Cập nhật bão số 6 (Trà Mi): Miền Trung đối diện nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ biển

Cập nhật bão số 6 (Trà Mi): Miền Trung đối diện nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ biển

26/10/2024 07:49 GMT+7

'Ở ngoài khơi ở Philippines vừa có một cơn bão hình thành, nó sẽ làm đường đi của bão số 6 rất kỳ dị. Vì vậy, trong ngày 26 - 27.10, dự báo hướng đi của bão số 6 còn tiếp tục thay đổi'", ông Mai Văn Khiêm (Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) lưu ý.

Đã có rất nhiều dự báo về cơn bão số 6 (bão Trà Mi) kể từ khi cơn bão này đi vào Biển Đông. Rất phức tạp, lại còn hay thay đổi. Những diễn biến của cơn bão này khiến các cơ quan khí tượng phải đưa ra nhiều kịch bản để thông tin dự báo đến người dân, chuẩn bị các biện pháp ứng phó.

Cập nhật bão số 6 (Trà Mi): Miền Trung đối diện nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ biển

2 kịch bản bão

Trong buổi họp ứng phó với bão số 6 chiều 25.10.2024, theo ông Mai Văn Khiêm (Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), trước khi vào Biển Đông, bão đã thay đổi hướng liên tục và gây ra lượng mưa lớn ở phía bắc đảo Luzon của Philippines.

Ông Mai Văn Khiêm đánh giá, đặc điểm của cơn bão này là hoàn lưu rất rộng từ thành mắt bão bên trong ra phía ngoài lên đến 500 - 600 km. Vùng gió mạnh cấp 8 bán kính khoảng 250 km nên tâm bão chưa đến nhưng mưa và gió mạnh đã bắt đầu có những tác động.

Bão Trà Mi (bão số 6) dự báo hướng đi 'dị thường' xuống phía Nam

Các cơ quan quốc tế khoảng 2 ngày nay đã thống nhất cơn bão này đi vào vùng biển miền Trung, cường độ mạnh nhất cấp 12 - cấp 13.

Qua phân tích, đánh giá, cơ quan khí tượng nhận định nhận định, cơn bão này chiều 26.10 sẽ di chuyển đến phía bắc quần Hoàng Sa, cường độ cấp 12, giật 15.

Đến chiều và đêm 27.10 sẽ nằm trên khu vực vùng biển Quảng Bình - Quảng Ngãi.

Ông Mai Văn Khiêm thông tin, khả năng kịch bản khi bão đi vào gần, đến bờ hoặc chạm bờ thì quay ra, xác suất đó hiện nay là 60-70%.

"Khả năng là vùng ven biển Quảng Trị cho đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gió có thể lên đến cấp 6, cấp 8, giật cấp 10. Còn kịch bản bão đi sâu hơn vào trong, xác suất khoảng 30% thì gió sẽ mạnh hơn. Như cấp 7 - cấp 9, giật cấp 11, cấp 12. Tôi nhấn mạnh là hiện nay chúng ta trọng tâm lưu ý khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi", ông Khiêm nhấn mạnh.

Miền Trung đối diện nguy cơ ngập lụt

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, dù ở kịch bản nào nhưng bão số 6 sẽ gây ra lượng mưa rất lớn do bão di chuyển đến sát bờ rồi đi vòng ra, thời gian hoàn lưu tác động đến đất liền khá lâu, có thể trên 1 ngày.

Vì vậy, nguy cơ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực trung Trung bộ. Khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa 300 mm - 500 mm, có nơi trên 700 mm, nguy cơ mưa cường suất lớn trong 3 giờ trên 100 mm. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, bắc Tây nguyên mưa từ 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm.

Đường đi kỳ lạ của bão số 6 (Trà Mi): Sẽ quay ngược ra Biển Đông

Ông Mai Văn Khiêm nhận định: trong trường hợp bão không đi quá sâu rồi đổi hướng quay ra sớm hơn thì xác suất thấp tác động mưa gió trên đất liền thay đổi theo xu hướng ít hơn. Tuy nhiên, hoàn lưu của bão cũng rất rộng, vì thế đề nghị người dân không quá chú tâm vào tâm của cơn bão vì tâm có thể ở xa nhưng mưa đã ở phía trong.

Ngoài ra, cần lưu ý đề phòng nguy cơ lũ trên các sông ở Trung bộ như sông Hương, sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc... Ngập úng, ngập lụt đô thị tại Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế.

Ông Khiêm cũng lưu ý rằng ở ngoài khơi ở Philippines vừa có một cơn bão hình thành, nó sẽ làm đường đi của bão số 6 rất kỳ dị. Vì vậy, trong ngày 26 - 27.10, dự báo hướng đi của bão số 6 còn tiếp tục thay đổi.

Cảnh báo sạt lở bờ biển miền Trung

Cũng tại buổi họp, đại tá Phạm Hải Châu (Phó cục trưởng Cục cứu hộ - Cứu nạn, thuộc Bộ Quốc phòng), cho biết cơn bão này có đường đi bất thường khi đi vào ven bờ lại đi ra. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ cơn bão Chanchu đã gây thiệt hại rất lớn, đề nghị các địa phương quản lý tốt việc tàu thuyền ra khơi để ngư dân tránh chủ quan.

Cập nhật bão số 6 (Trà Mi): Miền Trung đối diện nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ biển- Ảnh 1.

Lực lượng biên phòng Lý Sơn chằng chống nhà cửa giúp người dân

ẢNH: CTV

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ miền Trung trong năm 2024, thời gian quần thảo trên biển rất lâu. Cạnh đó, khả năng gây ra lượng mưa lớn. Nếu mưa 500 - 700 mm ở miền Trung sẽ có nguy cơ gây ra kịch bản lụt như năm 2020.

"Một là di chuyển tàu thuyền, tránh trú hợp lý, tránh trường hợp chúng ta còn để lại người trên tàu thuyền, lồng bè Vấn đề thứ hai, đây là vùng nuôi trồng thủy sản rất lớn, đề nghị các địa phương chỉ đạo bà con thu hoạch, có thể chìm lồng bè, dứt khoát không để người dân trên lồng bè. Vấn đề thứ ba, diện tích hoa màu hiện nay ở đây là hơn 70.000 hecta lúa mà chưa thu hoạch thì cũng phải thu hoạch ngay trước chủ nhật này (27.10)", ông Hiệp cho biết.

Ý nghĩa tên bão Trà Mi (số 6) và những cơn bão tên tiếng Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định ảnh hưởng của bão số 6 có thể gây sạt lở bờ biển, cát sỏi sẽ có dịch chuyển nên các tỉnh có nhiều bãi biển, du lịch lưu ý, phải tính toán ngay từ đầu và tuyên truyền đến người dân đầy đủ nhất có thể để người dân không chủ quan.

Cạnh đó, Bộ GTVT cần tiếp tục chỉ đạo cho các tàu thuyền di chuyển, neo đậu hợp lý để đảm bảo an toàn. Các địa phương nên có thời gian cấm biển dài hơn do dự báo bão vào bờ rồi lại quay ra.

"Và cùng với thu hoạch mùa màng thì cũng phải chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh. Đây là một cơn bão mà hoàn lưu rất lớn. Chúng tôi khuyến cáo bà con là có những giải pháp để an toàn tính mạng và tài sản. Ví dụ như với các khu đô thị, khu dân cư thì phải có đỗ xe, kê cao đồ đạc nhà cửa. Với khu vực miền núi thì tránh sạt lở ngay trong và sau bão", ông Hiệp nhấn mạnh.

Cũng theo thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các địa phương có thể sử dụng thiết bị bay không người lái để rà soát, phát hiện các điểm sạt lở.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, để ứng phó với bão số 6, các địa phương cần lên phương án phòng chống với tinh thần không nuối tiếc. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 vừa rồi, chúng ta đã lo rất tốt cho vùng ven biển nhưng vùng núi lại bị ảnh hưởng nặng nề.

Các tỉnh cần lên kịch bản trong mọi tình huống để chủ động ứng phó từ lương thực, thực phẩm đến nước uống. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị các phương án ứng phó của trực thăng bên phía quân đội, kích hoạt các cộng đồng phòng chống thiên tai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.