Cấp sổ đỏ dòng rạch cho một hộ dân, 18 hộ khác bức xúc khiếu nại

14/09/2019 11:22 GMT+7

18 hộ dân ở H.Chợ Lách (Bến Tre) đứng ngồi không yên khi chính quyền cấp sổ đỏ dòng rạch cho một hộ dân và hộ này tuyên bố con rạch cung cấp nước mấy chục năm qua có thể bị san lấp bất cứ khi nào.

18 hộ dân khốn đốn

Xác minh theo theo đơn phản ánh của 18 hộ dân ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, H.Chợ Lách (Bến Tre), PV Báo Thanh Niên ghi nhận được sự bức xúc của họ đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích con rạch khoảng 40 m2 và đã áp thửa vào thửa đất liền kề cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Được, bà Nguyễn Thị Thu Thủy.

“Con rạch này đã có từ hồi tôi còn nhỏ xíu, ngang rộng hơn 6 m, sâu dữ lắm. Nó là con rạch duy nhất để lấy nước xài, tưới tiêu, sinh hoạt và mấy chục hộ dân phía trong. Dân ở đây gọi là rạch Sáu Vịnh”, ông Trần Anh Huy (55 tuổi) nói về dòng rạch dẫn nước từ sông Cổ Chiên về khu vực này.

Theo ông Huy, năm 2016, gia đình ông Được - bà Thủy tuyên bố rằng dòng rạch này đã được UBND H.Chợ Lách cấp quyền sử dụng đất. Ngay sau đó, gia đình này tuồn rác thải nhựa, vỏ chai thuốc trừ sâu, lá cây khiến dòng nước bị ô nhiễm, bà con vô cùng lo lắng, phẫn nộ.

“Chúng tôi đang khiếu nại UBND H.Chợ Lách do cấp chủ quyền phần đất trên dòng rạch là phần đất công cộng từ bao nhiêu năm nay và không nghĩ đến đời sống của hàng chục hộ dân phía bên trong thì chỉ trong một đêm cuối năm 2018, vợ chồng ông Được thuê người xây tường kiên cố chăn ngang dòng rạch luôn. Bức xúc, cháu tôi là Nguyễn Vinh Quang đến đập bức tường khui nước ra thì bị Công an H.Chợ Lách xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng vì hủy hoại tài sản người khác”, ông Huy đại diện cho 18 hộ dân nêu bức xúc.

Dòng rạch ngang hơn 6 m và khá sâu nhưng hiện bị rác thải, cây cối phủ kín như thế này khiến hàng chục hộ dân bên trong hết sức bức xúc. ẢNH: BẮC BÌNH
Theo bà con, nước dòng rạch này dùng để ăn, uống, tắm, giặt đến tưới tiêu cho khoảng 80 công vườn cây ăn trái và cũng giữ vai trò thoát nước sau các đợt triều cường, mưa lớn.

“Việc tuồng rác khiến dòng nước tanh hôi, ghê lắm mà không lấy lên dùng thì còn nguồn nước nào khác đâu. Dòng nước máy hư lâu rồi. Đợt triều cường cuối năm 2018 đã khiến 3 công vườn chôm chôm hơn 10 năm tuổi của tôi bị hư do ngập nước lâu, buộc phải đốn bỏ rồi đắp mô thật cao để trồng lại”, ông Trần Văn Việt, 68 tuổi, nói về hệ quả khi dòng rạch bị chặn.

Huyện nói đang giải quyết, tỉnh bảo 'đi kiện'

Ngày 12.9, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Phú Phụng, khẳng định bức xúc của 18 hộ dân khu vực ấp Phụng Đức B là có cơ sở vì nguồn nước từ dòng rạch có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất nông nghiệp. Thực tế, những hệ lụy đã xảy ra đúng như đơn phản ánh của bà con gửi Báo Thanh Niên.

“Năm 2016 khi tranh chấp xảy ra rồi căng thẳng leo thang, UBND xã thường xuyên cử lực lượng công an xuống đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời UBND xã đã ghi nhận đầy đủ sự việc rồi báo cáo về huyện giải quyết mới đúng thẩm quyền. Theo tôi biết thì dòng kênh này đã có từ trước năm 1990 nhưng không hiểu sao hồ sơ địa chính không được thể hiện. Dự án VLAP cấp đổi sổ sau đó cũng thể hiện đoạn kênh nêu trên trong toàn bộ diện tích thửa đất gần 2,7 công của hộ ông Nguyễn Văn Được”, ông Cường cho biết.

Cùng ngày, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Trần Văn Đém, Chủ tịch UBND H.Chợ Lách cho biết UBND huyện đang giải quyết khiếu nại của 18 họ dân ấp Phụng Đức B. Qua trích lục hồ sơ, địa chính cấp thêm phần đất hơn 40 m2 (đang tranh chấp) để áp vào thửa đất của hộ ông Nguyễn Văn Được cũng có nhiều điểm cần xác minh làm rõ thêm.

“Tinh thần là đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa hộ ông Được với 18 hộ dân phía bên trong. Ý nghĩa của nguồn nước của dòng rạch là vô cùng quan trọng đối với các hộ dân bên trong, không chỉ có 18 hộ đi khiếu nại đâu. Vì vậy, dù là hướng giải quyết ra sao thì tôi cũng khẳng định là phải đảm bảo được nguồn nước này cho dân”, ông Đém khẳng định.

Trong khi đó, 18 hộ dân trên đến Phòng Tiếp dân của UBND tỉnh Bến Tre thì được giải thích rằng yêu cầu của bà con chỉ có cách khởi kiện ra tòa án mới đúng quy trình, thủ tục giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.