẩy, cũng bị tẩy chay hoặc tự đào thải.
Cái đáng nói hơn ở đây chính là tư duy quản lý vẫn chưa thay đổi, vẫn nặng nề thủ tục. Đây là thời điểm quyết liệt nhất trong cuộc cách mạng cắt giảm điều kiện kinh doanh của Chính phủ, nhưng những giấy phép con kiểu này vẫn tiếp tục được "cài cắm" chỗ này, chỗ kia. Lẽ ra các bộ, ngành, các cơ quan soạn thảo phải giúp Chính phủ lọc bớt những cơ chế chính sách bất hợp lý, những quy định chồng chéo, những rào cản gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp... thay vì tiếp tục đưa vào những thủ tục không cần thiết như thế. Còn cứ cắt chỗ này, mọc lại chỗ kia; bớt thủ tục này thêm quy định khác thì đến bao giờ môi trường kinh doanh của chúng ta mới thực sự thông thoáng, mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy người dân khởi nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá cho nền kinh tế?
Không thể phủ nhận, đạo đức nghề nghiệp ở nhiều ngành, người ngày càng suy thoái, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm... sẵn sàng vi phạm. Nhưng thay vì cấp phép, hãy chuẩn hóa các nguyên tắc, quy định; chế tài nghiêm minh và tuyên truyền rộng rãi để tạo nên văn hóa, sự chuyên nghiệp và đồng bộ. Như vậy, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập mà không cần thêm các giấy phép con làm khổ người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng tới công cuộc cải cách môi trường đầu tư mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.