Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn

07/12/2023 13:51 GMT+7

Từ 14 giờ hôm nay (7.12), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP.HCM.

Ngày 7.12, kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 13 bước vào ngày làm việc thứ hai. Đây là kỳ họp cuối năm nhằm đánh giá, thảo luận nhiều nội dung quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 cũng như xem xét thông qua nhiều tờ trình quan trọng.

Sáng nay, các đại biểu HĐND TP.HCM đã chất vấn Chủ tịch UBND Q.12 và chất vấn ngẫu nhiên một số giám đốc sở ngành liên quan tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, bình ổn giá cuối năm...

Chiều nay, dự kiến từ 14 giờ đến 15 giờ 30, các đại biểu HĐND TP.HCM sẽ tiếp tục chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Phiên chất vấn do Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ điều hành.

[CẬP NHẬT] Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn

NHẬT THỊNH

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Đây là lần thứ 3 kể từ khi giữ chức Chủ tịch UBND TPHCM (nhiệm kỳ 2021 - 2026) hồi tháng 8.2021, ông Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM cuối năm.

Tại phiên họp chiều nay, HĐND TP.HCM cũng tổ chức và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 31 người giữ chức vụ do HĐND TP.HCM bầu, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nội dung này không truyền hình, phát thanh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tóm tắt một số nội dung về kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, trước tình hình khó khăn chung của cả nước và thế giới, TP.HCM bị ảnh hưởng rất nhiều và dự báo năm sau sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, toàn hệ thống cần phải chuẩn bị tâm thế.

[CẬP NHẬT] Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 2.

Đại biểu tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 7.12

NHẬT THỊNH

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, năm nay TP.HCM vừa triển khai nhiều chính sách mới, điển hình là tham mưu ban hành Nghị quyết 98 phát triển đặc thù TP.HCM, còn tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng. Dù chưa đạt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2023 nhưng đó là những kết quả rất quan trọng, như Nghị quyết 98 là chính sách nền tảng cơ bản đảm bảo cho sự phát triển về sau.

Về đầu tư công, ông Mãi cho biết, đến ngày 6.12, TP.HCM đã giải ngân 35.157 tỉ đồng, đạt 51,2%. "Xét phần trăm là thấp, nhưng khối lượng là rất lớn. Bởi bộ máy, con người vẫn vậy nhưng khối lượng này là gấp đôi năm 2022. Đây là nỗ lực đóng góp của cả hệ thống", ông Mãi nhấn mạnh.

Với những chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt, UBND TP.HCM cũng đã nhận diện và sẽ có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là tập trung điều hành các chỉ tiêu thu ngân sách, đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt 95% đối với những dự án thuận lợi, không dưới 80% với những dự án lớn và tỷ lệ giải ngân không được thấp hơn so với năm 2022.

Năm 2024, TP.HCM thực hiện chi khoa học công nghệ, nâng tỷ trọng năng suất lao động xã hội. "Chiều qua, các tổ HĐND TP.HCM đã thảo luận, trong đó chất vấn về sự hiệu quả, đồng bộ phối hợp sở ngành trong giải quyết vấn đề. Dù thời gian qua, TP.HCM đã nỗ lực, nhưng đây là vấn đề cần phải nói tới, chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm, giám sát tiến độ cần thiết thời gian tới", ông Mãi cho biết.

[CẬP NHẬT] Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

NHẬT THỊNH

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ông Phan Văn Mãi nói TP.HCM phấn đấu tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2024 từ 7,5 - 8%: "Đây là chỉ tiêu cao và thách thức. Nhưng đặt mục tiêu đó cũng là để thử thách chính mình và phấn đấu. TP.HCM xác định 3 kịch bản tăng trưởng, nếu tình hình bất lợi là tăng 5,62 - 5,69%, nếu tình hình không biến động thì tăng trung bình 6,29 - 7,05% và thuận lợi là tăng 7,13 - 7,95%".

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm về đẩy mạnh chuyển đổi số; xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM (LGSP) với dữ liệu Quốc gia (NDXP); triển khai, vận hành hệ thống thông tin quản lý đất đai; app công dân; đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số chính quyền cấp cơ sở; hoàn thiện đề án Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cấp, tiếp tục phát triển sàn giao dịch công nghệ và xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông TP.HCM.

Về thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP.HCM sẽ tập trung tham mưu các văn bản dưới luật, xây dựng các cơ chế thuộc thẩm quyền của TP.HCM, đảm bảo đến đầu năm sau sẽ hoàn thành,

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng phát biểu về các giải pháp xây dựng bộ máy chính quyền, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ cũng như những giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị; giao thông; các công trình dự án trọng điểm hay các chính sách về văn hóa - xã hội…

[CẬP NHẬT] Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 3.

Đại biểu HĐND TP.HCM Lê Minh Đức nêu chất vấn

NHẬT THỊNH

TP.HCM lên danh mục 197 thu hút đầu tư nhưng chưa đạt kết quả

Trả lời câu hỏi đại biểu Lê Minh Đức về 4 chương trình trọng điểm, đột phá, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết khi chuẩn bị đại hội, thành phố đặt nhiều mục tiêu, kỳ vọng nên đề ra 4 chương trình trọng điểm với 49 đề án.

Khi sơ kết giữa nhiệm kỳ, thành phố nhìn lại thấy mục tiêu hơi cao so với thực lực, tức là năng lực và khả năng thực hiện cũng như chưa lường hết được những diễn biến, như dịch bệnh Covid-19.

Về nguồn lực, thành phố xác định dùng cả đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội nhưng chưa chuẩn bị được quy hoạch và cơ chế chính sách nên khó thu hút đầu tư. Trong 2 năm còn lại, ông Mãi cho biết sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành các chỉ tiêu với kết quả cao nhất.

Đối với văn hóa - xã hội, ông Mãi cho biết vấn đề này được HĐND TP.HCM quan tâm, từng bước xây dựng thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế. Thành phố sẽ tập trung đầu tư hạ tầng xã hội bên cạnh hạ tầng kỹ thuật.

Chủ tịch TP.HCM cũng nêu định hướng thực hiện các đề án gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị tăng trưởng lớn như dịch vụ tài chính, công nghiệp văn hóa, y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, chip, bán dẫn, công nghệ sinh học.

[CẬP NHẬT] Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 5.

Khi sơ kết giữa nhiệm kỳ, TP.HCM nhìn lại thấy mục tiêu hơi cao so với thực lực

T.N

Về danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) lĩnh vực văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, ông Mãi thừa nhận thành phố quan tâm hình thức PPP nhưng việc chuẩn bị thì như đầu tư công, chưa rà soát quy hoạch, điều kiện pháp lý nên khi nhà đầu tư tìm hiểu thấy mất nhiều thời gian. Vừa qua, TP.HCM lên danh mục 197 thu hút đầu tư nhưng chưa đạt kết quả.

Vừa rồi, Thường trực UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan rà soát, những dự án nào có thể điều chỉnh đất đai, quy hoạch thì giữ lại và xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Đối với danh mục 41 dự án lần này, TP.HCM đã rút kinh nghiệm, tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch và vận dụng cơ chế theo Nghị quyết 98/2023 để tăng tính khả thi.

Sau khi HĐND TP.HCM thông qua, UBND TP.HCM nghiên cứu, ban hành quy trình, bộ hồ sơ thủ tục, để thực hiện nhanh gọn hơn đầu tư công, trong đó tập trung những dự án có thể làm ngay để có kết quả, tránh kéo dài gặp vướng mắc pháp lý.

"Tinh thần là đầu tư PPP phải nhanh hơn đầu tư công", ông Mãi nói.

[CẬP NHẬT] Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 5.

Đại biểu Lê Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM

NHẬT THỊNH

Đại biểu Lê Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đặt câu hỏi về công tác phát triển nhà ở. Cụ thể, theo công bố khảo sát nhu cầu nhà ở đối với 96.000 người thì 51.000 người có nhu cầu thuê nhà, 29.000 người mua nhà. Điều đó có nghĩa phần lớn người dân có nhu cầu thuê nhà, vậy TP.HCM đã có giải pháp gì để người lao động có thu nhập thấp thuê được nhà ở?

Trả lời ý kiến của đại biểu Thúy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM nhận diện được nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn. Những người có thu nhập thấp muốn thuê nhà vài triệu đồng mỗi tháng để cân đối thu nhập.

TP.HCM đã xác định nhu cầu này, và phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê. Nhưng thực tế, TP.HCM gặp khó ở nhiều điểm như điều kiện ràng buộc để mua nhà ở xã hội, cơ chế chính sách chưa đủ thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi không thể dùng hoàn toàn ngân sách để phát triển.

Hiện, TP.HCM mỗi tuần đều họp, lắng nghe, tháp gỡ từng dự án. Trong năm 2024, nếu tập trung tháo gỡ nhanh thì sẽ có 10 dự án được triển khai.

[CẬP NHẬT] Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 6.

Chủ tịch Phan Văn Mãi lắng nghe chất vấn của đại biểu

NHẬT THỊNH

"Người dân thành phố đi qua nhìn cũng nhức mắt, tôi cũng khó chịu"

Đại biểu Phạm Đăng Khoa nêu thực tế Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Q.3) cả chục năm qua đang bỏ trống, và đặt câu hỏi dự án có thực hiện theo hình thức đối tác công tư hay không, vì sao lại lãng phí như vậy?

Trả lời câu hỏi về dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết người dân thành phố đi qua nhìn cũng nhức mắt, tôi cũng khó chịu. Qua rà soát, dự án có thể áp dụng điều khoản dự án BT (xây dựng - chuyển giao) chuyển tiếp.

Tuy nhiên, có ý kiến đặt câu hỏi tại thời điểm này mà làm trung tâm thể dục thể thao ở một khu vực đô thị như vậy có phù hợp nữa không. "Chúng tôi sẽ đánh giá và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy phương án sử dụng khu đất này vào cuối tháng 12", ông Mãi nói.

Cũng theo Chủ tịch TP.HCM, trên địa bàn Q.1, Q.3 có nhiều vị trí đang trong tình trạng dở dang, bỏ trống như nhà thi đấu Phan Đình Phùng, thương xá Tax và một số vị trí trên đường Lê Duẩn. Các dự án này vướng mắc pháp lý nên phải rà soát lại.

Về đề xuất sử dụng tạm để đỡ lãng phí, ông Mãi cho biết vừa rồi thành phố vận dụng theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị để lập phương án sử dụng tạm ở một số vị trí, như làm nhà vệ sinh công công. Dù vậy, khi thực hiện thì có người nói thành phố chơi sang, lấy đất vàng làm nhà vệ sinh. Nhưng đây chỉ là sử dụng, khai thác tạm thời.

[CẬP NHẬT] Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 8.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên

T.N

"TP.HCM không phải tiếc bồi thường..."

Đại biểu Lê Thị Trúc Lâm đề cập dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, và hỏi Chủ tịch UBND TP.HCM về hướng xử lý khi hiện nay Q.12 đang vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với 63 hộ dân.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đây là dự án rất quan trọng, toàn hệ thống chính trị rất quan tâm, nhất là đối với công tác bồi thường, tái định cư. Ở Q.12, có thể 63 hộ dân không đủ điều kiện hưởng bồi thường, tuy nhiên TP.HCM cũng đang yêu cầu hội đồng bồi thường và các cơ quan liên quan đặt ra chính sách hỗ trợ.

TP.HCM cũng sẽ rà soát lại để có những chính sách hỗ trợ người dân ổn định sinh kế, tái định cư. Đồng thời có những chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Mãi khẳng định: "TP.HCM không phải tiếc bồi thường, không hỗ tợ bà con nhưng phải tuân thủ quy định, TP.HCM muốn bồi thường thỏa đáng nhất để sớm có mặt bằng triển khai các dự án".

Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 9.

Phiên chất vấn do Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ điều hành

NHẬT THỊNH

Vốn đầu tư công của TP.HCM năm 2024 dự kiến hơn 79.000 tỉ đồng

Đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND TP.HCM về công tác giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Huỳnh Thanh Hùng cho biết năm 2024 dự kiến cần giải ngân 79.000 tỉ đồng, đây là con số khá lớn. Vậy Chủ tịch TP.HCM cho biết thêm các giải pháp đảm bảo dự án tiến độ, đảm bảo tỷ lệ giải ngân?

Về thu hút đầu tư hình thức đối tác công tư, ông Hùng cho biết Quốc hội cho TP.HCM áp dụng một số cơ chế đặc thù, đồng thời đặt câu hỏi thành phố có những giải pháp gì để thu hút hợp tác công tư, và lĩnh vực nào cần ưu tiên?

Vấn đề thứ 3 được ông Hùng nêu ra là tại Nghị quyết 21/2017 về công tác quy hoạch và giải quyết các dự án chậm triển khai, HĐND TP.HCM đề nghị đánh giá lại tính khả thi, phân nhóm để xử lý các dự án chậm triển khai. Nhưng qua thực tế tiếp xúc cử tri và làm việc với Q.Bình Tân thì có 13 dự án chậm triển khai, trong đó 6 dự án giao đất, chuyển mục đích sử dụng nhưng chưa thực hiện. Điển hình như dự án khu dân cư Bình Trị Đông B kéo dài 20 năm, khu nhà ở Tân Hồng 14 năm…

Trả lời, ông Phan Văn Mãi nói năm nay kỳ vọng nhiều vào giải ngân đầu tư công nhưng phải xoay xở. Lý do, phần lớn dự án đầu tư công là dự án chuyển tiếp, hồ sơ có nhiều điểm phải cập nhật, dẫn đén bị động về công tác chuẩn bị.

Về chủ quan, chủ đầu tư năng lực chưa tốt, giải phóng mặt bằng vướng mắc và sự vào cuộc của các sở ngành, thành phố phối hợp chưa nhịp nhàng.

Năm nay, TP.HCM được giao vốn đầu tư công hơn 68.500 tỉ đồng, cố gắng giải ngân trên 80%.

Năm 2024, số vốn đầu tư công của TP.HCM dự kiến hơn 79.000 tỉ đồng, trong đó hơn 75.000 tỉ đồng vốn ngân sách thành phố.

Về giải pháp, ông Mãi cho biết sẽ tiếp phát huy các giải pháp hiệu quả đã thực hiện năm 2023. Sắp tới, UBND TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị về đầu tư công. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ điều chỉnh để quý 1, quý 2/2024 hoàn thành thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng, để 6 tháng cuối năm tập trung công tác xây lắp.

Đối với dự án PPP lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, ông Mãi nêu thuận lợi là có Nghị quyết 98. Vừa rồi, Chủ tịch HĐND TP.HCM góp ý danh mục 41 dự án đọc qua thấy chưa đã, chưa thấy có dự án để lại dấu ấn. Việc này, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất trong thời gian tới.

Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn - Ảnh 10.

Đại biểu HĐND TP.HCM tại phiên chất vấn

NHẬT THỊNH

Tổ chức khai thác sử dụng vỉa hè phù hợp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương về việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM không cấm buôn bán, sử dụng lòng đường, hè phố nhưng cần phải tổ chức phù hợp để đảm bảo được sinh kế của dân mà vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.

TP.HCM đã có những văn bản chỉ đạo về việc này, đồng thời đã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 15 năm 2023 của HĐND TP.HCM về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM.

Hiện nay UBND TP.HCM đang chỉ đạo các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát lại, theo đó TP.HCM có hơn 700 km đường đô thị có vỉa hè rộng.

"Chúng ta cần chọn lựa đoạn đường phù hợp để khai thác chứ không phải đoạn nào cũng khai thác. Hiện nay các địa phương đang rà soát lại hiện trạng trên địa bàn để xác định tuyến đường có thể áp dụng. Trong quá trình làm sẽ rút kinh nghiệm, điều chỉnh", ông Mãi nói.

Song song đó, TP.HCM cũng sẽ ứng dụng công nghệ để quản lý, thu phí, cấp phép, kết hợp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.