Cấp nước giếng khoan cho bà con vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn

06/04/2020 18:52 GMT+7

Theo báo cáo của Trung tâm Quy hoạch - Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia thuộc Bộ TM-MT, đơn vị này đang triển khai nhiều điểm giếng khoan cấp nước sinh hoạt cho bà con vùng hạn hán , xâm nhập mặn.

Trung tâm Quy hoạch - Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, theo các điều tra, đánh giá thì vùng huyện Châu Thành, Bến Tre có 7 tầng chứa nước ngọt ở các độ sâu khác nhau từ 20 - 450 m. Trong đó, lượng nước chủ yếu tập trung ở 3 tầng chứa chính có độ sâu từ 300 - 450 m, với tổng trữ lượng nước ngọt khoảng 70.000 m3/ngày, trong đó, trữ lượng có thể khai thác là khoảng 6.000 m3/ngày.
Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, đầu tháng 4 mới đây, Trung tâm Quy hoạch - Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống khai dẫn có khả năng cung cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 300 m3/ngày tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Sau khi xây dựng hoàn thành, điểm cấp nước này được bàn giao lại cho chính quyền địa phương vận hành cấp nước miễn phí cho người dân

Ảnh CTV

Nguồn nước này được lấy từ các giếng khoan ở độ sâu từ 300 - 400 m từ các tầng chứa nước dưới lòng đất, đưa vào bồn lắng rồi qua hệ thống cột lọc xử lý ngược, đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt (theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế). Nước sau khi được xử lý vẫn còn nóng trên 35 độ C; có hàm lượng khoáng chất, rất tốt cho sức khỏe.
Cũng theo Trung tâm Quy hoạch - Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, sau khi có nước từ điểm cấp nước có nguồn từ giếng khoan, địa phương đã dùng các xe chuyên dụng chở nước cấp cho các hộ dân trong xã và đã thông báo cho các hộ ở địa bàn lân cận trực tiếp đến lấy nước sinh hoạt về dùng. 

Sau điểm cấp nước có nguồn từ giếng khoan hoàn thành đưa vào sử dụng này, sẽ có thêm nhiều điểm cấp nước miễn phí khác được xây dựng, đưa vào vận hành trước 15.4 tới

Ảnh CTV

Riêng xã An Khánh, trung bình mỗi ngày, cần khoảng 70.000 lít nước từ nguồn nước này cung cấp cho khoảng 1.200 người dân, vận chuyển chủ yếu bằng xe máy, phương tiện tự chế.
Trung tâm Quy hoạch - Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, trong những ngày tới sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền huyện Châu Thành và các đơn vị, lực lượng liên quan sử dụng các xe bồn lớn, công suất từ 5 - 10 m, để phân phối nước cho người dân các xã lân cận; sử dụng hiệu quả nguồn nước sinh hoạt lấy từ giếng khoan ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng trên địa bàn huyện Châu Thành.
Theo Trung tâm này, tổng kinh phí dự toán cho các điểm cấp nước sinh hoạt từ nguồn giếng khoan có công suất từ 300 - 500 m3/ngày đêm là khoảng 215 triệu đồng, còn điểm có công suất trên 500 m3/ngày đêm là gần 250 triệu đồng.
Trung tâm Quy hoạch - Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, thời gian tới sẽ triển khai các điểm cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, với công suất 1.000 m3/ngày đêm; xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, với công suất 700 m3/ngày đêm; xã Biển Bạch Động, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, với công suất 1.000 m3/ngày đêm. Tất cả các điểm trên dự kiến hoàn thành, có thể cấp nước sinh hoạt cho người dân trước 12.4. 
Đồng thời, các vị trí dự kiến triển khai tiếp theo là xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, với công suất 1.200 m3/ngày đêm; xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, với công suất 1.000 m3/ngày đêm; xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, với công suất 1.800 m3/ngày đêm; xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, với công suất 900 m3/ngày đêm; xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, với công suất 700 m3/ngày đêm; xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An với công suất 800 m3/ngày đêm; xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, với công suất 1.000 m3/ngày đêm. Tất cả các điểm cấp nước này dự kiến sẽ được lắp đặt xong trước 15.4 tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.